| Hotline: 0983.970.780

Biển Quảng Ninh nổi sóng

[Bài 6] Chuyện của ngư dân sắp phá sản lần thứ 5

Thứ Tư 26/04/2023 , 09:45 (GMT+7)

Đi trên những thanh gỗ thông ra lồng nuôi cá tôi cảm giác lúc nào cũng chực ngã nhưng thân phận của anh Thành còn chìm nổi hơn khi sắp phá sản lần thứ 5.

Đắm đuối vì nghề

Tôi trở về bờ, mươi hôm sau cuộc gặp gỡ bỗng nhận được cuộc điện thoại của anh Thành, giọng như lạc đi: “5 giờ chiều hôm nay (22 tháng 4) tôi mới nhận được 2 thông báo của UBND huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh về xử phạt vi phạm hành chính nhưng không có mức phạt mà họ chỉ bắt buộc di dời, tháo dỡ công trình nuôi thủy sản không được cấp phép. Kiểu này thì chết mất thôi!”.

Anh Nguyễn Văn Thành: 'Người dân chỉ mong sao được Nhà nước giao sổ đỏ mặt nước và phân định chỗ nào cho nuôi, chỗ nào không để yên tâm sản xuất'. Ảnh: Tiến Thành.

Anh Nguyễn Văn Thành: "Người dân chỉ mong sao được Nhà nước giao sổ đỏ mặt nước và phân định chỗ nào cho nuôi, chỗ nào không để yên tâm sản xuất". Ảnh: Tiến Thành.

Trước đó, năm 2017, khi quyết định đầu tư nuôi ngao rồi hàu, anh cùng nhiều hộ dân khác đã làm các thủ tục xin giao mặt biển trong khu vực 3 hải lý tính từ mép nước gần nhất theo đúng Luật Thủy sản năm 2017. Nhưng tỉnh Quảng Ninh nói chung và huyện Vân Đồn nói riêng mấy năm nay việc giao hay cho thuê mặt nước chưa thực hiện được do phải chờ quy hoạch tổng thể của các ngành.

Vậy nên, nhiều hộ dân đã tự phát cùng nhau phân vùng, thả dây phao xốp nuôi hàu, thả ô lồng nuôi cá trên phần mặt nước được quy hoạch dự kiến dành cho nuôi biển lẫn ngoài quy hoạch, thậm chí thả cả vào luồng lạch giao thông đường thủy.

Bài liên quan

Anh Thành ước tính, chưa chắc đã được nổi 10% người nuôi trồng thủy sản có sổ đỏ mặt nước, mà nhiều người dù có được giao, hay được thuê trước đó cũng đã hết hạn từ lâu: “Đa số người nuôi trồng thủy sản đang không có sổ đỏ bởi xin phép mãi mà chưa được cấp. Thế mà giờ đây lại ghép cho chúng tôi vào tội nuôi sai quy hoạch, trái phép. Chính quyền phải quy hoạch chỗ nào cho nuôi thì cấp giấy, cấp chứng nhận để người dân yên tâm đầu tư, chỗ nào không cho nuôi cũng phải nói rõ để cho dân biết chứ?

Nhà tôi có hơn 200 dây hàu đã bị cán bộ xã ra cắt phao xốp theo chính sách chuyển đổi sang phao nhựa của tỉnh, mỗi dây hàu chỉ để lại một chút phao xốp để khỏi chìm trong lúc chờ thay phao nhựa. Ngoài ra tôi còn có 100 ô lồng đang nuôi cá. Vậy mà giờ đây huyện chỉ cho thời hạn phải tháo dỡ, di dời trong có 7 ngày. Lạ ở chỗ là tôi được biết xung quanh đây chỉ có gia đình mình bị bắt tháo dỡ, di dời như thế trong khi có rất nhiều người đang nuôi tương tự”...

