| Hotline: 0983.970.780

Bán đất lúa, ven đường mới có giá

Thứ Ba 27/07/2010 , 09:06 (GMT+7)

Lấy đất “bờ xôi ruộng mật” làm công nghiệp đã là một vấn nạn, nhưng ít ra cũng vì mục đích phát triển kinh tế. Bây giờ phát triển nông thôn mới lấy đất lúa bán làm đất ở thì người dân biết lấy gì SX.

Người dân Mai Đình ngơ ngác trước ý định bán đất sản xuất của dân xây dựng nông thôn mới

Lấy  đất “bờ xôi ruộng mật”  làm công nghiệp đã là một vấn nạn, nhưng ít  ra cũng vì mục đích phát triển kinh tế. Bây giờ phát triển NTM lấy đất lúa bán làm đất ở thì người dân biết lấy gì SX.

>> Bán đất xây dựng nông thôn mới: Nên hay không?

Bán đất nông nghiệp- dễ nhất

Có  một điểm chung là, khi các xã lên kế hoạch bán đất để xây dựng NTM, xã nào cũng chọn đất trồng lúa ven quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, hoặc chí ít cũng phải trục giao thông chính của xã.

Chả thế mà, khi lãnh đạo xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) chỉ cho tôi đất dự tính bán ở ven QL3 và đường 31 đi sân bay Nội Bài hiện vẫn đang là những cánh đồng lúa rộng mênh mông của dân…Và, nếu theo đúng tính toán của xã Mai Đình thì khu đất này sẽ được đấu giá, sang năm giữa cánh đồng sẽ mọc lên một khu dân cư hoặc bỏ hoang do những tay đầu cơ mua để đấy.

Theo số liệu mà chúng tôi nắm được, tại xã Mai Đình còn không ít đất xen kẹt hoặc bỏ hoang. Thực tế, mấy năm vừa qua, TP Hà Nội đã có chủ trương bán đấu giá loại đất này để lại cho ngân sách xã 50% xây dựng cơ sở hạ tầng. Bây giờ TP lại khuyến khích bằng cách bán được bao nhiêu tiền để lại ngân sách xã hết. Vậy nhưng, xã Mai Đình vẫn không muốn bán loại đất này mà bán đất trồng lúa. Lãnh đạo UBND xã Mai Đình lý giải rằng trước đây được bán đất xen kẹt, nhưng giá không bao nhiêu. Trong khi số tiền ngân sách xã đóng góp vào chương trình lên tới trên 40 tỉ đồng. Vì vậy phải bám đường giao thông, bám KCN mà bán đất thì mới được nhiều tiền.

Vị Chủ tịch xã Mai Đình, Lê Đăng Minh tính toán: Nếu bán đất gần làng, nằm trong khu dân cư, tiện cho dân nhiều thứ nhưng chỉ được 1- 1,5 triệu đồng/m2 là cùng. Trong khi đó, theo quy định thì phải làm hạ tầng, GPMB, tổng số tiền chi ra đã mất cả triệu đồng/m2 rồi thì xã thu đáng bao nhiêu. Vì vậy phải bán đất ven QL 3, đường 31. GPMB, đền bù cho dân và xây dựng hạ tầng hết khoảng 1,5 triệu/m2 trong khi bán được 4-5 triệu đồng/m2. Xã được cắt lại 80% thì mới có nguồn thu. Mới đủ tiền đóng góp.

Khi được hỏi lấy đất lúa mang ra bán đấu giá làm đất thổ cư liệu có vi phạm quy hoạch sử dụng đất lúa không? Ông Minh trả lời tỉnh khô: “Ở đây, Nhà nước chưa có quy hoạch cứng đất trồng lúa. Khu vực ven QL3 và đường 31 có quy hoạch KCN, tuy nhiên vẫn còn đất để bán. Miễn là đất mình bán không dính vào quy hoạch là được". Lại hỏi: Liệu dân có đồng ý cho thu hồi không? Ông Minh khẳng định: “Dân bán ngay. Người dân chỉ mong được nhà nước thu hồi để nhận 250 triệu/sào. Số tiền này SXNN phải mất 200 năm".

Tôi mang những ý kiến có vẻ rất thuyết phục trên hỏi dân, dân không khỏi bực tức. “Vấn đề không phải mất mấy đời tôi mới kiếm ra được 200 triệu đồng, mà vấn đề là chúng tôi phải có cái ăn để tồn tại đã. Trên  200 triệu đồng có đủ cho tôi ăn trong vòng 200 năm không? Mất ruộng, những gia đình có người có sức khỏe còn đi làm thuê được, chúng tôi thì làm gì để sống?” – một người dân thắc mắc.

Trong khi đó, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội) lại dự định lấy hẳn đất 2 vụ múa + 1 màu của dân. Dân bảo, dù giá trị còn thấp, nhưng ruộng vẫn giải quyết được lao động, và vẫn phải bám lấy nó để có gạo ăn, có khoản chi tiêu lúc ốm đau, bệnh tật. Thế  nhưng, PCT UBND xã Song Phượng Tạ Quang Thượng nói toạc ra: “Thu hồi đất nông nghiệp ở đây giờ đơn giản lắm. Mong muốn của họ chỉ là được cấp một suất đất dịch vụ nếu bị thu hồi nhiều. Xã tôi có nhiều chỗ có thể bán, nhưng chỉ có đất ở thôn Tháp Thượng, gần trung tâm huyện, gần QL2 thì mới được giá cao thôi. Chúng tôi đã quyết định chọn chỗ đó”. 

Khu đất đã đấu giá tại xã Song Phương chỉ có mấy ngôi nhà được xây 

Sẽ hết đất SX?

Dân bán ngay. Người dân chỉ  mong được nhà nước thu hồi thôi vì SXNN ở đây đạt giá  trị thấp lắm. Với giá  đền bù theo NĐ69, thì đất lúa loại 1 của dân  đã tăng từ trên 60 triệu lên khoảng 250 triệu/sào. Số tiền này người dân trồng lúa phải mất 200 năm mới thu được. Người dân nào biết hạch toán như thế thì chả dại gì mà không bán đất.Chủ tịch UBND xã Mai Đình Lê Đăng Minh
Năm ngoái, xã Song Phượng được đấu giá  167 suất đất, tương đương trên 2 ha được thu hồi từ đất 2 lúa + 1 màu của dân thôn Tháp Thượng. Theo lãnh đạo thôn Tháp Thượng đến nay thôn này còn khoảng 20 ha đất. Nhưng xã dự tính sẽ thu hồi tiếp khoảng 1,5- 2 ha nữa để đấu giá. Cho đến thời điểm này, trong tổng số 167 suất đã được đấu giá để xây nhà ở, mới có 4 hộ đang xây nhà. Còn lại để cỏ mọc um tùm. Trưởng thôn Tháp Thượng Bùi Văn Trường lo lắng: “Thôn tôi có khoảng hơn 200/tổng số 400 lao động thuộc loại dở dở ương ương, không nghề ngỗng, không học hành. Bây giờ thu hồi đất thì dân lo lắm. Thu hồi đất nhà nước có trả đất đâu, mất hẳn chỉ có tiền đền bù thôi”.

Theo như lời lãnh đạo xã Song Phượng thì đến thời điểm này quỹ đất của xã còn 120 ha, trong đó trồng lúa 70, còn lại làm VAC và  đất trồng màu. “Tuy nhiên, hiện đang có dự  tính quy hoạch khu đô thị ở đây, sát đường vành đai 4. Mặt khác, một DN của Hà Nội cũng có ý định thuê 30 ha đất của cả 4 thôn nằm ven sông Đáy để làm nông nghiệp công nghệ cao. Nếu những dự án trên được duyệt và xã Song Phương vẫn tiếp tục đấu giá đất thì coi như Song Phượng sẽ hết đất sản xuất”- một lãnh đạo xã Song Phượng cho biết. Còn tại xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, lãnh đạo xã cũng khẳng định diện tích nông nghiệp sẽ chỉ  còn 30% vào năm 2015. Và mô hình SX nào, làm cái gì để nâng cao thu nhập cho người dân lãnh đạo xã vẫn chỉ dừng lại ở việc: “Thu hồi đất của dân cần quan tâm đến đào tạo nghề”. 

Lo lắng không chỉ có nguy cơ hết đất sản xuất mà ở đây còn hình thành những khu dân cư, người dân tạm đặt là “khu dân cư xôi đỗ” bởi cách tính khôn ngoan của các xã là bán đất “bờ xôi ruộng mật của dân” gần ở đường QL để được giá cao nhất.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.