| Hotline: 0983.970.780

Bán đất tăng thêm, “hô biến” mục đích sử dụng của dự án

Thứ Sáu 01/06/2012 , 09:46 (GMT+7)

Thay vì làm đúng như quy định của Luật Đất đai, Nghị định 69 về quản lý đất đai, lãnh đạo nhiều địa phương đã “vận dụng triệt để” những kẽ hở để thu hồi đất sai luật. Điều này đã nảy sinh nhiều khiếu kiện trong dân.

Thay vì làm đúng như quy định của Luật Đất đai, Nghị định 69 về quản lý đất đai, lãnh đạo nhiều địa phương đã “vận dụng triệt để” những kẽ hở để thu hồi đất sai luật. Điều này đã nảy sinh nhiều khiếu kiện trong dân.

>> Đánh tỉa, đánh úp, đánh hội đồng…
>> ''Quái chiêu'' chia chác đất dự án
>> Bao án kỷ luật đầy oan ức
>> Những “quái chiêu” thu hồi đất

“Nghị quyết bán đất” của… chi bộ thôn

Thôn Mao Trung, xã Phượng Mao (Quế Võ, Bắc Ninh) nằm ngay sát thị trấn Quế Võ. Đi trong thôn, khó ai phân biệt đâu là đất thị trấn, đâu là đất làng, bởi thôn được quy hoạch tương đối hiện đại, nhất là những khu đất mới. Đường ngang ngõ dọc chằng chịt. Tuy nhiên, trên những con đường đó vắng bặt bóng người. Có lẽ, việc những con đường trên được mở hiện giờ chỉ có tác dụng làm đẹp thêm những thửa đất mà người ta đã cắt suất, chia lô.

Quyết định thu hồi đất nông nghiệp của người dân thôn Mao Trung để phục vụ việc giao cấp đất giãn dân “xuất hiện” từ năm 2004. Theo quyết định này, UBND huyện Quế Võ xét đề nghị của UBND xã Phượng Mao, chấp thuận thu hồi 66.664m2 đất thuộc thôn Mao Trung để giao cho người dân làm đất ở. Tuy nhiên, quyết định trên đã không được thi hành nghiêm túc. Theo đó, có tới 69.330m2 đất bị thu hồi, chủ yếu là đất ruộng. Ngoài ra, cơ cấu diện tích đất phục vụ cho việc giãn dân cũng tăng hơn quyết định của huyện là 3.964m2. Như vậy, với việc thu hồi vượt hạn mức như trên thì toàn bộ diện tích ruộng của người dân đã bị “xoá sổ” hoàn toàn.

Theo Quyết định 2293/QĐ-CT của UBND huyện Quế Võ, UBND xã Phượng Mao có trách nhiệm giao đất tới từng hộ và thu, nộp tiền sử dụng đất, tiền đền bù đất của các hộ dân theo quy định. Cụ thể, UBND xã Phượng Mao có trách nhiệm thu tiền trước khi giao đất cho dân với mức thu là 168 nghìn đồng/m2. Quy định rõ ràng là vậy nhưng UBND xã Phượng Mao lại chỉ đạo thôn Mao Trung làm theo cách khác.

Cụ thể, tháng 4/2005, chi bộ thôn Mao Trung do ông Nguyễn Tiến Hùng làm Bí thư đã có cuộc họp và đưa ra “nghị quyết” sai lệch hẳn với quyết định của huyện. Chắc chắn đây là một “nghị quyết” có một không hai bởi nó chẳng dựa trên bất cứ một văn bản pháp luật nào. “Nghị quyết” này nêu rõ, đất dãn dân được chia theo suất, mỗi suất từ 80-90m2 và được chia làm 3 loại, gồm: Đất giá cao (bán ra ngoài), đất dành cho những hộ sản xuất nông nghiệp, đất cho những hộ phi nông nghiệp. Từ phân loại trên, chi bộ quyết định đất giá cao có giá là 85 triệu đồng/suất. Đất dành cho hộ nông nghiệp có giá 15 triệu đồng/suất. Đất cho hộ phi nông nghiệp, hưu trí là 65 triệu đồng/suất.

Cũng theo “nghị quyết” này, chi bộ thôn đã quyết định bán 62 lô đất giá cao (tương đương hơn 5,2 tỷ đồng) để phục vụ mục đích “làm luật” và bán một số lô đất giá cao khác (chưa rõ là bao nhiêu lô) với mục đích để giảm tải sự đóng góp cho người dân, trả tiền chi phí giao dịch và để... tạo kinh phí hoạt động.


Sự mập mờ trong vận dụng luật của chính quyền đang khiến cho tình trạng khiếu kiện của nhân dân ngày càng nhiều

Chi bộ thôn thì “căn cứ chỉ đạo của UBND xã” ra những “nghị quyết” bán đất có một không hai, còn xã cũng không chịu thua kém về mặt sản sinh những nghị quyết khó hiểu khác. “Nghị quyết 3 thường trực” (Thường trực Đảng ủy – HĐND – UBND) là một ví dụ điển hình. Nội dung nghị quyết có đoạn: “Để lấy kinh phí đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng của thôn và trong khu vực dãn dân của xã và thôn, 3 thường trực thống nhất giao cho UBND xã cùng cơ sở thôn Mao Trung tổ chức bán giá cao các lô đất thuộc khu vực Trại Hà, cấp III, 6 đầu vùng thôn Mao Trung...”.

Thế là, từ những “nghị quyết” của thôn, xã, diện tích đất nông nghiệp của thôn Mao Trung biến mất, thay vào đó là những lô, những thửa đất thổ cư được quy hoạch “gọn gàng”.

Biến dự án kinh doanh thành dự án phi lợi nhuận

Câu chuyện khiếu nại của 7 hộ dân thôn I, xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) bắt đầu từ tháng 9/2010 đến nay vẫn chưa có hồi kết khi UBND xã Thiệu Đô và huyện Thiệu Hóa họp người dân để thông báo việc xây dựng Bệnh viện Đa khoa tư nhân Đại An với giá tiền đền bù đất là 50 triệu đồng/sào (500m2). Người dân cho rằng, giá đền bù này là quá rẻ, và đề nghị UBND huyện xem xét lại.

Dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa tư nhân Đại An có tổng diện tích 2,5 ha, tổng mức đầu tư 296 tỷ đồng, trong đó tiền dành cho đền bù, GPMB chỉ vỏn vẹn 3,3 tỷ đồng. 105 hộ dân nằm trong diện thu hồi đất để làm dự án, 98 hộ dân đã nhận tiền đề bù, trong đó hộ cao nhất nhận khoảng 60 triệu đồng, còn lại đa số nhận 20-30 triệu đồng. Đổi lại, họ mất hết đất sản xuất.

Theo người dân nơi đây, trong trường hợp xây dựng bệnh viện này, đất của người dân không thuộc diện thu hồi của Nhà nước, nên chủ đầu tư phải thỏa thuận giá với người dân chứ không phải là chính quyền định giá và thu hồi. “Đất không thuộc diện thu hồi của Nhà nước thì UBND các cấp không được ra quyết định, hoặc sử dụng các biện pháp hành chính phù hợp với quy định của pháp luật để can thiệp vào thỏa thuận giữa DN và người sử dụng đất”, một nông dân cho biết.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa kiêm Chủ tịch HĐ bồi thường, GPMB dự án, ông Lê Xuân Đào, đã viện dẫn Nghị định 69, trong đó có điều khoản thực hiện chính sách xã hội hóa, ưu tiên các lĩnh vực y tế, giáo dục, TDTT… để khẳng định việc thu hồi đất của địa phương là đúng pháp luật. “Công trình này là công trình phúc lợi trong lĩnh vực y tế. Do đó, đất này là Nhà nước thu hồi chứ không phải thỏa thuận với dân”, ông Lê Xuân Đào phân tích.

GS Đặng Hùng Võ, chuyên gia kinh tế, nhận xét, thực chất nhiều địa phương đang lách các quy định của Luật Đất đai và Nghị định 69 trong việc thu hồi đất. Sự mập mờ trong vận dụng luật đang khiến cho câu chuyện thu hồi đất ở nhiều tỉnh, TP ngày càng trở nên phức tạp. Từ đó nảy sinh khiếu kiện của người dân.
Trên thực tế, trao đổi với PV NNVN, luật sư Trần Hữu Huỳnh, Phó TTK Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, cho rằng, Nhà nước thu hồi đối với những lĩnh vực ưu tiên xã hội hóa như y tế, văn hóa… Tuy nhiên, riêng đối với dự án Bệnh viện Đại An thì lại khác. Ông Huỳnh phân tích, cho dù đây là dự án bệnh viện, nhưng của tư nhân, và nó không mang tính phục vụ cộng đồng mà chỉ đơn thuần thực hiện mục tiêu lợi nhuận. Do vậy, không thể xếp dự án này vào danh mục những dự án được Nhà nước ưu tiên và đứng ra thu hồi đất.

Ngoài ra, dự án Bệnh viện Đại An còn không nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai của địa phương giai đoạn 2010 – 2015. Chính ông Lê Đình Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định, dự án Bệnh viện Đa khoa tư nhân Đại An tại xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa không nằm trong quy hoạch sử dụng đất của huyện Thiệu Hóa và kế hoạch sử dụng đất của xã Thiệu Đô được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Không có trong quy hoạch, nhưng tháng 9/2010, dự án này vẫn được triển khai GPMB. Một điều lạ là tận 3 tháng sau đó, đến tháng 12/2010, UBND huyện Thiệu Hóa mới ký quyết định bổ sung quy hoạch. Chính đại diện UBND xã Thiệu Đô và huyện Thiệu Hóa cũng đã thừa nhận điều này. Ông Hoàng Huy Cảnh, Chủ tịch UBND xã Thiệu Đô nói: “Khi thực hiện dự án này, diện tích đất bị thu hồi chưa nằm trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2010 - 2015”. Tuy nhiên, ông Lê Viết Đào thì cho rằng, sau khi DN xin thực hiện dự án, UBND tỉnh đã có văn bản cho phép huyện bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất 2011 – 2020. (Hết)

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.