Anh Nguyễn Văn Thành người ở thị trấn Cái Rồng nhưng nuôi trồng thủy sản ở khu vực biển Bà Cô Đông, hòn Dương Cát và hòn Dợt Dợt của xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Anh kể, sở dĩ mình có cái tên Thành "ghẹ" là do năm xưa làm nghề buôn ghẹ, trung bình 5-7 tấn/ngày, có những hôm tới 15 tấn. Nhưng trước khi buôn ghẹ, năm 2002 anh đã nuôi 8 lồng cá ở gần đảo Đông Ma của xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn, chẳng may gặp một cơn bão dữ phải kéo bè di dời khiến cho cá bị chết hết sau 1 tuần, 400 triệu một đi không trở lại. Đó là lần phá sản thứ nhất.

Anh Nguyễn Văn Thành bên khu vực nuôi 100 ô cá của mình. Ảnh: Tiến Thành.

Anh Nguyễn Văn Thành bên khu vực nuôi 100 ô cá của mình. Ảnh: Tiến Thành.

Năm 2004 anh cắm 2 cái dậu (ô lưới), mỗi cái rộng 1.000 m2 ở hòn Cò để nuôi cá. Xui xẻo thay dính ngay vào một cơn bão trái quy luật, từ hướng tây kéo tới xé rác tan lưới, trên 3 vạn con cá song bị thất thoát ra ngoài, thiệt hại hơn 1 tỉ. Cạn vốn, phá sản lần thứ hai, anh đành phải chuyển sang nghề buôn bán kiểu cò con ở chợ, lúc đầu loanh quanh Vân Đồn, sau đó mới tiến lên Móng Cái, Hải Phòng rồi Hà Nội. Năm 2005, trong lần chở cá đi Móng Cái tàu của anh bị một chiếc xà lan đâm vào, chìm ngay lập tức, suýt chết, mất hơn 700 triệu, đó là lần phá sản thứ ba.

Bài liên quan

Buôn bán đến năm 2017, nỗi nhớ nghề đã kéo anh trở về với biển, thuê rồi mua lại 1ha mặt nước của công ty Trường An, được một thời gian thì hết hạn. Trước tiên, anh thả ngao nhưng năm 2019 một biến cố khiến cho 10 vạn con giống bị xóa sổ, mất trắng hơn 4 tỉ, đó là lần phá sản thứ tư. Sau bao cố gắng, anh cầy cục, phục hồi lại nghề, nuôi hơn 200 dây hàu và 100 ô cá thì nay lại có lệnh di dời của huyện:

“Tôi không thể di dời được vì bởi hàu đã nuôi được 4, 5 tháng rồi, giờ mà huyện bắt di dời chỉ còn cách cắt bỏ bởi 100 lồng cá mà di dời sẽ bị ảnh hưởng, chết hết. Không có phương án nào cho chuyện đó, nếu buộc phải làm thì chỉ còn cách hủy, chấp nhận đốt tiền, mất trên 10 tỉ thôi”.

Hi vọng gửi trên lưng cá

Đêm đó tôi ngủ lại bè của anh Thành "ghẹ", chịu đựng cảnh muỗi dĩn, gió mặn, sóng nhồi nhưng có là gì so với những ngư dân như anh phải chịu đựng quanh năm suốt tháng? Tiếng người nói lao xao lẫn trong tiếng cá búng nước lóc chóc ở dưới lồng. Có ba loại cá đang được nuôi tại đây, trong đó truyền thống là cá giò, cá song và đối tượng rất mới là cá chim vây vàng.

Cá song nuôi phải 3-5 năm, khi đạt trọng lượng 3-5 kg mới bán được; cá giò nuôi 1,5-2 năm, khi đạt trọng lượng 10-15 kg mới bán được. Mồi của chúng là những loại cá nhỏ, sẵn có ở vùng biển này, được thu mua với giá trên dưới 10.000đ/kg. Cứ 8-9 kg cá mồi sẽ cho ra được 1 kg cá thương phẩm.

Khác với hai loại cá có thời gian nuôi dài hơi kia, chim vây vàng là loại “nuôi xổi”, chỉ 10-12 tháng sẽ đạt trọng lượng 1 kg, đủ để xuất bán. Mồi của chúng 100% là thức ăn công nghiệp bởi hệ tiêu hóa rất nhạy cảm, dễ bị đau bụng khi ăn cá tạp.

Bài liên quan

Chuyện vãn một hồi thì nồi canh cá giò nóng hôi hổi, nồi cá giò kho tiêu ớt thơm lừng cũng được mang lên. Vừa ăn, anh Thành vừa tâm sự: Nếu trường vốn nuôi cá vẫn là bền vững nhất bởi dù có ế, cá vẫn nuôi kéo dài thêm được, còn hàu nuôi trên 1 năm là hóa già và chết. Nuôi cá chủ động chọn thời điểm xuất bán, còn nuôi hàu thì không, phải theo vụ, dễ bị dội chợ, lợi nhuận thấp hơn nhiều.

Trước đây dân Vân Đồn chủ yếu ra biển mò cua, bắt ốc hay đánh bắt ven bờ nhưng giờ đã chuyển sang nghề nuôi trồng đỡ vất vả hơn, thu nhập hơn, lắm nhà nhờ đó đã trở nên khấm khá.

Tuy nhiên hiện mặt nước vẫn để “rông”, Nhà nước chẳng thu được thuế đã đành, mà người dân cũng không yên tâm đầu tư bởi nếu dính vào luồng lạch giao thông hay quy hoạch, khi bị cơ quan chức năng tháo dỡ sẽ chịu thiệt hại nặng. Cuộc đời của người nuôi trồng thủy sản lúc ấy sẽ không biết đi đâu, về đâu, chênh vênh còn hơn cả bọt nước trên lưng con cá.

Những đứa cháu của anh Nguyễn Văn Thành bên chiếc mủng chở cá mồi về nuôi cá. Ảnh: Tiến Thành.

Những đứa cháu của anh Nguyễn Văn Thành bên chiếc mủng chở cá mồi về nuôi cá. Ảnh: Tiến Thành.

Câu chuyện giữa chúng tôi trở nên rôm rả hơn khi chuyển sang chủ đề về tình yêu nghề và sự tiếp nối đam mê của các thế hệ. Nếu như trước đây anh Thành nuôi cá, những đứa cháu như Bùi Văn Giỏi, Lê Văn Dần, Lê Văn Dậu mới chập chững theo học việc ở trên bè. Khi “sư phụ” bỏ nghề đi buôn thì các “đệ tử” bỏ nghề đi làm thuê, vất vả quá lại trở về nuôi cá. Để giờ đây chúng trở thành thầy của anh, cả trong kỹ thuật lẫn quy mô khi nuôi tới 400 ô lồng:

“Ba anh em chúng tôi nuôi cá đã được 8 năm rồi, lúc đầu chỉ có mấy chục ô, giờ chung vốn đầu tư khoảng 40 tỉ để nuôi 400 ô. Làm nghề này nó ham lắm anh ạ bởi nhìn thấy cá lớn lên hàng ngày. Những năm qua, chỉ có 2 năm Covid là đầu ra khó khăn, giá hạ, còn lại bán cá vẫn dễ hơn bán hàu, có bao nhiêu đầu mối cũng tiêu thụ hết. Cá song chúng tôi bán sang Trung Quốc, cá giò bán sang Thái Lan qua các doanh nghiệp trung gian, còn cá chim vàng bán ở thị trường nội địa”. Anh Lê Văn Dậu trải lòng rồi chào tạm biệt tôi để lên chiếc mủng chở cá mồi về khu nuôi của mình.

Những người ngư dân đã quen ăn cùng sóng, ngủ cùng gió, chẳng quản ngại nắng mưa, mang tất cả tài sản của mình ra biển, dùng chính tính mạng của mình để bảo vệ tài sản, đồng thời bảo vệ giang sơn. Họ giờ đây chỉ có một mong muốn tha thiết là được nuôi trồng trong vùng có quy hoạch ổn định, được cấp phép cũng như có sổ đỏ để tận tâm, tận sức với nghề.

Theo báo cáo của các địa phương, diện tích khu vực biển có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh là 60.740 ha, trong đó đã rà soát, xác định 35.740 ha và trên 25.000 ha nằm ngoài ranh giới 6 hải lý; Diện tích mặt nước đang được sử dụng để nuôi trồng thủy sản là 5.090 ha trong đó phần được giao, cho thuê là 2.775 ha, gồm 13 tổ chức và 329 hộ gia đình, cá nhân.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất