| Hotline: 0983.970.780

Bản án chưa ngay tình

Thứ Ba 23/07/2013 , 12:39 (GMT+7)

Ba năm sau một giao dịch dân sự, Cty Tân Phong bỗng trở thành “nạn nhân” bất đắc dĩ của một bản án xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản...

Ba năm sau một giao dịch dân sự, Cty Tân Phong bỗng trở thành “nạn nhân” bất đắc dĩ của một bản án xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do ông Nguyễn Đình Chiến, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty Bắc Hà gây ra.

Siêu lừa tín dụng

Ngày 14/6/2007, Cty Cổ phần Tân Phong Phú Thọ (Cty Tân Phong) kí hợp đồng với Cty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bắc Hà (Cty Bắc Hà) để huy động vốn đầu tư Dự án nhà máy sản xuất chè CTC tại Khu Công nghiệp Đồng Lạng, huyện Phù Ninh tỉnh Phú Thọ.

Theo hợp đồng, phía Cty Bắc Hà sẽ huy động cho Cty Tân Phong số vốn 2000.000 USD với điều kiện Cty Tân Phong phải chuyển 10% vốn đối ứng vào tài khoản của Cty Bắc Hà tương đương với 3,2 tỉ đồng. Thực hiện đúng nội dung của hợp đồng, Tân Phong đã chuyển 3,2 tỉ đồng vào tài khoản Bắc Hà nhưng sau một thời gian dài Cty Bắc Hà vẫn không thực hiện cam kết nên ngày 28/5/2008 hai bên đã thanh lý hợp đồng.

Ngày 4/6/2008, Cty Bắc Hà đã chuyển trả cho Cty Tân Phong số tiền xấp xỉ 3,7 tỉ đồng bao gồm tiền nợ gốc, tiền lãi và chi phí kiểm toán. Như vậy, tính đến thời điểm này toàn bộ quan hệ dân sự giữa hai Cty Tân Phong và Bắc Hà đều đã giải quyết xong theo đúng trình tự pháp luật. Mọi chuyện tưởng đến đây là chấm dứt vậy nhưng vẫn liên quan đến bản hợp đồng này, 3 năm sau, Cty Tân Phong bỗng trở thành “nạn nhân” bất đắc dĩ của một bản án xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do ông Nguyễn Đình Chiến, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty Bắc Hà gây ra.

Thì ra, với chiêu bài có khả năng huy động vốn từ ngân hàng nước ngoài, các nhà tài phiệt nước ngoài ông Nguyễn Đình Chiến đã làm giả nhiều giấy tờ của các tổ chức tín dụng trên thế giới để chiếm lòng tin của những người cần vay vốn như: Giấy bảo lãnh của Ngân hàng Barclays London ngày 10/10/2007 có số tiền 500 triệu euro, giấy hứa thanh toán nợ quốc tế ngày 26/6/2007 của Tập đoàn BaSownn Hồng Kông hứa chuyển trả 2 triệu USD, thư bảo lãnh của EuroBank với tổng số tiền 100 triệu euro...


Bản chất số tiền hơn 3 tỉ đồng mà Cty Bắc Hà chuyển cho Cty Tân Phong chính là tiền của các cổ đông Cty Tân Phong nộp đối ứng theo hóa đơn này

Cùng những văn bản của các tổ chức tín dụng uy tín trên thế giới chứng minh khả năng huy động vốn của mình, ông Chiến còn đưa ra mức lãi suất 0,5%/năm vô cùng thấp để thu hút khách hàng. Bị hấp dẫn bởi chiêu đánh bóng thương hiệu của ông Chiến nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã mắc lừa, chưa tìm hiểu cụ thể đã vội kí hợp đồng huy động vốn với Cty Bắc Hà. Đương nhiên, để được vay vốn tất cả đều phải chuyển cho ông Chiến một khoản tiền gọi là “vốn” đối ứng hoặc trả trước 1 năm tiền lãi suất huy động vốn.

Tháng 8/2007, ông Phạm Trọng Thuần, GĐ Cty ĐVD (một nạn nhân khác của Cty Bắc Hà) đã chuyển 6,4 tỉ đồng để trả lãi suất 12 tháng cho khoản vốn 20 triệu USD mà Cty ĐVD nhờ Cty Bắc Hà huy động đồng thời thế chấp thêm 12 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Chiến. Tương tự, vào tháng 5/2008, ông Nguyễn Tiến Luận, Chủ tịch HĐQT trường Đại học Nguyễn Trãi, đã kí hợp đồng hợp tác đầu tư với Cty Bắc Hà để huy động vốn 100 triệu euro trong thời gian 25 năm. Điều kiện của hợp đồng là Đại học Nguyễn Trãi phải chuyển 20 tỉ đồng cho Bắc Hà…

Sau khi nhận tiền của Cty ĐVĐ và Đại học Nguyễn Trãi, ông Chiến ngay lập tức rút hết tiền khỏi tài khoản để làm việc khác mà không thực hiện cam kết huy động vốn theo các điều khoản trong hợp đồng. Cụ thể, ngày 3/6/2008, Cty Bắc Hà nhận được số tiền 20 tỉ đồng của Đại học Nguyễn Trãi, hôm sau ông Chiến đã rút 5 tỉ đồng để trả khoản nợ vay từ tháng 2/2008 cho bà Trần Thị Thành (một chủ nợ khác của ông Chiến). Chuyển khoản xấp xỉ 3,7 tỉ đồng để trả nợ cho Cty Tân Phong; Chuyển khoản 3 tỉ đồng cho Cty CP thương mại dịch vụ chế biến nông sản để góp vốn; Chuyển khoản 553 triệu đồng để trả cho Cty CP đầu tư phát triển công nghệ điện tử viễn thông; rút 7,7 tỉ đồng cho ông Bạch Minh Sơn vay. Đối với 12 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Cty ĐVD, con trai ông Chiến là Nguyễn Đình Hùng, GĐ Điều hành Cty Bắc Hà, đã thế chấp tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương vay 80 tỉ để bổ sung vốn thực hiện dự án hợp tác đầu tư tổ hợp tòa nhà chung cư cao tầng tại số 09 phố Trần Thánh Tông, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.

Tai bay, vạ gió

Hành vi của ông Chiến vi phạm điều 139, Bộ luật Hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ở mức độ nghiêm trọng, ông Chiến bị tòa án tuyên xử tù chung thân. Tuy nhiên, trong cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, để thu hồi số tiền 20 tỉ đồng mà Đại học Nguyễn Trãi đã chuyển khoản cho Cty Bắc Hà, tòa đã buộc Cty Tân Phong, bà Trần Thị Thành, Cty CP thương mại dịch vụ chế biến nông sản, ông Bạch Minh Sơn phải hoàn trả số tiền mà ông Chiến đã chi dùng.

Quyết định của tòa án vô hình chung đã buộc Cty Tân Phong và bà Trần Thị Thành trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của vụ án. Theo bà Đinh Thị Thức, GĐ Tân Phong, thì đây là bản án chưa “ngay tình”, bởi nếu chiểu theo điều 42 của Bộ luật Hình sự thì người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra.

Nếu chiểu theo điều 138, Bộ luật Dân sự thì tài sản giao dịch là động sản không phải đăng kí quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba vẫn có hiệu lực. Như vậy, trong trường hợp này, Cty Tân Phong không phải là người phạm tội, không có bất cứ một giao dịch nào đối với Đại học Nguyễn Trãi. Việc Cty Bắc Hà giao dịch với Cty Tân Phong là một giao dịch dân sự đã thanh lý hợp đồng và không phát sinh quyền và nghĩa vụ với nhau nên không thể buộc Cty Tân Phong phải lấy tiền của mình để trả thay cho Cty Bắc Hà.

Số tiền ông Chiến trả cho Cty Tân Phong và bà Trần Thị Thành hoàn toàn không giống như việc ông Chiến chuyển khoản góp vốn với Cty CP thương mại dịch vụ chế biến nông sản hay cho ông Bạch Minh Sơn vay. Bản chất số tiền hơn 3 tỉ đồng mà Cty Bắc Hà chuyển cho Cty Tân Phong chính là tiền của các cổ đông Cty CP Tân Phong đã nộp “đối ứng” theo hợp đồng huy động vốn và được hoàn trả lại.

Bà Đinh Thị Thức cho rằng việc TAND TP Hà Nội tuyên Cty Tân Phong phải trả tiền cho Đại học Nguyễn Trãi là chưa thấu tình, đạt lý làm phức tạp thêm tình hình và gây tổn hại đến lợi ích nhiều cổ đông trong Cty Tân Phong.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất