| Hotline: 0983.970.780

Bài học thấm thía cho nhiều người

Thứ Tư 24/04/2013 , 09:58 (GMT+7)

Câu chuyện trường ĐH không tuyển đủ thí sinh dẫn đến phải đóng cửa ngành học, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người học đã tác động không chỉ sinh viên mà đến cả những chính sách trong đào tạo.

Câu chuyện trường ĐH không tuyển đủ thí sinh dẫn đến phải đóng cửa ngành học, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người học đã tác động không chỉ sinh viên mà đến cả những chính sách trong đào tạo.

>> Khi sinh viên bị ''sang xe''
>> Đẩy sinh viên vào thế khó

Nhiều chuyên gia cho biết đây là “bài học” cho nhiều người và cần phải sớm rút ra kinh nghiệm, thay đổi nhanh chóng để phù hợp với thực tế, tránh gây ra những thất thoát lãng phí không đáng có.

TRƯỜNG HỌC THẤM THÍA

Trao đổi với NNVN, GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng cho biết, mùa tuyển sinh năm 2012, nhà trường không rơi vào cảnh “bi đát” như nhiều trường ĐH dân lập khác do tuyển gần đủ thí sinh so với chỉ tiêu đề ra, số thiếu không đáng kể. Đây có thể coi là một thành công trong bối cảnh nhiều trường chỉ tuyển được 30-40% so với chỉ tiêu, thậm chí phải đóng cửa ngành học vì không có thí sinh trúng tuyển.

Mùa tuyển sinh 2013, ông Nghị chưa đưa ra đánh giá hay nhận định nào, vì đang “nín thở” chờ đợi xem hồ sơ mà các Sở GD-ĐT nhận được từ các thí sinh từ đầu tháng 4 này diễn biến thế nào. Tuy nhiên, nhìn lại một năm “bết bát” của các trường ĐH không có đủ người học, ông Nghị cho rằng đây là “bài học” thấm thía đối với những người làm giáo dục.

Theo đó, không phải ngành nào và ở giai đoạn nào cũng đáp ứng được nhu cầu xã hội. Vì thế để tránh việc một ngành nào đó năm nay không có người học, phải tạm dừng tuyển sinh thì nhà trường cần có những thông tin để hoạch định chính sách cho hợp lý, không nên tham lam, đào tạo dàn trải mà chỉ nên chú trọng vào những ngành mũi nhọn, là thế mạnh của mình.

Hiện nay, việc phát triển mạnh về số lượng các trường ĐH và việc mở ngành đào tạo ồ ạt, có tính chất “chạy theo xu thế thị trường” hơn là tính chất hoạch định chiến lược bài bản khiến các trường ĐH hiện có quá nhiều ngành đào tạo trùng nhau, trong khi số người học chỉ có hạn. Điều đó gây khó khăn trong thị phần đào tạo, những trường mới thành lập rất khó tuyển sinh.

Thậm chí, với cả những trường ĐH lâu đời, có tiếng, nếu “tham” mà mở những ngành “hot” sau đó không duy trì được thì sớm muộn cũng sụp đổ, mà dấu hiệu của hậu quả này chính là việc không tuyển được thí sinh trong nhiều năm như đang diễn ra trong thực tế.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga thì năm vừa qua nhiều trường gặp khó trong tuyển sinh một phần do kinh tế khó khăn, cán bộ quản lý kinh tế đã bão hòa. Vấn đề này Bộ GD-ĐT đã cảnh báo 2 năm trước nhưng lượng đào tạo vẫn gấp đôi so với nhu cầu thực tế.


Nhiều bài học được rút ra từ những mùa tuyển sinh vừa qua

“Khó khăn này cũng là một “bài học” để các trường có thể nhìn lại chiến lược phát triển của mình cũng như chất lượng đào tạo”, ông Ga nhấn mạnh. Trên thực tế, có nhiều trường ĐH dân lập, thu học phí cao hơn trường công lập nhưng do đào tạo đảm bảo chất lượng, đầu tư đầy đủ vào cơ sở vật chất và nhân lực nên vẫn thu hút được sinh viên.

NHIỀU TRƯỜNG CÓ ĐIỀU CHỈNH PHÙ HỢP

Theo ông Ga, mùa tuyển sinh năm 2013 chưa diễn ra nhưng theo báo cáo của các trường thì cơ cấu ngành nghề đã có sự thay đổi. Nhiều trường đã nghiêng hẳn về khoa học công nghệ, kỹ thuật, giảm bớt kinh tế. Do đó, cơ cấu nhân lực có nhiều thay đổi, dần tiệm cận nhu cầu của xã hội.

