Giống Việt Nam, những ngày đầu của Thai League rất khó khăn. Họ không có nhà tài trợ chính. Điều kiện vật chất của các CLB không đồng đều, có nơi thậm chí không đạt chuẩn. Giải đấu cũng trải qua bao phen chìm nổi, từ 18 đội ban đầu, tụt xuống còn 12, rồi 10 đội trong suốt vài năm.
Tới tận 2003, thu nhập của cầu thủ Thái vẫn ở mức thấp. Theo lời những cựu tuyển thủ như Kiatisuk, Thonglao khi sang V-League, nếu ở lại quê nhà chơi bóng, mức lương trung bình của một cầu thủ thuộc dạng khá chỉ vào khoảng 1.500 đến 2.000 USD một tháng. Với cầu thủ ngôi sao, con số này cao hơn, có thể lên tới 4.000 USD. Đó cũng là lý do mà Kiatisuk nhanh chóng nhận lời bầu Đức sang HAGL chơi bóng, dù chưa một lần nghe tên CLB, chỉ bởi mức lương hấp dẫn 10.000 USD.
Với một nền kinh tế phát triển hơn Việt Nam, người Thái không hề thiếu tiền làm bóng đá. Họ cũng từng trải qua những bước y hệt chúng ta như xã hội hóa, mời doanh nghiệp đỡ đầu. Cái khác nằm ở cách dùng số tiền này. Trong khi Việt Nam gần như chi toàn bộ cho việc nâng lương, thưởng cầu thủ, thì người Thái dàn trải số tiền đầu tư. Họ xây sân tập hiện tại, xây dựng bài bản các đội trẻ cho mỗi CLB, nâng cấp sân vận động. Cuối cùng, khi các CLB tự sống được trên đôi chân, họ mới bỏ tiền vào lương cầu thủ.
So với Thai League, V-League có nhà tài trợ chính sớm hơn nhiều. Ngay từ giữa thập niên 2000, chúng ta đã chèn những nhà tài trợ như Kinh Đô, Eurowindow, Petro vào cạnh tên giải đấu - điều người Thái phải tới 2013 mới làm được với Toyota. Tuy nhiên, trong khi các nhà tài trợ chỉ đồng hành với V-League trong một vài năm rồi rút lui sau khi hưởng đủ quyền lợi, Toyota cam kết với Thái Lan suốt 7 năm qua, và tiếp tục rót ngân sách cho giải đấu trong nhiều năm nữa.
Vấn đề ở đây là tính chuyên nghiệp. Mỗi trận đấu Thai League, các CLB đều có nguồn thu ổn định từ tiền bán vé (khoảng 4.000 lượt mỗi trận), bản quyền truyền hình. Các đội cũng chơi cống hiến, dù không còn mục tiêu cụ thể ở giai đoạn cuối mùa. Những vấn nạn như dàn xếp tỷ số hay đá lỏng chân nhường điểm đều bị người Thái xử lý nghiêm.
Đến năm 2020, ĐTQG của Việt Nam đã ngang bằng, thậm chí có lúc vượt trên Thái Lan, nhưng chất lượng giải VĐQG thì không được cải thiện. Các đội vẫn sống dựa chủ yếu và ngân sách tỉnh hoặc tiền túi các ông bầu. Trong khi tại xứ Chùa vàng, những đội mạnh thậm chí có sân riêng và trực tiếp hưởng nguồn thu từ việc kinh doanh hoặc cho thuê sân bóng.
Khi đại dịch Covid-19 kéo đến, nhiều đội V-League than khó. Ban tổ chức cũng đôi ban lần cân nhắc phương án hủy giải. Nhưng người Thái lại coi đây là cơ hội đổi mới. Tổng giám đốc Benjamin Tan quyết định đổi lịch thi đấu Thai League theo kiểu châu Âu, kéo dài từ mùa thu năm nay đến mùa hè sang năm. Mục đích là để giảm các trận đá vào mùa mưa, cũng như thu hút thêm những ngoại binh tốt, vốn chỉ xuất hiện vào kỳ chuyển nhượng mùa hè.
Đời sống của cầu thủ Việt từng có lúc là mơ ước của các đồng nghiệp bên Thái, nhưng việc sung túc quá sớm phải đánh đổi bằng sự bấp bênh, nếu các nhà tài trợ "rút ống thở".