| Hotline: 0983.970.780

Cuộc di dân âm thầm ở ĐBSCL

[Bài 5] Đất không phụ người, chỉ có người không biết tận dụng đất

Thứ Sáu 12/03/2021 , 13:02 (GMT+7)

Miền Tây Nam bộ một thời nổi tiếng là vùng đất 'làm chơi ăn thiệt, không làm cũng có cái ăn' nay chỉ còn là hoài niệm.

Người lao động rời khỏi Miền Tây đi làm việc sau tết nguyên đán Tân Sửu. Ảnh: Mnh Đảm.

Người lao động rời khỏi Miền Tây đi làm việc sau tết nguyên đán Tân Sửu. Ảnh: Mnh Đảm.

Không thể sản xuất theo lối mòn

Thời khẩn hoang, người nông dân Nam Bộ tự hào vì thành quả lao động mang lại cho mình rất nhiều đất và sản vật: “Ruộng năm dây cò bay thẳng cánh; trâu ăn bầy con trắng con đen”. Ngày nay, người làm ruộng, nuôi thủy sản có được diện tích 1 ha là lớn lắm rồi.

Người làm vườn, chăn nuôi được thừa hưởng đất hương quả năm - ba công kể là khá. Một - hai công là chuyện thường, nên nếu người lao động chỉ dừng lại trên lối mòn “cần nhiều đất nông nghiệp” của cha ông mình, thì quả là không đủ sống.

Đất đai ngày càng manh mún. Ảnh: Minh Đảm.

Đất đai ngày càng manh mún. Ảnh: Minh Đảm.

Như ông Võ Duy Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre cho biết: “Xã Tân Thanh có 3.347 hộ dân nhưng có đến 90% số hộ sống bằng nghề nông… Đại đa số đất nông nghiệp được người dân trồng dừa, chỉ một số ít trồng cây ăn trái. Do đất ít, bình quân mỗi hộ chỉ có khoảng 3.000m2 nên người dân ngoài trồng dừa còn trồng cỏ chăn nuôi thêm dê, bò để gia tăng thu nhập”.

Ông Nguyễn Văn Phúc, một lão nông ở địa phương còn cho biết thêm: “Bình quân mỗi hộ dân có từ 2.000 - 3.000m2 đất nông nghiệp. Hộ nhiều nhất chỉ có 4.000m2. Nhiều năm qua, cây dừa cho thu nhập bấp bênh nhiều khi không đủ trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình nên con em địa phương đã rời bỏ vùng quê lên TP.HCM tìm kế sinh nhai”. Ông Phúc tâm sự thêm: “Đa số lực lượng lao động ở đây đi làm xa hết. Do đó, lực lượng lao động nông thôn còn rất ít; nhà chỉ còn người già hoặc có thêm cháu nhỏ đi học.”

Ông Nguyễn Văn Phúc (áo xanh) cho biết lao động trẻ ở nông thôn ngày càng ít. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Văn Phúc (áo xanh) cho biết lao động trẻ ở nông thôn ngày càng ít. Ảnh: Minh Đảm.

Một nhà vườn khác ở ấp Tân Lợi, xã Tân Thanh là anh Nguyễn Văn Tâm (41 tuổi). Tuy là một trong số ít những nông dân trẻ còn gắn bó ruộng vườn. Nhưng lại có suy nghĩ khá bế tắc: “Hiện nay, để sống được với nghề nông, người nông dân phải có nhiều ruộng vườn; chứ đất đai manh mún không phát triển được…”. Anh Tâm cho biết thêm: “Tính ra mỗi tháng vườn dừa mình thu nhập được vài triệu cũng cỡ lương công nhân thôi”.

Thật ra, gia đình anh có đến 4.000m2 trồng dừa và 1.000m2 đất ruộng trồng cỏ nuôi bò. Kể ra ở Bến Tre, anh sở hữu được diện tích như vậy là “khủng” lắm rồi, mà vẫn “than” không đủ sống, thì nhiều nhà vườn khác cũng ở huyện Chợ Lách giáp ranh, bình quân có hộ làm vườn cũng chỉ có vài trăm mét đất. Ấy vậy mà họ vẫn có nhà cửa khang trang, lo cho con cái ăn học thành tài, như gia đình ông Út Thượng, bà Năm Bông và nhiều gia đình khác... Thu nhập bình quân một hộ gia đình, chỉ mùa trồng hoa kiểng bán tết cũng có đến hai - ba trăm triệu đồng; ấy là chưa kể đến thu nhập lai rai hàng tháng, vài triệu.

Anh Nguyễn Văn Tâm cắt cỏ cho bò ăn. Ảnh: Minh Đảm.

Anh Nguyễn Văn Tâm cắt cỏ cho bò ăn. Ảnh: Minh Đảm.

Còn tại Vĩnh Long, ông Nguyễn Quốc Phong, Chi cục trưởng Chi cục PTNT chia sẻ về tình hình thu nhập của người dân làm nông nghiệp: “Hiện nay, tỉnh Vĩnh Long có diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân cho mỗi nông hộ khoảng 0,48 ha (gần 5 công). Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đạt 41,5 triệu đồng/năm. Như vậy, thu nhập nông nghiệp cũng chỉ bằng lương công nhân".

Tình trạng thu nhập nông nghiệp như vậy, khiến nhiều nhà nông hoài mơ làm công nhân sướng hơn. Nhưng có sướng gì đâu, khi phải xa quê hương, ngày làm tám tiếng, lại phải chịu một nội quy lao động nghiêm ngặt của công xưởng, nhà máy. Đã đến lúc người lao động nông nghiệp cần nhìn lại vấn đề: làm nông nghiệp có thật sự cần nhiều đất vậy không để mà than thở chuyện thiếu đất; hay cần phải nhìn lại việc chọn cây trồng và hình thức canh tác thích hợp trên mảnh của mình?

Đất không phụ người

Thật ra, đất không phụ người, chỉ người không biết nuôi dưỡng đất, lại không biết tận dụng đất để có những cải tiến trong lao động sản xuất thích hợp, nên rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau. Sống tại quê nhà mà lại mơ về một vùng đất mới, thì làm sao không có phong trào bỏ đất ra đi?!  

Ở ĐBSCL hiện nay đã có nhiều làng hoa kiểng nổi tiếng, như Vĩnh Thành - Cái Mơn, Chợ Lách (Bến Tre); Sa Đéc (Đồng Tháp); Bình Hòa Phước (Vĩnh Long); Tân Phong (Tiền Giang); Bà Bộ (Cần Thơ)… Những nhà làm hoa kiểng họ không cần nhiều đất, nhưng vẫn cho thu nhập cao, lại còn thu hút thêm nhiều “công nhân hoa kiểng” có thu nhập khá ổn định. Vấn đề là biết chọn ra thế mạnh của địa phương mình mà vận động người dân lao động nông nghiệp thích hợp. Tiêu biểu như địa phương Đồng Tháp.

Sản xuất hoa kiểng ở Làng hoa Vĩnh Thành (Chợ Lách). Ảnh: Minh Đảm.

Sản xuất hoa kiểng ở Làng hoa Vĩnh Thành (Chợ Lách). Ảnh: Minh Đảm.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Nghề trồng hoa kiểng ở Đồng Tháp được chọn là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh gồm “Lúa, xoài, cá tra, vịt và hoa kiểng” để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đối với ngành hoa kiểng tính đến năm 2020, diện tích hoa kiểng tại địa phương ước đạt 2.430 ha, nhưng trong đó chỉ tập trung hoa kiểng nhiều chủ yếu ở TP. Sa Đéc với hơn 600 ha và trên 2.300 hộ dân sống bằng ngành nghề này, mỗi năm cung cấp hơn 2.500 chủng loại hoa, cây cảnh cho cả nước.

Nhờ trồng hoa kiểng đã thu hút số lượt khách rất lớn đến tham quan du lịch, trải nghiệm tăng theo mỗi năm, với trên 3 triệu lượt khách. Trong đó có hơn 170.000 lượt khách quốc tế. Giá trị sản xuất hoa kiểng năm 2020 đạt hơn 4.500 tỷ đồng, tăng gần 440 tỷ đồng so với năm 2019, lợi nhuận bình quân đạt từ 500 - 700 triệu đồng/ha/năm lãi gấp từ 7- 10 lần trồng lúa. Đó là lợi ích thương hiệu của tỉnh. Còn người dân làm hoa kiểng của địa phương được gì?

Hãy nghe ông Trần Văn Tiếp, ấp Khánh Hòa, xã Tân Khánh Đông, TP. Sa Đéc chia sẻ: “Gia đình có gần 1ha đất trồng hoa kiểng, nhờ mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, nên mấy năm nay thu lời khoảng 4-5 tỷ đồng/năm, cao hơn rất nhiều so với trồng lúa và cây ăn trái”.

Ông Tiếp nhận định, trồng hoa kiểng là nghề đặc thù, trong khi đó diện tích canh tác nhỏ vẫn mang lại thu nhập cao hơn hàng chục lần so với sản xuất các loại cây khác. Hiện tại vườn hoa kiểng của ông sản xuất quanh năm để cung cấp cho thị trường, nhưng gia đình ông có 4 người đứng ra quản lý giao thương buôn bán là chính mà không trực tiếp sản xuất.

Để có đủ lượng hàng hóa cung cấp theo đơn đặt hàng của khách ở khắp nơi cả nước, hàng ngày ông phải thuê 10 công nhân làm công việc ổn định là chăm sóc hoa, kiểng. Đồng thời được ông trả lương từ 6-10 triệu đồng/tháng bao ăn ở.

Nghề làm cây giống không cần diện tích nhiều cũng có thu nhập tốt. Ảnh: Minh Đảm.

Nghề làm cây giống không cần diện tích nhiều cũng có thu nhập tốt. Ảnh: Minh Đảm.

Ngoài ra vào những ngày lễ tết, lượng hoa kiểng bán ra số lượng lớn ông phải thuê thêm 20-30 nhân công làm việc theo thời vụ nhằm để đảm bảo công việc buôn bán. Như vậy, vấn đề sản xuất nông nghiệp không phải là nhiều đất; mà là tìm phương cách làm sao để khai thác tối ưu hiệu quả trên đất nông nghiệp.

Nhiều năm qua nghề trồng trọt và chăn nuôi ở một số địa phương tiêu biểu của vùng ĐBSCL như huyện Mỏ Cày và Chợ Lách (Bến Tre) có làng bưởi da xanh, làng kiểng hình, kiểng thú, làng nuôi gà nòi. Ở huyện Long Hồ và Măng Thít (Vĩnh Long) có làng mai vàng, làng gốm. Ở TP Châu Đốc và huyện Chợ Mới (An Giang) có làng bè nuôi cá, làng tiểu thủ công nghiệp.

Ở huyện Cai Lậy và Gò Công (Tiền Giang) có làng cây ăn trái, làng mộc tủ thờ. Ở huyện Thới Bình và Ngọc Hiển (Cà Mau) có nghề khô mắm, đan đát. Ở huyện Châu Thành và Kế Sách (Sóc Trăng) có nghề bánh, lạp xưởng… đã giải quyết việc làm cho rất nhiều hộ lao động tại địa phương, giúp người lao động có công ăn việc làm, đồng lương ổn định cuộc sống. Những địa phương này hầu hết đều giữ chân được người lao động; ít có tình trạng người dân phải bỏ xứ ra đi vì sinh kế. (Hết)

  • Tags:
Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Tìm thấy thi thể 2 nạn nhân vụ xe chở rác lao xuống sông

THỪA THIÊN - HUẾ Thi thể 2 nạn nhân trong vụ xe rác bất ngờ lao xuống sông Hữu Trạch khi di chuyển qua cầu treo Bình Thành đã được tìm thấy vào sáng nay (23/11).