| Hotline: 0983.970.780

Bãi ngang Quảng Xương chuyển mình

Thứ Tư 14/08/2019 , 08:47 (GMT+7)

Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) đã cán đích.

Sự “chuyển mình” của các xã bãi ngang Quảng Xương khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng.

14-10-02_1
Việc tiếp cận được các nguồn vốn giúp kinh tế vùng bãi ngang Quảng Xương chuyển mình.

Sau khi chuyển 3 xã về TP Sầm Sơn, huyện Quảng Xương còn 6 xã bãi ngang gồm Quảng Nham, Quảng Lợi, Quảng Thạch, Quảng Lưu, Quảng Thái, Quảng Hải với bức tranh kinh tế hết sức khó khăn. Tuy nhiên, sau 9 năm xây dựng NTM, kinh tế 6 xã bãi ngang Quảng Xương đã thay da đổi thịt.
 

I.

Quảng Nham có gần 2.000 lao động khai thác, đánh bắt hải sản với trên 280 tàu thuyền, đa phần công suất nhỏ, hiệu quả đánh bắt thấp. Tỷ lệ tái mù của người dân vùng biển cao, thiếu kỹ năng đánh bắt xa bờ khiến việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước gặp nhiều khó khăn. Do số lượng cơ sở chế biến có hạn, hoạt động èo uột, thương lái thu mua hải sản với giá rẻ...

Năm 2011, xã Quảng Nham mới đạt 5 tiêu chí NTM; tỷ lệ hộ nghèo 34%. Xác định nâng cao đời sống người dân là yếu tố then chốt trong xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Quảng Nham hết sức băn khoăn.

“Nhờ đấu nối ngư dân với các ngân hàng trên địa bàn, những năm qua, nhiều tàu thuyền được đóng mới, cải hoán, công suất từ 200CV trở lên, phục vụ tốt hơn việc vươn khơi bám biển. Nhiều cơ sở chế biến, kinh doanh hải sản, cơ sở phục vụ hậu cần nghề cá ra đời góp phần tăng giá trị hải sản được đánh bắt”, ông Trần Xuân Lờ, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Nham phấn khởi.

Cùng với việc “kéo” ngân hàng lại với người dân, Quảng Nham tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ năng đánh bắt, chế biến hải sản. Trong 8 năm qua, trên 5.000 lượt ngư dân Quảng Nham đã tham gia các lớp tập huấn. Lần lượt 13 cơ sở chế biến hải sản ra đời với tổng công suất 4-5 nghìn tấn hải sản/năm, góp phần giải quyết việc làm cho 300 lao động địa phương.

Ông Thạch Văn Chụp, chủ cơ sở nước mắm Cự Nham cho hay, khi khởi nghiệp, ông gặp rất nhiều khó khăn về vốn. Gỡ được nút thắt này, cơ sở của ông “lớn nhanh như thổi”. Từ chỗ mỗi năm chỉ tiêu thụ khoảng 4-5 tấn cá nguyên liệu; diện tích khu chế biến vài trăm m2, đến nay mỗi năm gia đình ông thu mua từ 60-70 tấn cá, sản xuất ra trên 120 nghìn lít nước mắm các loại.

Ông Chụp sở hữu một cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống có tầm cỡ tại Thanh Hóa với diện tích khu sản xuất 2 nghìn m2, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6 lao động và 30-40 lao động thời vụ; mỗi năm gia đình ông lãi từ 500-600 triệu đồng.

Còn ông Hoàng Văn Ba, một ông chủ đầm tôm rộng 14,8 ha, bãi ngao 8 ha cho biết: “Nuôi trồng hải sản là lĩnh vực rủi ro cao nên tiếp cận nguồn vốn gặp nhiều khó khăn. Tôi đầu tư hàng chục ha nuôi tôm thẻ chân trắng và ngao, nếu không được vay vốn thì không thể sản xuất lớn được? Nhờ nguồn vốn từ ngân hàng, đến nay tôi đã đầu tư nuôi tôm trên cát. Bình quân, mỗi năm 25 đầm tôm cho sản lượng 250-300 tấn, 700-800 tấn ngao/năm; lãi ròng 5-6 tỷ đồng/năm. Sắp tới tôi sẽ đầu tư để xây dựng khu nuôi tôm công nghệ cao an toàn sinh học”.

Năm 2017, Quảng Nham đã cán đích NTM; bình quân thu nhập hiện đạt trên 40 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo dưới 4,5%. Đời sống được nâng cao là tiền đề để xây dựng NTM bền vững, tạo thuận lợi cho huy động nguồn lực xây dựng NTM. Từ nội lực, người dân Quảng Nham đóng góp 150/203 tỷ đồng trong giai đoạn xã xây dựng NTM.
 

II.

Đó cũng là cách mà xã Quảng Thạch đã thực hiện để nâng cao đời sống người dân trong xây dựng NTM. Năm 2011, Quảng Thạch mới có 3 tiêu chí đạt chuẩn nhưng đã nhanh chóng cán đích NTM vào năm 2016.

Ông Nguyễn Đức Tại, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Thạch cho hay, để “kéo” tỉ lệ hộ nghèo từ 19,6% xuống còn 3,59% và nâng thu nhập cho người dân từ 9,1 triệu đồng lên 39 triệu đồng/người/năm như hiện nay, địa phương đã đấu nối với nhiều ngân hàng trên địa bàn huyện.

Những chiếc bè mảng đánh bắt hiệu quả thấp dần được thay bằng những tàu công suất lớn vươn khơi bám biển. Bên cạnh đó, địa phương vận dụng các nguồn vốn hỗ trợ vùng bãi ngang, sự đóng góp của con em xa quê giúp người dân Quảng Thạch để kích cầu phát triển kinh tế.

“Để giải quyết vấn đề lao động, chúng tôi liên hệ với những mạnh thường quân xa quê. Họ vừa đầu tư cho quê hương vừa thu hút được số lượng lao động lớn vào các công ty làm ăn. Kinh tế địa phương dần có bước chuyển biến tích cực. Trong chương trình xây dựng NTM, người dân đã đóng góp 100 tỷ đồng, bằng 50% nguồn huy động thực hiện chương trình”, ông Tại cho biết.

Về xã Quảng Lưu, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng đất này. Sau 8 năm xây dựng NTM, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 28,2% xuống còn 3,3%; thu nhập tăng từ 13 triệu đồng lên 41 triệu đồng/người/năm; 100% tuyến đường được bê tông hóa; điện đường sáng đến 22 giờ; các ngã ba, ngã tư được lắp đặt hệ thống camera giám sát.

14-10-02_2
Hệ thống giao thông, điện đường, camera giám sát tại Quảng Lưu chẳng khác gì phố thị sầm uất.

Ông Trần Đăng Lọc, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lưu dẫn chúng tôi dạo các tuyến đường, tự hào: “Chúng tôi lấy sự phát triển kinh tế để thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng. Cánh đồng trên 18 ha rau an toàn, rau củ quả công nghệ cao VietGap được hình thành, có liên kết đầu ra giúp tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích lên 5- 6 lần.

Chợ xã được giao cho doanh nghiệp đầu tư, quản lý đã phát huy hiệu quả; chuyển dịch kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động… Nhờ các tuyến đường được lắp điện sáng, camera nên tình hình an ninh trật tự ở đây được đảm bảo, người dân hết sức yên tâm sản xuất, kinh doanh”.
 

III.

Tại xã Quảng Thái, nhờ vận dụng hợp lý chính sách hỗ trợ các xã bãi ngang trong quá trình xây dựng NTM, người dân ở đây cũng được tiếp cận nhiều hơn nguồn vốn ngân hàng để phát triển các mô hình trang trại, gia trại.

“Chúng tôi xác định, khai thác hải sản không phải là thế mạnh nên đầu tư cho các mô hình sản xuất. Từ đó đời sống người dân được nâng cao, diện mạo nông thôn Quảng Thái đã khác hẳn 5-6 năm về trước. Đến năm 2014 Quảng Thái về đích NTM. Mục tiêu trở thành xã NTM nâng cao trong vài năm tới hoàn toàn có thể đạt được”, ông Tô Văn Thục, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái tin tưởng.

Những năm qua, tại xã Quảng Hải, lực lượng lao động của địa phương được một số công ty may mặc trên địa bàn nhận vào làm việc. Số còn lại tham gia các dịch vụ chế biến hải sản, nước mắm hoặc các mô hình sản xuất trang trại quy mô lớn. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 12,5% (2011) xuống 3,5% năm 2018; quá trình huy động xây dựng NTM tại địa phương vì thế gặp nhiều thuận lợi; năm 2017, Quảng Hải cán đích NTM.

“Chúng tôi đã về đích NTM bằng cách khơi dậy nội lực từ sức dân. Ở đây chúng tôi có 18 km bờ biển, lại giáp với thành phố biển Sầm Sơn. Tương lai nếu được đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ thì kinh tế sẽ còn phát triển, đời sống người dân sẽ còn được nâng cao hơn nữa”, ông Viên Đình Toàn, Chủ tịch UBND xã Quảng Hải phấn khởi.

Trong các xã bãi ngang của Quảng Xương thì Quảng Lợi gặp khá nhiều thuận lợi trong xây dựng NTM. Tại Quảng Lợi hiện có 2 nhà máy may xuất khẩu, sử dụng trên dưới 800 lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định.

Hoạt động của các nhà máy may còn gián tiếp tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Số lao động còn lại được phát triển kinh tế thông qua các mô hình sản xuất, kinh doanh. Nhờ người dân có công ăn việc làm ổn định, việc huy động xây dựng NTM thuận lợi. Đến năm 2016, Quảng Lợi cán đích NTM, nguồn vốn huy động từ sức dân đạt 220/308 tỷ đồng.

“Nếu như bắt tay vào xây dựng NTM hầu hết các tuyến đường đều là đất cát thì nay gần như 100% được bê tông và nhựa hóa. Khi đời sống của người dân được nâng cao thì huy động xây dựng NTM không còn nhiều áp lực. Và đó cũng là lúc việc xây dựng NTM đạt được đích đến là cuộc sống của người dân thay da đổi thịt”, ông Lê Như Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi cho hay.

Ngày 10/7 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ký Quyết định số 854/QĐ-TTg công nhận huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) đạt chuẩn NTM. Sau 8 năm xây dựng NTM, diện mạo nông thôn, đời sống người dân Quảng Xương thay đổi toàn diện. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 14,3%, tăng 2,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 42,5 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3,5 lần so với năm 2010. Kinh tế phát triển theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.. .Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 24,8% năm 2010 còn 3,25% năm 2018.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất