| Hotline: 0983.970.780

Bản A Rem khắc khoải đợi...

Chủ Nhật 14/11/2010 , 17:10 (GMT+7)

Anh Lê Thanh Danh- Phó Giám đốc Chi nhánh tại TP HCM (thuộc TCT Lương thực Miền Bắc) cùng anh Trần Anh Tuấn- Giám đốc Cty CP Phú Khang Gia (có trụ sở tại TP HCM) và P.V báo NNVN đã có chuyến hàng cứu trợ đến với đồng bào dân tộc A Rem.

Anh Lê Thanh Danh- Phó Giám đốc Chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh (thuộc TCT Lương thực Miền Bắc) cùng anh Trần Anh Tuấn- Giám đốc Cty CP Phú Khang Gia (có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) và P.V báo NNVN đã có chuyến hàng cứu trợ gồm 10 tấn gạo và 400 thùng mì tôm đến với đồng bào dân tộc A Rem (xã Tân Trạch-huyện Bố Trạch-Quảng Bình).

Già làng Đinh Rầu và cũng là Chủ tịch UBMTTQVN xã Tân Trạch ít nói, nước mắt rân rấn và cứ cầm lấy tay chúng tôi mà lắc: ‘Thay mặt bà con dân bản, miềng cảm ơn tấm lòng của mấy cán bộ, của báo NNVN đã lặn lội lên với bà con A Rem miềng...”.

Con đường xấu nhất Việt Nam

Anh Lê Thanh Danh cứ nhắc đi nhắc lại câu nói mà chưa có nhà sử học nào dám khẳng định là con đường 20 nối từ xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch) đi ngược lên phía tây cắt ngang qua dãy Trường Sơn qua cửa khẩu Noọng Ma đến đất Lào thuộc vào diện... “xấu nhất Việt Nam”.

Chiếc xe IFA hai cầu cứ hộc lên xả ra từng đụn khói khét lẹt mùi cao su cháy, mùi xăng cố rướn lên từng phiến đá. Thỉnh thoảng, hai bánh sau cứ xoay tít trên mặt đá xanh trơn. Chiếc xe cứ nhún lên thụt xuống trong tiếng máy rồ ngằn ngặt. Tài xế Nguyễn Dương như bò rạp trên vô lăng ghìm lấy không cho đầu xe ô tô ngóc sang phía trái. Bên ấy là vực thẳm, hun hút, hun hút gió...Xe lại tụt xuống, tài xế Dương đạp phanh và nói trong hơi thở gấp: “Thôi mấy anh xuống xe đi...”. Chúng tôi xuống ca bin đi vội ngược lên con dốc nhìn lui. Tiếng máy lại ngằn ngặt, khói mù. Đầu xe hết ngóc sang trái lại lườn sang phải từng tí, từng tí bò lên. Đến được đỉnh dốc ngặt, chiếc xe rồ máy lên như reo cười.

Tài xế Dương cho máy nổ nhỏ, dừng xe và tụt xuống khỏi ca bin miệng ngoắc ra cười không thành tiếng: “Vì hồi hôm có mưa nên đoạn này toàn đá xanh trượt. Phải xe hai cầu kéo và đẩy, bánh nào cũng bám đường chứ xe một cầu có tốt đến mấy đến đây cũng tự đi lui thôi...”.

Một góc bản A Rem

Chặng đường phía trước còn dài và hun hút, cây đổ lòa xòa chắn hết tầm nhìn. Một vòng cây chạc vươn xuống phủ lấy tấm kính chắn giõ phía trước và ngoắc vào cây gạt nước. Đang lên dốc nên tài xế không thể dừng để gỡ ra. Chiếc xe rướn lên một tý, nghe roàng roạc, nhánh cây khuất ra phía trên ca bin và đânhs sàn sạt trên tấm bạt phủ hàng sau thùng xe. Cái cần gạt nước cũng bị nhành cây kéo đi mất, để lại trên tấm kính mấy tấm lá vàng ép chặt vào. Tài xế Dương như rên: ‘Lại mất thêm tiền nữa rồi...”. Xe chở hàng đi trên tuyến đường này cũng vào dạng “đặc chủng”. Theo tài xế Dương thì anh phải “đôn dên” vô thêm bộ xắc xi thép hàn với xắc xi xe nữa thì khi xe chở nặng lên dốc hay chạy vào khúc cua đường nghiêng mới không bị vặn gãy, nứt. Toàn bộ hệ thống lốp phải chế thành hai vỏ. Có nghĩa là ép vào phái trong một vỏ lốp dược cắt hết tanh thép (cánh lái gọi là “sơmi”), khi đi trên đá thì lốp chỉ bị cắt ở phần vỏ ngoài nên ít khi xảy ra bể lốp hay xẹp hơi dọc đường...

Đoạn đường từ cây số 0 vào đến bản A rem chỉ có 42 km. Nhưng xe chở hàng đi vào mất hết hơn 6 giờ đồng hồ và khi đi ra mất hơn 3 giờ. Đoàn công tác được “ưu tiên” đi trên chiếc xe u oát cũng mất hơn 3 giờ đi vào và hơn 2 giờ di ra. Có thể đó là “kỷ lục” về tuyến đường ngắn mà tốn nhiều thời gia di chuyển nhất ở Việt Nam tại thời điểm này chăng?

Trong chờ vào sự cứu trợ

Già làng Đinh Rầu nói: “A Rem nghĩa là vòm đá, mái đá. Vì người A rem ở trong hang nên gọi tên luôn đó chớ...”. Năm 1956, khi lần đầu tiên người ta phát hiện người A Rem, dân tộc này chỉ còn 18 người. Rồi vì chiến tranh, người A Rem lại chạy vào sống trong các hang đá. Bộ đội biên phòng và cán bộ huyện Bố Trạch ngày đó đã băng rừng vào hang Va, hang So Đũa và hang Bồng Cù ở sâu trong vùng rừng Phong Nha - Kẻ Bàng hàng chục cây số để vận động 18 người A Rem trong cảnh ăn lông ở lỗ ra khỏi các hang đá, nhưng hễ nghe động là từng cụm người A Rem bỏ chạy thục mạng vô rừng sâu. Năm 1982, cán bộ lại lội rừng vào thuyết phục bằng được người A Rem ra sống định canh dọc đường 20 thuộc xã Tân Trạch, nhưng 4 năm sau cả bản người A Rem bỏ trốn vào hang đá. Đến lúc bộ đội biên phòng đồn Cà Roòng 593 vô hang năm 1992 vẫn thấy người A Rem ăn mặc rách rưới và sống theo từng cụm nhỏ trong các hang đá ẩm ướt.

Khác với những lần trước, bộ đội biên phòng cắt cử từng tổ bám trụ từng hang, chia đều quần áo, gạo, thuốc và cùng ăn ở với đồng bào cho đến khi vận động được gần 98 người ra sống định cư tại bản 39.. Tại thời điểm đến năm 2004, cả bản mới có 42 hộ với 185 khẩu. Cũng năm đó, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (khi đó là ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh) tặng cho đồng bào A rem 42 ngôi nhà và đó là sự kiện đánh dấu một bước ngoặt của người A rem với việc định canh định cư, ổn định cuộc sống... 

Niềm vui nhận hàng cứu trợ của doanh nghiệp phối hợp cùng Báo NNVN

Sống định cư, người A Rem phải tập đủ thứ, tập cầm cuốc, cầm dao, tập trồng cây, học cách ăn uống đồ nấu chín, cách nuôi gia súc, học cả cách sống trong những ngôi nhà của riêng họ. Mà cũng rất khó khăn, nhiều lần cán bộ định canh định cư tỉnh Quảng Bình và chiến sĩ bộ đội biên phòng đã phải đi tìm người A Rem, vì chỉ sau một biến cố nào đó, cả bản lại bỏ trốn vào rừng, vào lại những hang đá ẩm ướt giữa rừng Phong Nha - Kẻ Bàng.

Bản A rem bây giờ nằm dọc hai bên con đường bê tông rộng rãi. Có trường học, trạm y tế, nhà cộng đồng khá khang trang. Tuy nhiên đời sống của bà con vẫn đang trong cảnh trong chờ vào sự cứu trợ của Nhà nước và các nhà hảo tâm. Trò chuyện với chúng tôi, ông Đinh Lầu- Chủ tịch UBND xã cho hay: “Tân Trạch bây giờ có 2 bản. Đó là bản A Rem có 64 hộ, 294 nhân khẩu và bản Đoòng có 7 nhà với 30 người. Đất đai để trồng cây lúa, ngô lấy cái ăn cũng khó , cũng ít lại bị con thú phá nên không được mấy...”. Bản A rem có gần 30 ha đất ven chân núi sát hai bên con khe. Nhưng mùa màng luôn bị thất bát vì thú rừng phá và người A rem cũng mới chỉ biết trồng xuống cho đến khi thu hoạch nên năng suất cũng tự mà có như cây trên rừng.

Chuyến hàng cứu trợ này, chúng tôi cũng đã dành ra 2 tấn gạo để đưa vào cứu trợ cho bà con ở bản Đoòng. Trong đợt lũ lụt, bản Đoòng đã bị lũ cuốn trôi hết 7 ngôi nhà về dưới suối. Mấy chục con bò và hàng trăm con gà của bà con cũng bị lũ cuốn trôi. Việc đưa gạo vào cứu trợ phải huy động lực lược bà con của bản cùng tham gia vì từ điểm tập kết, phải gùi gạo trên lưng đi xuyên rừng, vượt dốc trong thời gian trên 3 giờ đồng hồ mới tới được bản.

Chúng tôi vào nhà Đinh Tơn, nhà có hai vợ chồng và 4 đứa trẻ lít nhít. Ngôi nhà gần như trống, không có một thứ tài sản gì đáng giá ngoài chục bao thóc dựng sát vào vách nhà, Y Nhơ (vợ Đinh Tơn) đang cho con ăn. Cơm được nấu và đồ ra chiếc sàng đan bằng nứa lên màu nâu bóng. Thức ăn có bát muối ớt và một bát thịt lợn kho. Đám trẻ tự bốc cơm ăn, thấy người lạ vào nhà thì sợ chui hết vào góc bếp phía sau lưng mẹ. Y Nhơ khoe: “Hôm qua nó (ý nói chồng) đi rừng kiếm được giò phong lan bán được tiền nên mua được thịt cho con ăn. Còn bình thường thì ăn muối thôi. Gạo thì nhận cứu trợ nấu đó...”. Được biết, gia đình Đinh Tơn được xếp vào loại “khá giả’ nhất bản vì có nhiều thóc nhất. Mỗi năm một vụ, thu hoạch được khoảng 3 tạ thóc và ăn dè thì cũng được 2 tháng. “Lúc ăn hết gạo thì làm sao?- Chúng tôi hỏi- Y Nhơ vừa kéo con lại mâm cơm cho chũng ăn vừa trả lời: ‘Thì kêu cán bộ đói rồi và nó đi vào rừng kiếm được cái gì thì ăn cái đó...”.

Theo ông Đinh lầu thì trước đây, bản A rem được nhận khoán bảo vệ rừng theo chương trình 661. Khi đó, mỗi năm, tiền hỗ trợ từ bảo vệ rừng được hơn 100 triệu đồng và cán bộ xã mua được khoảng 10 tấn gạo về phát cho dân. Những chương trình này sẽ “khóa sổ” vào tháng 11 năm nay nên không biết đời sống người dân sẽ gặp khó khăn đến chừng nào.

Nói không ngoa, người A Rem học chậm và lâu thích ứng với các điều kiện sống, nhưng làm quen với rượu và uống rượu thì với tốc độ ngựa chạy. Đàn ông, người già uống rượu đã đành, đàn bà, con nít cũng tập uống rượu, họ uống rất khỏe và nhiều người hầu như lúc nào cũng say. Uống có thể đến bỏ cơm, bỏ làm, uống từ sáng đến khuya, uống đến kiệt sức. Ông Nguyễn Chí Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã được tăng cường từ miền xuôi lên đang thực hiện “4 cùng” với dân bản cho hay: “Chúng tôi đang thực hiện hạn chế dần việc uống rượu. Phải làm từ từ, bây giờ chỉ cho phép uống vào lúc 4 giờ chiều đến 9 giờ tối. Nếu ai vi phạm thì bị nhắc nhở, phê bình...”.

Đi tử sáng sơm, đến giữa trưa đoàn công tác của Báo NNVN và doanh nghiệp phối hợp mới đến tận nơi và mọi người khẩn trương bắt tay vào việc cấp hàng cứu trợ cho bà con. Điều đáng nói là việc phân phối hàng đều do bà con dân bản đảm nhận. Ông Nguyễn Chí Sỹ phát biểu nói rõ đoàn cứu trợ đưa 10 tấn gạo và 400 thùng mì tôm. Hôm nay phân phối cho bà con 5 tấn gạo và 200 thùng mì tôm, số còn lại sẽ bố trí trao tiếp vào cuối tháng sau. Đại diện bà con đếm, nhận đủ số hàng cứu trợ và chia dều, công bằng. Không một ý kiến thắc mắc, ai cũng hồ hởi, vui vì có cái ăn cho những ngày sắp tới...

“Muốn phát triển và ổn định cuộc sống dân bản A rem thì phải có giải pháp phù hợp về đầu tư. Chẳng hạn có thể vận động bà con nuôi động vật hoang dã (không nằm trong danh mục cấm) như heo rừng, nhím...thành hàng hóa để tăng thu nhập cho người dân...”- Bí thư Đáng ủy Nguyễn Chí Sỹ nói với chúng tôi như vậy và anh cho biết cũng đã đề xuất lên cấp trên, nhưng phải đợi...

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.