Sự điều chỉnh này được ông Ga đánh giá là mang tính tích cực với cả nhà trường lẫn cả thí sinh, giúp nhà trường cân đối được cơ cấu nguồn tuyển, tránh tình trạng nơi quá thừa nơi lại quá thiếu, và điều khó là nơi thừa không thể chuyển đến nơi thiếu, dẫn đến tình trạng nhiều thí sinh có điểm thi vượt xa điểm chuẩn nhưng khó đỗ được ĐH.

Ngoài ra, chính bản thân các trường cũng đang có những sắp xếp, cơ cấu lại các ngành trong trường để phù hợp với tình hình mới.

Tại ĐH Huế, có một số ngành không thể mở lớp, rất ít thí sinh chọn học nên trường phải dùng phương án gom các ngành học thành 7 nhóm ngành. Sau năm học đầu tiên, sinh viên sẽ chọn chuyên ngành học. Việc tuyển theo nhóm ngành để tránh đóng cửa một số ngành khó tuyển và tránh tình trạng thí sinh trúng tuyển trước rồi lại “trượt” ĐH sau.

Tại ĐH Thái Nguyên và các đại học địa phương ở khu vực trung du, miền núi phía Bắc cũng có sự điều chỉnh phù hợp. Thay vì “chạy theo” các chuyên ngành phát triển mạnh mẽ và có thế mạnh ở các thành phố lớn như tài chính ngân hàng, kinh tế đối ngoại, điện tử viễn thông… thì từ năm 2013, các trường đã có xu hướng chuyển dần sang các lĩnh vực mũi nhọn, nhân lực có thể phục vụ trực tiếp cho nhu cầu của địa phương như sản xuất, chế biến các loại nông, lâm sản, đặc sản chất lượng và giá trị kinh tế cao, công nghiệp khoáng sản, thủy điện, cơ khí, chế tạo và lắp ráp điện tử, công nghiệp vật liệu, du lịch...

BỘ GD-ĐT: ĐIỀU CHỈNH MẠNG LƯỚI

Trước thềm tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 sắp diễn ra, để khắc phục tình trạng “đóng cửa ngành học” như đã diễn ra trong các năm trước, gây ảnh hưởng lớn đến các thí sinh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết Bộ sẽ triển khai nhiều biện pháp đồng bộ.

Thứ nhất là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Theo ông Ga, năm vừa qua, Bộ GD-ĐT đã tiến hành thanh tra và xử lý hàng loạt các sai phạm về tuyển sinh của các trường.

Trong số các trường đó, có 22 trường đã bị kỷ luật và xử phạt vì tuyển sinh vượt chỉ tiêu và xác định chỉ tiêu không đúng với khả năng đào tạo của mình.

Ngoài vấn đề xây dựng chỉ tiêu, năm nay Bộ sẽ tập trung vào thanh tra chất lượng giảng viên, cơ sở vật chất, thực hiện liên thông và liên kết đào tạo, mở ngành… là những điều kiện tối thiểu để công tác tuyển sinh và đào tạo được đảm bảo.

Thứ hai là Bộ sẽ có điều chỉnh mạng lưới để đào tạo số lượng nhân lực phù hợp. Quy hoạch phát triển nhân lực đã được Thủ tướng phê duyệt từ tháng 10/2012 và dự báo đến năm 2020.

Đây là số liệu tổng thể của từng ngành, từng địa phương, từ đó sẽ có một bức tranh tổng thể cho các trường đào tạo trên cơ sở đó.

BÀI HỌC DÀNH CHO THÍ SINH

Nhìn vào những ngành phải đóng cửa và những thí sinh “bỗng dưng” bơ vơ, GS Trần Hữu Nghị cho biết đó là điều đáng tiếc vì với điểm số đó, nếu thì vào một ngành khác thì có lẽ các em sẽ “xuôi chèo mát mái” chứ không lận đận chuyển ngành, ghép ngành sau đó.

Do đó, trong bối cảnh hiện nay, thí sinh cần lượng được sức mình để chọn “trúng” ngành học, trường học sao cho phù hợp.

Ngoài ra, có điều lưu ý là thí sinh nên chọn những trường mà chỉ tiêu tuyển sinh ổn định qua các năm. Với các trường có chỉ tiêu tuyển sinh tăng “đột biến” thì đây chính là “dấu hiệu” cho thấy có thể không tuyển đủ người học, gây ra một loạt những điều bất khả kháng không ai mong muốn sau đó.

Để làm được điều đó cũng cần có yêu cầu ngược lại là các trường ĐH cần minh bạch thông tin và học sinh cần hết sức chú ý tìm hiểu thật kỹ trước khi lựa chọn.

“Không nên cẩu thả vì thực tế đã chứng minh rằng thông thường người cuối cùng chịu nhiều thiệt thòi nhất khi một ngành học đóng cửa chính là các em”, GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh. (Hết)

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất