| Hotline: 0983.970.780

Méo mặt hát 'bài ca gói ghém'

Thứ Hai 02/11/2020 , 21:24 (GMT+7)

Về hưu rồi, mọi thứ cậy vô lương hưu mà mấy năm nay, vật giá leo thang, tiền bạc cheo heo quá chị.

Chị Dạ Hương thân mến!

Tôi về hưu đúng tuổi, chồng tôi cũng mới về hưu, đúng tuổi. Hai vợ chồng sống riêng, trong một căn hộ cũ nhưng còn khá kiên cố, sạch sẽ. Hai đứa con của chúng tôi đều ở tỉnh, đứa thì công chức, đứa thì có chồng làm ăn.

Nói chung chúng sống được, nuôi con được, ông bà chỉ hỗ trợ khi con của chúng còn nhỏ thôi. Chúng không chịu lên thành phố, bảo ở tỉnh, vừa sức.Tôi cũng thấy như vậy chị ơi. Chúng tôi quen sống trên này khi còn làm việc.

Về hưu rồi, mọi thứ cậy vô lương hưu mà mấy năm nay, vật giá leo thang, tiền bạc cheo heo quá chị. Tôi thí dụ cho chị nghe nghen, hai đầu lương hưu tầm 14 triệu thì tôi phải tiếp tục để dành cho sức khỏe hết 2 triệu.

Vì sao? Là vì không trông đợi vô con, tội chúng nó, vậy thì bao nhiêu tiền mới đủ cho bệnh tật? Không biết bao nhiêu cho dù, khi đi làm, chúng tôi đã có để dành. Các bệnh viện ở ta khiến ai cũng khiếp sợ về tiền tiền tiền, bảo hiểm y tế chỉ hỗ trợ thôi.

Bắt đầu các khoản chi hàng tháng. Chúng tôi không thuê người, tự làm hết, mọi thứ tôi chỉ dám chi cho 200 ngàn/ngày cho tất cả, ăn uống, đường sữa cà phê, gia dụng bếp núc, tất tật. Vậy là 6 triệu nữa. Rồi các thứ hóa đơn, điện nước, Internet, cáp truyền hình, điện thoại bàn điện thoại di động cho cả hai, gas và gạo…vị chi 2 triệu nữa. Vậy là gói ghém lắm rồi.

Ngoài ra còn giỗ chạp, hiếu hỉ, quanh năm suốt tháng, ở thành phố đây, đám cưới phải gấp đôi ở tỉnh, đi thăm người bệnh hay đi đám tang cũng gấp đôi, chồng tôi bảo đó là giá Sài Gòn, ai biểu bám Sài Gòn ráng chịu.

Nhưng từ đầu năm đến giờ, trong dịch bệnh, chị có thấy là bi đát kinh tế không? Bây giờ ăn thịt heo là sang, thịt heo mắc hơn gà vịt, nhưng thịt heo hợp với người già, ngang với thịt bò. Cây trái rẻ nhưng rau củ không rẻ, vậy là bài ca gói ghém vẫn phải véo von hát bằng cái miệng méo xệch. Như chúng tôi đã vậy, dân nghèo nhập cư ở nhà trọ, còn xấc bấc xang bang ra sao nữa hả chị?

--------------------

Bạn thân mến!

Lần đầu có một lá thư đưa cho tôi nhìn vào sổ chi tiêu của hai vợ chồng viên chức về hưu. Rất thú vị bạn ạ. Cảm ơn bạn. Như tôi đây, chồng mất chưa đầy bốn năm. Khi còn nguyên đôi, tôi cũng cầm hai đầu lương và nếu không viết báo thêm, sẽ không đủ.

Vậy nên, nếu bạn chỉ thực sự có hai đầu lương để gói ghém, đúng là rất chật vật, nhất là từ khi dịch bệnh đến giờ. Mình tưởng ít xê dịch, không còn thú đi du lịch thì tiền sẽ giữ được. Không, tôi cũng thường nghĩ, đi chợ bây giờ như thể mất cắp, tiền tiêu hết mà không hay.

Đầu tiên nói về sự gói ghém. Vâng, thế hệ tôi và bạn, từ chiến tranh và bao cấp đói rã. Ba má của chúng ta là thời của Việt Minh, cũng gói ghém mà nên. Vậy thì gói ghém là phẩm chất chứ không phải thói hay tật. Một cô bạn tôi có chồng là người Đức, mà người Đức nổi tiếng tiết kiệm.

Tôi hỏi cô ấy sao, có thấy hợp hay khó chịu? Cô ấy bảo, họ luôn hợp lý, ví như trước khi đi làm phải nhớ tối về ăn gì để đưa ra khỏi tủ lạnh sớm và khi nấu, thường nấu 1 bếp, để chi, để món sau đặt lên là bếp đã nóng sẵn rồi. Vậy đó, chúng ta chưa tiết kiệm bằng họ, đúng không?

Tôi luôn chia đều các khoản chi ngay từ đầu tháng như thói quen và con gái tôi cũng giống như vậy. Ví như bỏ ống ngay một ít để dành cho Tết.

Ví như mua sắm đủ các thứ cho tháng đó ngay từ đầu tháng. Ngoài ra tôi còn tiền đi gym, tiền thuê người lau dọn hàng tuần nữa. Vì vậy mà phải viết báo đều đều mới không làm phiền đến con. Tự do độc lập là nhu cầu, nếu muốn phục vụ nhu cầu tối thượng ấy, phải khoa học, vén khéo, thu xếp.

Ví như nước rửa rau phải dành để tưới cây. Ví như hay ăn các thứ cá kho nhừ hay thịt kho rệu, khổ qua nhồi thịt để không phải nấu mỗi bữa, kích rích.

Ví như trong nhà luôn có bột bánh xèo hay có măng khô đã luộc kỹ để dành làm các món nhanh cho tiếp khách. Tôi có 15 cái giỗ mỗi năm không thể không có mặt, vừa ôm bàn thờ ở nhà, vừa ở quê, vừa của bà con sống trong thành phố.

Bạn ơi, tôi gọi ấy là thuế làm người. Chúng ta là những người lỡ nhịp, không bao giờ có đủ tiền để phong lưu. Nhưng biết đủ là đủ, ấy mới là người thực sự giàu bạn nhé.

Và nhớ, không bao giờ chi đến đồng cuối cùng trong nhà, nghĩa là luôn phải để dành, cần mổ ruột thừa chằng hạn, có ngay.

Vậy thì, nếu mình chỉ còn 50 ngàn của tháng này, chỉ chi 40 ngàn thôi nhé, tập thói quen như vậy, bạn sẽ thấy thong dong, nhẹ nhàng. 

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm