| Hotline: 0983.970.780

Bài 5: Khi nào mới có vacxin ASF?

Thứ Sáu 28/06/2019 , 08:51 (GMT+7)

Dù phát hiện được hơn 100 năm, những nỗ lực tìm ra kháng nguyên cho virut tả lợn châu Phi (ASF) đến giờ vẫn chưa mang lại hiệu quả.

Giá thành cao

Có 7 loại vacxin là nhược độc, bất hoạt, vô bào, giải độc tố, cộng hợp, DNA và vector tái tổ hợp. Mỗi loại vacxin lại có ưu, nhược điểm riêng.

Nhiều bệnh ở lợn như suyễn, tai xanh, phù đầu, lở mồm long móng... ở lợn có thể phòng được nhờ tiêm vacxin.

Trong đó, vacxin tiêm cho vật nuôi thường là nhược độc. Đây là loại vacxin chứa các vi sinh vật sống đã được làm yếu đi trong phòng thì nghiệm để không còn khả năng gây bệnh. Do là loại gần với nhiễm trùng tự nhiên nhất nên vacxin nhược độc là "người thầy" tốt nhất cho hệ miễn dịch, giúp cơ thể kích thích các kháng thể phản ứng và có khả năng miễn dịch lâu dài. Hạn chế của vacxin nhược độc là vi sinh vật chứa trong vacxin có khả năng chuyển thành dạng có động lực và gây bệnh. Ngoài ra, vacxin này yêu cầu bảo quản lạnh để giữ hoạt tính, và dễ gây phản ứng – lý do khiến không thể tiêm vacxin này cho những gia súc bị bệnh.

Loại vacxin thứ hai có thể được tiêm cho vật nuôi là bất hoạt. Đây là loại vacxin có được bằng cách giết các vi sinh vật bằng hóa chất, nhiệt hoặc tia xạ. Loại vacxin này có ưu điểm là ổn định và an toàn hơn loại nhược độc nhưng hiệu quả không tốt bằng và phải tiêm nhiều lần.

Với virut gây bệnh ASF, cả hai cách điều chế thông thường đều gặp vấn đề bởi cấu trúc gen của virut này phức tạp, có nhiều loại protein khác nhau được mã hóa bởi nhiều gen khác nhau. Trong hàng nghìn công trình nghiên cứu của các nhà khoa học suốt chục năm qua, họ chưa xác định được loại kháng nguyên nào có thể dùng để sản xuất vacxin để giúp lợn có cả đáp ứng miễn dịch dịch thể và miễn dịch qua trung gian tế bào. Lý do bởi, virut ASF tấn công vào tế bào đại thực bào hoặc tế bào lympho của lợn, nhân lên, phá hủy hoặc điều chỉnh chức năng hoạt động của tế bào này, dẫn đến lợn bị nhiễm bệnh không còn khả năng tạo ra miễn dịch để chống lại virut.

Ở một số phòng thí nghiệm, người ta đã điều chế được một số vacxin phòng bệnh ASF, giúp lợn tạo ra kháng thể nhưng kháng thể này không hoặc ít có khả năng làm trung hòa, tiêu diệt được virut. Bên cạnh đó, những vacxin này chưa có được tế bào dòng ổn định để nuôi cấy làm tăng virut với số lượng lớn cần thiết để sản xuất đại trà. Muốn đủ vacxin để cung cấp cho toàn thế giới, người ta cần phải giết hàng triệu con lợn. Giá thành của vacxin, vì thế, sẽ bị đẩy lên rất cao.

Tại châu Âu, nơi có nền y học phát triển, nhiều quốc gia đã chi hàng trăm triệu USD để nghiên cứu vacxin nhưng chưa mang lại bước tiến đáng kể. Trung Quốc, quốc gia có đàn lợn lớn nhất thế giới, được cho là đã phân lập được virut ASF, nhưng ở bước cuối để điều chế vacxin, nước này chưa cho ra lời đáp.
 

Không liên quan tới HIV

Sự phát triển khó lường của virut ASF khiến nhiều người cho là nó có nguồn gốc với virut HIV, một loại virut xuất phát từ loài linh trưởng nhưng sau khi truyền qua con người đã biến đổi, và hiện chưa có thuốc hay vacxin đặc trị.

Một số thuyết âm mưu cho rằng do được tìm thấy gần như cùng thời điểm, cùng bắt đầu từ châu Phi khiến mọi người tin là hai loại virut này có thể liên quan, hoặc chung nguồn gốc. Tuần san y học The Lancet, trong số báo ra hồi thập niên 80, từng đưa ra nhiều phỏng đoán về điều này.

Vacxin phòng ASF chưa thể được nhân rộng vào thời điểm này.

Tuy nhiên, sau khi virut HIV được xác nhận là gây ra bệnh AIDS, khiến cơ thể người suy giảm miễn dịch, còn virut ASF chưa có bằng chứng nào gây hại cho con người, mối liên quan giữa ASF và HIV bị xóa bỏ. Những nỗ lực tìm ra vacxin đặc trị ASF được đẩy mạnh, nhưng do cấu trúc phức tạp của bộ gen tuyến tính lên tới 150 gen và kích thước lớn, kết quả thu được không đáng kể.           

Các nhà khoa học ở Đại học Florida, Mỹ nhận xét rằng virut ASF khiến giới nghiên cứu đau đầu vì cấu trúc di truyền phức tạp. Họ ví virut ASF với hai chủng virut khổng lồ gây xôn xao dư luận hồi năm ngoái là Tupanvirus và Mimivirus. Sự nhân lên của virut ASF trong vật chủ diễn ra ở các khu vực hạt nhân. Đó là một quá trình phối hợp chặt chẽ, có khả năng tự sao chép bộ gen của chính nó và có thể tự thích ứng với tế bào vật chủ bằng cách cắt bỏ các protein cấu trúc, cùng nhiều protein không cần thiết cho việc sao chép gen trong tế bào.

Tại Việt Nam, thiệt hại của ASF hiện giới hạn trong lĩnh vực kinh tế. Thông tin từ Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn khẳng định, các phòng thí nghiệm trong nước đang thực hiện bước nuôi cấy, phân lập để phân loại virut phục vụ nghiên cứu sản xuất vacxin. Bộ cũng đã được nhiều tổ chức nước ngoài hứa hỗ trợ kinh phí trong quá trình điều chế vacxin chống ASF. Một số giáo sư đầu ngành thú y ở Việt Nam nhận định, vacxin ASF cần từ 3 đến 4 năm nữa để được đưa vào dùng trong thực tế.

Xem thêm
Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.

Bình luận mới nhất