| Hotline: 0983.970.780

Bán đảo Cà Mau: ĐX đang bất lợi

Thứ Tư 15/12/2010 , 10:21 (GMT+7)

Vụ đông xuân 2010 – 2011 khu vực bán đảo Cà Mau xuống giống trễ lịch thời vụ hơn 1 tháng so với cùng kỳ. Đây là điều hoàn toàn bất lợi...

Thi công ngăn mặn
Vụ đông xuân 2010 – 2011 khu vực bán đảo Cà Mau xuống giống trễ lịch thời vụ hơn 1 tháng so với cùng kỳ. Đây là điều hoàn toàn bất lợi vì ngay lúc lúa trổ cũng là thời điểm nước mặn xâm nhập.

Ông Nguyễn Văn Chánh, ấp 17, xã Phong Tân, huyện Giá Rai, Bạc Liêu canh tác trên 2 ha lúa đông xuân đang rất lo lắng: Đã 30 năm sống trên mảnh đất này chưa thấy năm nào nước nông đồng như năm nay. Mọi năm lúc này đã xuống, còn năm nay thì chưa, trễ thời vụ hơn 1 tháng rồi và với đà này đến khi lúa trổ gặp phải nước mặn bao vây, khô hạn là chết chắc. Gần bên, ông Trần Văn Nghĩa, thuê 6 ha để sản xuất vụ đông xuân cũng rơi vào tình trạng trễ vụ đang rất lo sợ nước mặn và khô hạn bao vây.

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi Bạc Liêu cho biết: Tổng cục Thủy lợi dự báo xâm nhập mặn 2011, khu vực ĐBSCL sẽ diễn ra sớm và sâu hơn những năm trước. Và nếu đúng như dự báo thì việc chủ động kiểm soát, quản lý tốt hệ thống thủy lợi ngăn mặn là chủ điểm. Năm trước triều cường ngày mùng 1 tết đã đẩy nước mặn vào nội đồng và liên tiếp tấn công sâu về đến kênh Năm Kiệu và Nàng Rền thuộc địa phận huyện Ngã Năm, Sóc Trăng. Nguyên nhân, do hệ thống thủy lợi ngăn mặn từ phía Cà Mau chưa được khép kín.

Từ thực tế đó, năm nay Bạc Liêu đã chủ động triển khai 48 đập tạm thời vụ, Ban quản lý thủy lợi 10 đang thi công 9 công trình đập phân ranh mặn ngọt. Tuy nhiên, cái khó của địa phương cần Ban quản lý thủy lợi 10 giúp nhanh là: “Duy tu sửa chữa các cửa cống ngăn mặn của 22 công trình lớn đã xuống cấp trầm trọng, có thể xảy ra sự cố bất kỳ lúc nào”. Điển hình như cống Hộ Phòng, cống Cầu Sập, cống Giá Rai, cống Láng Trâm… hoạt động từ năm 1998 đến nay nên nhiều cách cửa đã bị gỉ sét, nước mặn đã rò rỉ vào với khối lượng rất lớn.

Hiện tại, Bộ NN – PTNT cũng đã ghi vốn 176 tỷ đồng để duy tu sửa chữa. Địa phương đã đề nghị với Ban quản lý thủy lợi 10 nên chỉ định thầu để sớm thi công cấp bách trước mùa khô, mùa xâm nhập mặn 2010 tránh sự cố đáng tiếc xảy ra. Tuy nhiên, mùa xâm nhập mặn đã cận kề nhưng đến nay Ban quản lý dự án 10 chỉ mới hoàn thành khâu khảo sát. Đây là điều mà địa phương rất lo, nếu một trong các cửa cống xuống cấp xảy ra sự cố thì sẽ gây thiệt hại lớn cho nông dân.

Ngoài ra, Bạc Liêu đang kỳ vọng vào 9 cái đập phân ranh mặn ngọt từ phía Sóc Trăng hoàn thành đúng kế hoạch và đưa vào vận hành trước mùa khô 2011 không chỉ giúp nông dân Sóc Trăng mà còn giúp nông dân Bạc Liêu hưởng lợi. Năm trước, tỉnh phải rót 13 tỷ đồng để đắp 51 đập thời vụ dọc sông Ninh Quới để ngăn mặn từ phía Sóc Trăng tràn xuống. Tuy nhiên, khi hệ thống phân ranh mặn ngọt hoàn thành thì Bộ NN – PTNT cần sớm thành lập Ban điều tiết nước ngọt liên tỉnh trong việc vận hành hệ thống giữa các tỉnh để cùng nhau giải quyết các mâu thuẫn lợi ích giữa các tỉnh. Xem xét đầu tư xây dựng công trình kênh dẫn nước ngọt từ Sóc Trăng về Bạc Liêu để phục vụ cho sản xuất lúa vụ 3. Cần đầu tư xây dựng mạng quan trắc nước (SCANDA) để địa phương hiện đại hóa trong công tác quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, tránh tốn kém về sức người, tiền nhưng hiệu quả mang lại không cao như thời gian vừa qua.

Vùng giáp vùng giáp ranh mặn ngọt với Bạc Liêu là Sóc Trăng cũng không ít nỗi lo. Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Trưởng phòng NN – PTNT huyện Ngã Năm, Sóc Trăng cho biết: Địa phương đã 2 lần thay đổi lịch thời vụ nhưng đến nay nông dân vẫn chưa xuống giống được vì nước còn nông đồng. Đây là điều mà địa phương đang rất lo là vì hằng năm vào 28 tết âm lịch là thời điểm nước mặn lăm le, cao điểm triều cường từ sau tết. Ngay thời điểm đó lúa đang trổ nếu bị nước mặn xâm nhập thì lúa sẽ bị trổ cờ trắng.

 Ngoài ra, địa phương đang rất lo là tiến độ thi công 9 công trình ngăn mặn đến nay vẫn chưa hoàn thành hết. Hiện tại, cống kênh Út Sáng, kênh Chiến Lũy, kênh Năm Kiệu, kênh Kinh Mới chỉ mới dìm cống, còn kênh Nàng Rềnh, Cống Đá, Bà Chè thì đang chuẩn bị lai vách. Nếu hệ thống thủy lợi này vận hành chậm hơn nước mặn về sẽ rất nguy hiểm. Hệ thống này khép kín sẽ bảo vệ 6.000 ha đất sản xuất lúa. Phía đơn vị thi công cũng cam kết với huyện, nếu nước mặn về các công trình chưa hoàn thành sẽ đắp đập tạm để ngăn mặn.

Ngoài ra, địa phương tiếp tục lo là việc điều tiết nước mặn từ phía Bạc Liêu để phục vụ cho vùng sản xuất lúa tôm “mạnh tay” thì ít hay nhiều cũng gây ảnh hưởng đến việc nước mặn xâm nhập sâu. Qua khảo sát thực tế, cho đến thời điểm này, nông dân giáp ranh mặn ngọt phía bờ Bạc Liêu vẫn chưa tính đến việc làm đồng xuống giống đông xuân. Có nhiều khả năng nông dân không sản xuất lúa mà chuyển sang nuôi tôm do tôm có giá quá cao. Trước nhu cầu chuyển đổi tăng, nếu không khéo điều tiết nước thì sẽ khó tránh khỏi tình trạng nước mặn về đến thị trấn Ngã Năm và vào con kênh Ngã Năm - Thạnh Trị là hết sức nguy hiểm. Đây là điều phải cảnh báo vì mùa xâm nhập mặn vừa qua nước mặn đã về thị trấn Ngã Năm.

Địa phương đang lên kế hoạch sẵn sàng ứng phó, nếu sự cố đáng tiếc là nước mặn tràn sâu như năm trước thì sẽ đắp ngay đập thời vụ ngăn mặn dọc theo kênh Ngã Năm – Thạnh Trị đồng thời triển khai nạo vét toàn bộ hệ thống thủy lợi để trữ nước ngọt. Tuy nhiên, để dự phòng kịp thời, phía địa phương rất cần tỉnh, Bộ NN – PTNT hỗ trợ vốn để kịp thời ứng phó khi xảy ra tình huống đáng tiếc.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất