| Hotline: 0983.970.780

Bấm chân qua tuổi dại khờ suy tư kiếp người

Thứ Bảy 06/03/2021 , 08:32 (GMT+7)

Nhà thơ nhận rõ được cái thật, cái giả: 'Thấy vậy mà không phải vậy /chao ôi tay bắt mặt mừng/ lá mặt đâu ngờ lá trái /thình lình dao đâm sau lưng'.

Tập thơ vừa được trao giải thưởng của Hội Nhà văn TP.HCM.

Tập thơ vừa được trao giải thưởng của Hội Nhà văn TP.HCM.

Trong tập thơ “Bấm chân qua tuổi dại khờ” của Cao Xuân Sơn (vừa được trao Giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM) đề tài rất phong phú, nhưng xin nói đến phần cảm nhận trực giác đâu tiên nổi bật nhất, ấy là tính chiêm nghiệm sâu sắc. 

Ở bài “Bấm chân qua tuổi dại khờ” mà anh dùng làm tên chung cho tập thơ, có câu rất ấn tượng: "Bấm chân qua tuổi dại khờ/ vẫn mê hồn trận cuộc cờ thế gian”. Hình ảnh “bấm chân” cho thấy, con đường trơn trượt khó khăn của chủ thể khi phải vượt qua tuổi ấu thơ khờ dại để cập tuổi lớn khôn. Nhưng ở vị trí mới này anh vẫn lạc vào “mê hồn trận” trong “cuộc cờ thế gian”. 

Ở đây thấy sự trải nghiệm khó khăn cực nhọc và đối diện với những rối ren khó lường của bàn cờ thế sự. Tính khái quát trong một câu thơ ngắn gọn đáng để người đọc chú ý, có thể dừng lại nghĩ suy. Viết được câu thơ này thường là người đã qua tuổi “tri thiên mệnh”.

Về nội dung chiêm nghiệm, Cao Xuân Sơn có một số câu thơ tài hoa khác: “Nhắm mắt biết vòm trời đang tốc mái/ ngăn làm sao siêu bão mỗi lòng người” (Trưa thinh lặng). 

Đọc câu thơ này, tôi phải dừng lại, sao không là “ngôi nhà tốc mái” mà lại là “vòm trời đang tốc mái”? Ngôi nhà tốc mái là chuyện bình thường, chả có gì đáng nói, nhưng “vòm trời tốc mái” mới là điều đáng nói. Nhiều khi mở mắt không nhìn thấy mà nhắm mắt lại mới nhìn thấy và còn thấy rõ hơn.

Ấy là thơ hướng nội, cảm nhận bằng lòng mình sẽ thấy rõ hơn cái hiện thực đời sống vốn xô bồ ngổn ngang và thật giả trắng đen lẫn lộn. Đọc thơ phải biết vượt ra khỏi nghĩa đen để đến với nghĩa bóng mới cảm nhận được cái hay cái đẹp của câu thơ, bài thơ. 

Nhờ có “giật mình/tự thắp” mà nhà thơ nhận ra được chân giá trị ở những trường hợp đặc biệt: "Mình tự vỗ vai mình/ tự ban thêm sức mạnh/ hoa sứ rụng vào đêm/ vẫn thơm mùi đức hạnh (Đêm hoa sứ).

Từ “tự thắp” đến “tự vỗ vai mình” là một mô-típ khá rõ nét. Rồi “tự thắp” và “tự ban thêm sức mạnh” nữa, quả thật làm thơ mà có được “nhãn mác” thế này là khó lắm, cực kỳ khó và số người đạt được không nhiều. 

Và tiếp theo, anh có hai câu thơ hay: “Hoa sứ rụng vào đêm/ Vẫn thơm mùi đức hạnh”. Câu sau có tương quan mới mẻ khác lạ, một sáng tạo đẹp. Từ câu thơ này, ta có thêm khái niệm về đức hạnh, đó là đức hạnh có hương thơm. Mới biết sức sáng tạo của nhà thơ phong phú vô vàn.

Cũng từ “giật mình/ tự thắp” mà nhà thơ nhận rõ được cái thật, cái giả: ”Thấy vậy mà không phải vậy/ chao ôi tay bắt mặt mừng/ lá mặt đâu ngờ lá trái /thình lình dao đâm sau lưng” (Thấy vậy mà không phải vậy). 

Đến thực tế phũ phàng này của thế sự, nhà thơ không ẩn dụ xa xôi mà nói thẳng vào vấn đề. Cuộc sống có những điều xót xa đau đớn cần được phơi bày cho rõ trắng đen, Cao Xuân Sơn không né tránh nhưng tất nhiên anh vẫn nói bằng thơ, đó là thơ chính luận. Loại thơ này chiếm tỉ lệ không cao và như thế là hợp lý.

Cao Xuân Sơn chiêm nghiệm từ cụ thể đến trừu tượng: "Một ngàn ngày nữa cho anh, anh sẽ làm gì/ Một trăm ngày nữa cho anh, anh sẽ làm gì?”.

Câu hỏi này tưởng bình thường mà làm ta giật mình, tất nhiên với những người lớn tuổi. Ôi, cuộc sống mới đáng quý làm sao và thời gian lại càng quý giá hơn nhiều. Các bạn lớn tuổi, đã khi nào các bạn đặt cho mình câu hỏi trên đây chưa? Riêng tôi thấy giật mình và ngẫm nghĩ nhiều lắm, làm sao để những giờ phút cuối cùng của đời người không làm ta hụt hẫng.

Điều này thật không dễ chút nào. Và câu hỏi của Cao Xuân Sơn cứ canh cánh bên mình, nhắc nhớ mình nhiều lắm. Anh viết tiếp: "Một giây là dài, ngàn năm cũng ngắn" (Anh hót đây này).

Đây lại là một nghịch lý, nhưng ngẫm lại xem, nhà thơ nói có lý đấy, ta thử chiêm nghiệm cùng anh xem sao: "Chiều rồi, phố bỗng đầy mây/ Lá mình thì bạc, tóc cây thì vàng/ Mặc tình nỗi nhớ đi hoang/ Nẻo dọc thì đứt, đường ngang thì rầu" (Chiều rồi). Buổi chiều của một ngày hay một đời người? Có lẽ cả hai, lại thấp thoáng tình yêu nữa thì phải!

Sao lại có hình ảnh lạ này “Lá mình thì bạc, tóc cây thì vàng”? À chắc là nhà thơ không tiện nói về mái tóc của mình? Đây lại là một cách nói ẩn dụ mới mẻ của Cao Xuân Sơn.

Nhà thơ Cao Xuân Sơn.

Nhà thơ Cao Xuân Sơn.

Viết về các thiếu nữ, nhiều nhà thơ, nhà văn đã có những so sánh rất hay và đẹp, nhưng với so sánh này của Cao Xuân Sơn vẫn làm ta thấy bất ngờ và thú vị. Một hình ảnh tiếp theo: "Nắng tưng bừng váy áo/ xuân đầu cành râm ran" (Mộc Châu hò hẹn). Đây là những câu thơ hay về miền núi đáng lưu vào bộ sưu tập.

Trong tập sách còn một mảng thơ tình rất đáng chú ý. Đứng trước tháp nghiêng Pisa, anh viết: ”Yêu là tự mất thăng bằng/ là dan díu cái vĩnh hằng chung chiêng” (Một mình một dáng Pisa). Tháp Pisa nghiêng đã qua hàng thế kỷ, độ nghiêng này đã được bàn thảo quá nhiều phần lớn là trên bình diện khoa học.

Đây là cảm hứng của nhà thơ, một phát kiến “mất thăng bằng” khá lý thú. Có người nói, yêu là tìm đến một nửa còn khuyết tức là tạo dựng sự thăng bằng, còn câu thơ trên Cao Xuân Sơn viết “yêu là tự mất thăng bằng”, cả hai cách nói tuy trái ngược nhau nhưng đều có lý cả, nhưng cách nói thứ hai nên thơ hơn. Đây chính là điều bí mật mà chỉ có thơ mới làm được mà thôi.

Qua thơ, Cao Xuân Sơn mang đến cho chúng ta nhiều nỗi niềm nhân thế. Anh chiêm nghiệm từ cảm xúc, tư duy của chính bản thể. Những dòng thơ chiêm nghiệm mang tính tư tưởng và có tầm khái quát khá hiện đại khiến thơ anh tạo nên được ấn tượng tốt và chiếm được cảm tình trong lòng bạn đọc.

Nhưng suy tư nhân sinh và thế sự ở đầu thế kỷ 21 này của Cao Xuân Sơn quả có nhiều đắc dụng và chia sẻ sâu xa. Ở tập thơ này xét về phương diện bút pháp, Cao Xuân Sơn vẫn phát huy được sở trưởng của mình ấy là thơ truyền thống và đổi mới nhưng có nhiều tìm tòi công phu về nghệ thuật. Đây rõ ràng là một bước tiến mới trong hành trình tiếp cận cái đẹp vĩnh hằng thi ca của anh.

(Kiến thức gia đình số 9)

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất