| Hotline: 0983.970.780

Bài báo dở dang và chuyện tai bay vạ gió

Thứ Năm 21/06/2018 , 14:50 (GMT+7)

Nghề báo nguy hiểm và nhiều cạm bẫy. Vinh quang có mà tai họa cũng có. Vì vậy, người làm báo cũng lắm vui buồn. Bài viết này ghi lại những tâm sự, kỷ niệm của bản thân và của đồng nghiệp, như là món quà nhỏ nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6.

Bài báo dở dang

Mùa mưa cách đây vài năm, khi những cơn áp thấp, rồi bão liên tục nối đuôi nhau đổ bộ, trời hết mưa dông ầm ầm, lại rả rích không ngớt như có nỗi niềm. Tôi đang ngần ngại không muốn khoác ba lô đi làm thì chuông điện thoại đổ vang. Đầu dây bên kia giọng một người dân khá bức xúc: “Nhà báo Ch. đó hả. Ông xuống đây viết giúp dân tụi tôi vụ giao thông nông thôn nhé. Chứ cứ để đường lầy lội kiểu này thì khổ quá. Học sinh không thể đến trường. Dân không thể đi lại, làm ăn buôn bán gì được....”. Chịu trận lắng nghe hết những lời than khổ, tôi mới khuyên người gọi điện bình tĩnh trình bày.

13-56-35_1_tc_gi_trong_nhung_ln_di_tc_nghiep_1
13-56-35_1_tc_gi_trong_nhung_ln_di_tc_nghiep_2
Tác giả trong những lần đi tác nghiệp

Nỗi bức xúc của người dân được tóm tắt như sau. Xã Đ. thuộc huyện H. đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Chính quyền và người dân cùng chung tay, góp sức làm đường giao thông, theo tỷ lệ đóng góp 7-3. Đa số người dân đều đồng thuận, góp tiền, hiến đất để mở rộng đường. Nhưng cũng có một vài hộ không hợp tác. Tuy nhiên, còn đường vẫn được triển khai làm và nhà nào chưa đóng góp thì để lại nên bị “đứt khúc”.

Thay vì sử dụng “dân vận”, thuyết phục để người dân đồng thuận thì chính quyền ấp, xã lại dùng chiêu “để dân chửi” buộc những hộ chưa đóng phải thực hiện. Đường đã đào ra, những chỗ chưa bê tông hóa bị mưa đọng nhanh chóng trở thành ổ trâu, ổ voi và cuối cùng thành ao xình lầy lội không thể đi qua. Người dân thấy vậy liền gom góp cây, bỏ công làm cây cầu tạm để xe có thể vượt qua. Trớ trêu thay xã lại cho công an vào nhổ bỏ, để cho dân tiếp tục lội sình và chửi.

Tôi đội mưa xuống tận nơi, chụp hình cảnh dân khổ sở vượt qua vũng sình, ghi lại những bức xúc của người dân. Rồi lấy máy ra gọi điện cho ông T. - Chủ tịch huyện H. nêu vụ việc. Ông T. nghe xong bảo: “Thôi em từ từ hãy viết và nói bà con thông cảm, xã làm vậy là sai rồi. Anh sẽ chỉ đạo giải quyết rốt ráo chuyện này”.

Đúng 2 ngày sau, người dân gọi điện cảm ơn vì con đường đã được thợ vào làm, chỉ vài ngày nữa là hoàn thành. Thấy người dân mừng tôi cũng vui lây. Tôi cũng bỏ dở dang bài báo không viết nữa. Đôi khi, làm báo “không viết cũng là cách ủng hộ”.
 

Em “diếc” anh hả

Ở tỉnh K. nhà báo thường trú H. khá nổi tiếng và chơi rất thân với nhiều lãnh đạo. Anh có khá nhiều bài chống tiêu cực. “Tôi viết về tỉnh K. rất nhiều, khen có, chê có nhưng nhiều nhất vẫn là dạng bài điều tra, chống tiêu cực. Nhưng nhớ nhất vẫn là loạt bài điều tra về đất đai, phá rừng ở huyện đảo P. Có bài được đích thân Thủ tướng đọc và bút phê chỉ đạo lãnh đạo tỉnh K. xem xét, giải quyết. Có tháng có tới 2 lần Văn phòng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo xử lý sau khi bài đăng về tình trạng phá rừng, chiếm đất. Nhờ những bài viết điều tra mà tôi đã từng được đài Truyền hình Việt Nam mời tham dự chương trình Người đương thời”, nhà báo H. tâm sự.

Trong một sự kiện ở tỉnh K. có rất đông nhà báo tham dự. Khi giải lao, lãnh đạo tỉnh gặp và bắt tay các nhà báo. Khi đến nhà báo H. ông lãnh đạo vừa bắt tay vừa nói: “Em “diếc” anh hả. Em “diếc” anh hoài vậy”. Tiếng Nam bộ, phát âm từ viết và giết na ná nhau. Vì vậy, từ “diếc” trong trường hợp của nhà báo H. hiểu theo nghĩa nào cũng được.

Một lần, lãnh đạo tỉnh K. đi công tác nước ngoài, mua về một hộp quà tặng là bấm móng tay. Khi nhóm nhà báo đến chơi, ông lấy ra tặng mỗi người một cái làm kỷ niệm. Ra về, anh em cứ nhìn nhau cười: “Hay là ông tặng với dụng ý là cắt cho tụi mày trụi móng, khỏi bươi móc nữa”.
 

Phải có 3.300 căn nhà mới đủ tiền đền bù

Tập đoàn T.T đầu tư vào tỉnh K. hàng loạt dự án, mà cái nào cũng lên đến hàng ngàn tỷ. Cả chính quyền và người dân rất hân hoan chào đón, với khi vọng khi các dự án này hoàn thành, sẽ mang lại nguồn sinh khi mới, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo công ăn việc làm cho người dân. Tiếc thay, những dự án này có cái chỉ nằm trên bản đồ quy hoạch, có cái thu hồi đất, làm nửa chừng rồi bỏ dở.

Rất nhiều phóng viên các báo có bài viết về Tập đoàn T.T liên quan đến các dự án treo này. Trong đó, nhà báo H.L có loạt bài điều tra viết khá sâu. Như "Trung tâm... Từ đại công trường thành đại công nợ”. Sau khi báo đăng, Tập đoàn T.T làm công văn gửi cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành liên quan và có cả đơn kiện gửi tòa án yêu cầu Tổng biên tập và nhà báo H.L phải bồi thường số tiền khủng, gần 3.300 tỷ đồng. Lý do mà Tập đoàn T.T đưa ra là các bài viết này không chính xác, gây ảnh hưởng đến hoạt động và làm thiệt hại kinh tế cho đơn vị, mà thiệt hại lớn nhất là giá cổ phiếu bị sụt giảm nghiêm trọng.

Khi bị kiện, nhà báo H.L vẫn tếu táo “Thân thể của tôi giờ phải so sánh với vàng, với kim cương. Vì chỉ có bằng vàng thì cân ký mới quy ra đủ số tiền mà họ kiện đòi”. Anh H.L tâm sự, khi biết tin vụ thưa kiện vợ tôi lo lắm, tìm cách cất giấu tất cả các tài liệu mà tôi thu thập, sợ bị mất. Còn số tiền họ kiện đòi “khủng quá” vợ tôi không thể hình dung ra nổi, tôi phải làm phép tính để dễ hiểu: “Lô đất nhà mình đang ở bây giờ chỉ có giá khoảng 1 tỷ đồng. Nếu phải bồi thường số tiền đó thì phải có 3.300 căn nhà như vầy mới đủ. Nếu cộng lại mặt tiền đường thì phải dài cả chục cây số”.

Nhưng rồi, Tâp đoàn T.T đã nhanh chóng rút đơn tại tòa. Vì chỉ riêng tiền đóng án phí 1% thôi thì đã là con số gần 33 tỷ đồng rồi.
 

Tai bay vạ gió

Nhà báo H.V viết bài về anh nông dân tên D., một điển hình tiên tiến sản xuất, kinh doanh giỏi ở tỉnh Đ. Anh D. có sáng chế chiếc máy đa năng “nhiều trong một”: sạ lúa theo hàng, rải phân, phun thuốc bảo vệ thực vật... Sản phẩm này từng đạt giải tại Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật của tỉnh và anh D. là đại diện duy nhất của tỉnh Đ. năm đó được cử đi Hà Nội tham dự hội nghị tuyên dương nông dân tiêu biểu xuất sắc toàn quốc và được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT tặng bằng khen.

13-56-35_2_nghe_bo_nguy_hiem_v_nhieu_cm_by_vinh_qung_co_m_ti_ho_cung_co_nen_cung_lm_vui_buon_1
13-56-35_2_nghe_bo_nguy_hiem_v_nhieu_cm_by_vinh_qung_co_m_ti_ho_cung_co_nen_cung_lm_vui_buon_2
Nghề báo nguy hiểm và nhiều cạm bẫy, vinh quang có mà tai họa cũng có nên cũng lắm vui buồn

Cũng tại tỉnh Đ. ông L. có xưởng cơ khí, làm ra sản phẩm tương tự. Ông L. cho rằng báo đăng bài đã làm ảnh hưởng đến việc sản xuất, bán máy sạ hàng của cơ sở, làm mất uy tín và gây thiệt hại kinh tế cho ông. Vì vậy, ông L. làm đơn yêu cầu báo phải cải chính và làm đơn kiện cả ra tòa.

Mặc dù bài viết chỉ đề cấp đến ông D. và sản phẩm mà ông đã nghiên cứu, sáng tạo ra, hoàn toàn không có đề cập hay so sánh về tính năng, giá cả với sản phẩm tương tự của ông L., thế nhưng, khi tòa thụ lý đơn khởi kiện của ông L. và có giấy triệu tập, nhà báo H.V vẫn phải bỏ thời gian, công việc đi hầu tòa. Đúng là “tai bay, vạ gió” của cái nghề nhiều nhiều nguy hiểm.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.