| Hotline: 0983.970.780

Bài Sơn vô vàn khó khăn

Thứ Ba 19/08/2014 , 08:20 (GMT+7)

Là xã miền núi của huyện Đô Lương (Nghệ An), Bài Sơn có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội. Thế nhưng, sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Bài Sơn chỉ đạt 5/19 tiêu chí.

Thu nhập bình quân đầu người mới đạt 15,6 triệu đồng/người/năm.

Trước hết nói về tiêu chí giao thông. Trong khi các xã lân cận, các tuyến đường chính, đường nhánh đã nhựa, bê tông hóa hết lượt thì ở Bài Sơn, đến nay loại đường nào cũng đang gồ ghề đất đá, thường xuyên lâm vào cảnh mưa bùn, nắng bụi.

Đường 15B chạy qua địa bàn xã mở từ đầu những năm 60 thế kỷ trước, thế mà nay vẫn vậy, cấp phối lổn nhổn đá. Đi từ đầu đến cuối xã hơn 3 km, áo trắng biến thành áo vàng chỉ vì bụi đường.

Không những vậy, Bài Sơn đang là địa phương bị ô nhiễm rất nghiêm trọng. Ô nhiễm từ bụi, bùn do hệ thống đường sá chưa nâng cấp có thể chấp nhận được, nguy hại hơn, ô nhiễm từ nguồn nước và môi trường sống đang ảnh hưởng rất lớn sức khỏe của hàng nghìn người dân.

Từ trước đến nay, 100% số hộ ở xã này sử dụng nước ngầm tại chỗ phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày. Các thôn xóm tựa lưng vào núi, hướng ra cánh đồng, nhiều hộ nước giếng lên xuống theo mực nước của kênh dẫn từ đập Đá Bàn, đập Năm Khe hoặc đồng ruộng sát đó.

Ở vùng thấp, nước giếng múc lên đọng váng vàng khè, song không còn cách nào khác, bất đắc dĩ phải lắng lọc để dùng. Ở khu vực cao, mùa nắng giếng nào giếng nấy cạn khô.

Có lẽ sử dụng nguồn nước ô nhiễm quá lâu, tỷ lệ người chết vì ung thư ở xã Bài Sơn tăng cao. Chỉ riêng ở xóm Tân Sơn, hơn 50 nóc nhà, hơn 10 năm nay có 11 người chết vì ung thư, trong đó không ít người tuổi còn khá trẻ.

Gần đây, có dịp về Bài Sơn, chúng tôi không khỏi ái ngại khi biết rằng mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ kênh dẫn nước từ đập Đá Bàn chạy qua địa phận các thôn Đô Sơn, Xuân Sơn, Liên Sơn… Nguyên nhân từ việc chăn nuôi lợn quy mô lớn, chất thải không xử lý được mới gây nên nông nỗi. 

Ông Nguyễn Quang Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Bài Sơn, cho rằng: "So nhiều năm trước, Bài Sơn cũng đổi thay đáng kể. Trước đây, cả xã không có nổi một ngôi nhà xây tầng, nay tại khu vực thị tứ có khá nhiều. Song sự đổi thay đó chưa đáp ứng kỳ vọng của người dân địa phương. Đến nay, trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, mới hoàn thành 5 tiêu chí là quá thấp.
Thời gian tới, chỉ mong cấp trên quan tâm đầu tư để Bài Sơn đủ lực tạo nên bước đột phá, đẩy nhanh công cuộc xây dựng NTM, để không thua kém quá xa với các địa phương lân cận".

Thực ra, ở Bài Sơn cũng đã có một dự án cấp nước sạch triển khai tại xóm Hương Sơn. Vào năm 2005, người ta khoan sâu xuống lòng đất hàng chục mét, rồi đặt máy bơm dưới đó, hút nước đẩy lên bồn xây khá cao. Nước từ bồn theo đường ống tỏa về khắp xóm.

Tuy vậy, niềm vui sử dụng nước sạch của bà con Hương Sơn chẳng được bao lâu, bởi mấy tháng sau, hệ thống cấp nước này hư hỏng. Nay công trình cấp nước đầu tư tiền tỷ đã hoang phế đến thảm hại.

Lật nắp đậy máy bơm nước được lắp đặt trước ngõ, ông Nguyễn Văn Khôi cho biết: "Nước ngầm tại đây trong lành lắm. Hồi mới đưa vào sử dụng, ai nấy đều phấn khởi. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, chỉ mấy tháng hoạt động thì tắc tịt mãi đến nay. Điều lạ là, hệ thống nước sạch, vốn đầu tư khá lớn, từ ngày hư hỏng đến giờ chẳng ai ngó ngàng tới, các thiết bị, đường ống bị người dân lấy mất".

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hệ thống nước sạch này là dự án duy nhất được đầu tư tại xã miền núi nghèo Bài Sơn kể từ hàng chục năm nay.

Nói về SX ở Bài Sơn, không hề có ngành nghề nào ngoài canh tác lúa màu, đời sống người dân chậm cải thiện. Thử nghĩ, với 886 hộ, canh tác trên diện tích 277 ha ở vùng thổ nhưỡng không có gì là màu mỡ, một số vùng không chủ động được nước tưới, đủ ăn đã khó nói chi làm giàu.

Khó khăn là vậy, song hàng chục năm nay, rất ít dự án phát triển kinh tế đầu tư trên địa bàn Bài Sơn. Đây là nguyên nhân mà cư dân địa phương luôn có xu hướng bỏ quê đi nơi khác sinh sống. Ít nhất hàng trăm hộ đã bỏ đi nơi khác kể từ sau giải phóng đến nay, cũng vì vậy mà hàng chục năm nay xã Bài Sơn không tăng dân số.

Không phủ nhận thực trạng buồn nêu trên, ông Nguyễn Hữu Quang, Bí thư Đảng ủy xã Bài Sơn, cho biết: "Không chỉ đường xá mà nhiều hạng mục thuộc cơ sở hạ tầng nông thôn của địa phương cũng chậm nâng cấp, đổi mới. Ngay như trung tâm hành chính xã, các trường học, trạm xá… xây dựng từ lâu, nay xuống cấp nghiêm trọng vẫn không có kinh phí nâng cấp".

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất