| Hotline: 0983.970.780

Hệ lụy từ các dự án thủy điện ở miền Trung - Tây Nguyên

[Bài 9] Kon Tum cần biết nói không với thủy điện

Thứ Ba 01/06/2021 , 15:28 (GMT+7)

Từ năm 2013, Quốc hội đã loại gần 500 thủy điện ra khỏi quy hoạch để bảo vệ môi trường. Nhưng tỉnh Kon Tum lại phê duyệt 5 dự án thủy điện trong 1 ngày.

Với nguồn thủy năng phong phú, tỉnh Kon Tum là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư xây dựng thủy điện trong nhiều năm qua.  Hệ quả, các dự án thủy điện ngày càng gia tăng, kéo theo tình trạng hạn hán, lũ lụt ngày một lớn. Quan ngại hơn, cuộc sống người dân đang sinh sống quanh lưu vực các con sông càng trở nên cơ cực.

Đăk Pxi đã thành dòng sông chết

Gánh trên mình hàng chục nhà máy thủy điện, sông Đăk Pxi được ví như “dòng sông chết”. Mùa khô thì dòng sông Đăk Pxi (Kon Tum) khô hạn, mùa mưa thì ngập lụt nặng nề. Chưa bao giờ, người dân đang sinh sống quanh lưu vực sông Đăk Pxi trở nên bất an như bây giờ.

Thủy điện Đăk Pxi bậc 2 (Công ty cổ phần thủy điện Đức Nhân) xây dựng chắn ngang dòng sông Đăk Pxi khiến phía hạ du khô hạn, người dân không có nước phục vụ sản xuất. Ảnh: T.A.

Thủy điện Đăk Pxi bậc 2 (Công ty cổ phần thủy điện Đức Nhân) xây dựng chắn ngang dòng sông Đăk Pxi khiến phía hạ du khô hạn, người dân không có nước phục vụ sản xuất. Ảnh: T.A.

Bắt nguồn từ đỉnh Tu Mơ Rông hùng vỹ nơi cực bắc Tây Nguyên, với tổng chiều dài 73km, Sông Đăk Pxi chảy qua địa phận 3 huyện Tu Mơ Rông, Đăk Tô, Đăk Hà thuộc tỉnh Kon Tum.

Trên dòng sông này có tới 11 dự án thủy điện. Trong đó, 7 dự án đã hoàn thành đóng điện, 2 dự án đang triển khai xây dựng, 2 công trình đang lập dự án đầu tư. Đặc biệt, con sông đoạn chảy qua xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà có 5 dự án thủy điện. Nếu như từ thượng nguồn của con sông Đăk Pxi ở huyện Tu Mơ Rông là sự chiếm lĩnh của 2 thủy điện Đăk Pxi 3 và 4 với tổng công suất 45 MW thì xuôi xuống xã Đăk Pxi, sẽ gặp ngay 2 thủy điện Đăk Pxi bậc 1 và bậc 2. Cũng trên nhánh sông chính còn có thủy điện Đăk Pxi 5 (nằm trên địa bàn 2 xã Đăk Long và Đăk Pxi) với tổng công suất 10 MW. Chưa hết, chỉ là một con suối- là một nhánh của con sông này cũng “tranh thủ” xây dựng 2 thủy điện Đăk Trưa 1 và 2 với tổng công suất 8,8 MW.

Vào mùa khô, dòng sông Đăk Pxi gần như không có nước, trẻ em có thể nô đùa dưới lòng sông. Ảnh: Đ.L.

Vào mùa khô, dòng sông Đăk Pxi gần như không có nước, trẻ em có thể nô đùa dưới lòng sông. Ảnh: Đ.L.

Sông Đăk Pxi nhỏ bé phải oằn mình gánh chịu sự “đổ bộ” ào ạt của thủy điện. Theo đó, vào mùa khô dòng chảy bị thu hẹp lại, lòng sông lộ ra những khối đá lởm chởm, thi thoảng là những bãi cát dài duềnh lên trắng xóa đến lóa mắt trong cái nắng chói chang của mùa khô Tây Nguyên. Trong khi đó vào mùa mưa, lũ dâng cao như thủy thần hung hãn, tất cả nhà cửa, cây cối, hoa màu… có “ý định cản đường” đều bị dòng lũ dữ  đỏ ngầu nhấn chìm, cuốn phăng về phía hạ du. 

 

Vào mùa lũ, cây cầu treo thôn 9, xã Đăk Pxi cũng bị hư hỏng nặng. Sau đó, UBND xã phải xây cầu treo mới cho người dân. Ảnh: T.A.

Vào mùa lũ, cây cầu treo thôn 9, xã Đăk Pxi cũng bị hư hỏng nặng. Sau đó, UBND xã phải xây cầu treo mới cho người dân. Ảnh: T.A.

Dự án thủy điện Đăk Pxi bậc 1 và bậc 2 có tổng diện tích thu hồi đất là 672.637,1 m2. Trong đó, 168 hộ bị ảnh hưởng với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ được phê duyệt gần 28 tỷ đồng.

Dự án thủy điện Đăk Trưa 1 và 2 có tổng diện tích thu hồi đất: 390.651,8m2. Trong đó, đất của hộ gia đình, cá nhân: 251.310,5m2, đất UBND xã Đăk Pxi quản lý: 139.341,3m2. Có 70 hộ gia đình bị ảnh hưởng với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ được phê duyệt gần 14 tỷ đồng.

Thủy điện Đăk Pxi 6 có tổng diện tích thu hồi đất: 189.313,2 m2. Trong đó, 71 hộ gia đình bị ảnh hưởng với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ được phê duyệt gần 16 tỷ đồng.

Riêng thủy điện Đăk Pxi 5 mới chỉ thống kê thiệt hại, chưa có phương án bồi thường.

Phê duyệt 5 dự án thủy điện trong 1 ngày

Theo báo cáo mới nhất Sở Công thương tỉnh Kon Tum, toàn tỉnh có 81 dự án thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt quy hoạch, tổng công suất lắp máy 870,6MW. Trong đó, 28 dự án đã hoàn thành đóng điện với tổng công suất 329,4 MW; 12 dự án đang triển khai xây dựng với tổng công suất 193,1 MW; 36 công trình đang lập dự án đầu tư có tổng công suất 321,1 MW; 1 dự án đang trình UBND tỉnh chọn chủ đầu tư để triển khai thực hiện với tổng công suất 7,5 MW; 4 công trình chưa có chủ trương đầu tư. Ngoài ra, UBND tỉnh Kon Tum đang trình Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt bổ sung 1 dự án thủy điện có công suất 9,0 MW.

Như vậy, Kon Tum được xem là nơi có dự án thủy điện nhiều nhất khu vực Tây Nguyên. Mạng lưới thủy điện chi chít, dày đặc tập trung nhiều tại các huyện: Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Kon Rẫy... đã gần như bóp nghẹt cảnh quan, môi trường sống của người dân khu vực nơi đây.

Ồ ạt xây dựng thủy điện tại Kon Tum đã đánh đổi nhiều diện tích đất rừng. Ảnh: T.A.

Ồ ạt xây dựng thủy điện tại Kon Tum đã đánh đổi nhiều diện tích đất rừng. Ảnh: T.A.

Một điểm đáng lưu ý trong việc ồ ạt xây dựng thủy điện là việc UBND tỉnh Kon Tum chỉ trong 1 ngày bất ngờ cho chọn chủ đầu tư 5 dự án thủy điện nhỏ tại 2 huyện Kon Rẫy và Kon Plông.

Cụ thể, ngày 26/12/2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp đã ban hành quyết định thống nhất chủ trương cho 5 Công ty được khảo sát, lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư 5 dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, thủy điện Tà Âu (Công ty Cổ phần Đầu tư Thủy điện Tà Âu) có công suất lắp máy 12MW, tổng vốn đầu tư khoảng 444 tỷ đồng, được xây dựng tại xã Ngọc Tem và Đắk Ring, huyện Kon Plông. Thủy điện Đăk Nghé 3 (Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng Kon Rẫy) xây dựng trên địa bàn 2 huyện Kon Rẫy và Kon Plông có công suất 17MW, tổng vốn đầu tư khoảng 629 tỷ đồng.

Thủy điện Đăk Toa (Công ty Cổ phần Đầu tư Thủy điện Đăk Toa) có công suất 5MW, tổng vốn đầu tư khoảng 185 tỷ đồng, xây dựng trên sông Đăk A Kôi ở địa bàn huyện Kon Rẫy. Thủy điện Đắk Pô Nê 4 (Công ty Cổ phần Đầu tư Thủy điện Đăk Pô Nê) có công suất lắp máy 6MW, tổng vốn đầu tư khoảng 222 tỷ đồng, xây dựng trên sông Đăk Pô Ne, thuộc xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy.

Thủy điện Nước Đao (Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng Măng Đen) có công suất 20MW xây dựng ở xã Đắk Ring, huyện Kon Plông.

Cả 5 dự án thuỷ điện này đã được bổ sung vào quy hoạch thuỷ điện nhỏ toàn quốc trên địa bàn Kon Tum vào năm 2020.

Cả 5 công ty làm chủ đầu tư 5 thuỷ điện trên trên đều là được Phòng đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch đầu tư Kon Tum cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký lần đầu từ tháng 9 đến tháng 12/2020, thuộc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền.

Kế hoạch xây thủy điện nhưng không được ảnh hưởng đến nhu cầu nước hạ du?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, ông Nguyễn Hữu Tháp yêu cầu chủ đầu tư triển khai hoàn thiện thủ tục pháp lý để thực hiện đầu tư các dự án nêu trên theo đúng quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát, đánh giá kỹ và thực hiện đầy đủ các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của dự án đối với môi trường - xã hội; không làm ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng nước phía hạ lưu, các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện có trong khu vực dự án. Xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định canh, định cư (nếu có) phù hợp với phong tục tập quán của Nhân dân, đảm bảo không làm mất tính ổn định cuộc sống.

Tình trạng ngập lụt liên tục xảy ra do các thủy điện tích nước trái phép, cuộc sống người dân rất khổ cực. Ảnh: Đ.L.

Tình trạng ngập lụt liên tục xảy ra do các thủy điện tích nước trái phép, cuộc sống người dân rất khổ cực. Ảnh: Đ.L.

Đảm bảo quá trình thực hiện dự án không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác theo quy định.

Và bao giờ cũng vậy khi kí quyết định phê duyệt những dự án biết rõ sẽ có tác động lớn đến môi trường các lãnh đạo tỉnh cũng sẽ "thòng" yêu cầu Chủ đầu tư phải làm đúng pháp luật, phải giảm thiểu tác động môi trường. Cũng như yêu cầu các Sở, ngành chỉ tham mưu UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đảm bảo không tác động lớn, tiêu cực đến môi trường và không ảnh hưởng lớn đến dân cư; không chiếm dụng đất rừng tự nhiên và có hiệu quả kinh tế.

Trên thực tế thì không thể có dự án thủy điện nào mà không gây ảnh hưởng đến dòng chảy, không thay đổi môi trường hạ du và gây ảnh hưởng đến sinh kế của người dân.

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Trưởng ban Điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho biết, các hồ chứa nước của thủy điện cũng là một phần tác nhân gây ra động đất kích thích (động đất nhỏ). Theo lý giải, khi làm các hồ chứa lớn, nước phía trên cho áp lực rất mạnh ép xuống các khe nứt ở bên dưới đáy, làm cho ma sát các khối đất đá bị giảm đi, trượt lên nhau dẫn đến tình trạng động đất. Thủy điện Sông Tranh 2 khi thực hiện tích nước đã từng gây nên những trận động đất liên tục và đến bây giờ vẫn còn xảy ra”, Tiến sĩ Đào Trọng Tứ lý giải và cho biết, động đất kích thích thường xảy ra một thời gian rồi sẽ đi vào ổn định.

    Tags:
Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.