Cô kính mến!
Lá thư tâm sự này sẽ dài, để cô thấu hiểu còn đưa lên mặt báo như thế nào tùy cô, cô nhé. Người ta nói mười năm đầu của hôn nhân không phải suôn sẻ như mơ ước như tưởng tượng như mong muốn của hai người mà thực ra, nó cực kỳ sóng gió. Cháu nghiệm thấy đúng cô ạ.
Chồng cháu khi cưới là 28 tuổi, thạc sĩ, bố mẹ công chức như bố mẹ của cháu, hai nhà đều có hai con, anh ấy hai anh em trai, nhà cháu hai chị em gái. Có anh cả sống với bố mẹ nên chúng cháu được ở riêng ngay từ đầu. Nhà hai bên bố mẹ góp mua cho, cháu sinh thì mẹ đẻ chăm, rồi mẹ chồng giúp, không cực khổ đến mức phải phàn nàn.
Yêu nhau, hiểu nhau, mọi thứ như là dọn sẵn mà nhiều lúc chúng cháu vẫn hục hặc. Toàn chuyện không đâu, nhỏ xíu, theo anh ấy là vớ vẩn.
Ví như chồng về muộn chồng không cần nhắn tin hay gọi điện, vợ việc gì phải lo cuống lên như thế. Ví như sinh con, có mẹ đẻ, có mẹ chồng rồi, sao chồng cứ phải nghỉ phép để ở bên cạnh suốt tuần nhỉ?
Ví như vợ nghỉ hộ sản, mẹ chồng cho tiền đủ và thừa nữa để nghỉ thêm cho đến khi con đi nhà trẻ, sao vợ phải cần chồng cùng thức đêm để chăm con nhỉ? Ví như chồng thay xe máy, vì sao phải trao đổi với vợ nhỉ, chồng là tay kiếm tiền kia mà? Ví như và ví như, vân vân và vân vân.
Ba năm trời ở nhà, cháu trở lại công việc thì mọi thứ đã thay đổi chóng mặt. Phải học thêm vi tính, nâng cao ngoại ngữ để bắt kịp thời đại. Con trai nhỏ, hay ốm, phải nhờ bà ngoại suốt. Cháu có chán nản.
Ở lớp tiếng Anh, cháu có say nắng một đồng môn, người này rất ấm áp, dịu dàng, hay giúp đỡ, rất ân cần. Nhắn tin về lịch học, đi học dã ngoại, đi những chương trình giao lưu tiếng Anh toàn bộ… và, cháu có tình cảm với người ta.
Đôi ba lần mưa gió, xe cháu hỏng, người ấy đưa cháu về tận nhà. Chồng bắt gặp cảnh ấy và sinh sự. Cháu phải bỏ dở lớp ấy và bị giám sát. Không lớp nào nữa cả. Cháu đã suy nghĩ đến chuyện ly dị. Nhưng cháu sợ.
Chồng làm cháu sợ chứ không phục, không tha thiết hàn gắn, không hình dung được bền vững của cuộc hôn nhân này. Cháu có tự buông xuôi, có tư tưởng xấu, có sai không cô? Cháu làm sao đây cô?
---------------------
Cháu thân mến!
Hầu như ai đã đi qua sóng gió hôn nhân đều ngoảnh lại và tổng kết rằng, hậu cưới là thời gian lao đao nhất. Vì sao?
Thứ nhất, trăng mật đã xong, có thể đã qua, như thế hệ trẻ bây giờ, là đã sống thử, đã đi du lịch với nhau suốt rồi. Vì vậy cưới xong là lo tiền nong, ăn ở, nhà cửa, dành dụm.
Thứ hai, bắt đầu thời kỳ bầu bì và sinh con, nuôi con nhỏ trong khi hai người giờ như hai sinh vật thả rông hết cỡ, 24/24, ăn ra sao, ngồi ra sao, nói những chuyện gì, không áo quần trên người và có áo quần trên người, bộc lộ bằng hết.
Ngày trước có sống thử mà, có lên giường với nhau hơn một lần mà, nhưng vẫn còn giữ gìn, vẫn còn khoảng cách. Cái mốc cưới làm cho tâm sinh lý khác hẳn, tự nhiên, kém say mê, nhiều bổn phận và do đó, bản thân của mỗi người cũng tặc lưỡi “tôi như thế đó”. Cả đàn ông và đàn bà đều nghĩ, hãy để mọi thứ tự nhiên.
Thứ ba, giai đoạn nuôi con nhỏ thực sự trần ai, vô cùng cực nhọc và con người ta luôn muốn phát khùng vì trẻ con léo nhéo, thức đêm, đau ốm, tiền nong (nếu eo hẹp nữa thì hết biết luôn). Và rồi chưa chi đã tòi ra đứa nữa, nhân lên mười lần nỗi cực khổ chứ không phải nhân đôi. Vượt qua được 10 năm, con lớn, đã thong dong.
Khi đó, ai vượt được thì 10 năm nữa, con cái sắp trưởng thành. 10 năm kế tiếp sau 10 năm hậu cưới là niềm vui bên các con, sự kỳ diệu của mẫu tử, của phụ tử, của một gia đình nhỏ nên vóc nên hình rõ rệt. Con cái ngoan, sẽ phong quang mãi, hậu vận tốt cho cả nhà. Con cái ngỗ ngược, khó dạy khó nuôi thì sẽ là quãng tăm tối nghẹt thở.
Có đàn ông hay say nắng thì cũng có đàn bà ưa say nắng. Chuyện quy luật. Nhưng đàn ông mình cả ghen, khắc nghiệt với vợ mà dễ dãi với chính mình. Vậy đó, đàn ông tàn tích Nho giáo, gia trưởng, xét nét, đòi hỏi các bổn phận của vợ. Vậy đó.
Nếu cháu chỉ chập chờn thì nói thẳng, bằng chứng đâu, và đấu tranh để chồng đừng nhân cớ này kiếm chuyện nhốt chặt vợ. Nếu quả thật cháu và chồng trục trặc thì cứ cắn răng suy nghĩ đi. Cố gắng và cố gắng vì con, một thời gian chín chắn đi rồi cháu sẽ biết rõ mình muốn gì.