| Hotline: 0983.970.780

Bán đất xây dựng nông thôn mới: NÊN HAY KHÔNG?

Thứ Sáu 30/07/2010 , 12:50 (GMT+7)

Ông Tăng Minh Lộc – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT: “Bán đất xây dựng nông thôn mới chẳng khác nào biến Chương trình MTQG thành dự án đầu tư”

Ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT cho rằng: “Việc TP Hà Nội cho phép bán đất lấy tiền xây dựng NTM thì chẳng khác nào biến Đề án Xây dựng NTM của các xã thành một dự án đầu tư”. Cách làm này của Hà Nội khác cách làm của TƯ.

 

 Hà Nội xây dựng NTM bằng nội lực?

 Thưa ông, chúng ta từng thí điểm xây dựng NTM theo mô hình cấp xã và cấp thôn bản, bây giờ xây dựng NTM đã nâng tầm thành Chương trình MTQG. Vậy lần này có gì khác trước?

 Từ kinh nghiệm thành công và chưa thành công của 2 lần thử nghiệm: cấp xã 2000-2003, cấp thôn bản 2007-2009 và các điểm sáng về xây dựng NTM đã có trên địa bàn cả nước, kết hợp với nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước nhất là Hàn Quốc, Trung Quốc… các cơ quan tham mưu đã đề xuất với TƯ: khẳng định lấy xã làm địa bàn thực hiện là phù hợp; xã NTM phải có tiêu chí và mỗi tiêu chí phải có các chuẩn mực do nhà nước thống nhất quy định; phải kế thừa cơ sở vật chất đã có; phải coi người dân là chủ thể trong xây dựng NTM; nhà nước chỉ định hướng, ban hành các quy chuẩn có chính sách hỗ trợ, có cơ chế thực thi chính sách tốt nhất và hướng dẫn cho xã cách làm chứ không trực tiếp đầu tư làm thay. Đó là những nguyên tắc chính trong Chương trình MTQG xây dựng NTM lần này và đó cũng là điểm khác biệt so với cách làm trước đây.

 Nghĩa là có điểm khác trước: lấy người dân làm “chủ thể”, vậy vai trò “chủ thể” được thể hiện như thế nào?

 Nói vắn tắt thì thể hiện ở các điểm chính như: tham gia ý kiến vào quy hoạch nông thôn mới của xã vào bản kế hoạch (đề án) xây dựng NTM theo 19 tiêu chí của xã; quyết định lựa chọn việc gì làm trước, việc gì làm sau thiết thực, hiệu quả nhất với nhu cầu người dân trong xã; quyết định mức đóng góp công, tiền vào xây dựng các công trình công cộng của địa phương; tự giác chủ động chỉnh trang nơi ăn, chốn ở của mình theo tiêu chuẩn NTM như: xây dựng đủ các chương trình vệ sinh, bố trí khu chăn nuôi hợp vệ sinh, cải tạo ao, vườn để có thu nhập và có cảnh quan đẹp; cải tạo ngõ, tường rào cho phong quang đẹp đẽ…

Tóm lại là không thể có NTM nếu hạ tầng công cộng hiện đại mà nhà ở, vườn tược của các hộ xập xệ, hoang tàn…, chủ thể còn ở chỗ người dân phải học tập, nâng cao kiến thức sản xuất, áp dụng kỹ thuật, cách quản lý mới vào sản xuất để có hiệu quả hơn, thu nhập tăng hơn…bởi không thể có NTM nếu lao động nông thôn còn thiếu việc làm, đời sống, thu nhập thấp…Những thứ trên mà tính ra tiền thì rất lớn, đó chính là nội lực của người dân cho xây dựng NTM.

 Vậy đó là một quy trình dài và xây dựng NTM không thể trong một ngày hoặc một năm được?

Đúng vậy. Xây dựng NTM không chỉ có hạ tầng mà phải chuyển người dân chúng ta từ người sản xuất nhỏ, manh mún thành người nông dân sản xuất hàng hóa. Từ chỗ thu nhập thấp thành có cuộc sống sung túc; từ chỗ xây dựng tùy tiện, hủy hoại môi trường thành có ý thức sản xuất xây dựng theo quy hoạch, biết bảo vệ và phát triển môi trường xanh - sạch - đẹp; có ý thức bảo vệ văn hoá dân tộc, nâng cao dân trí cộng đồng...thường đó là việc khó, khó nhất trong quá trình xây dựng NTM. Vì không thể một sớm một chiều, chỉ khi nào người dân hiểu rõ mục tiêu nội dung, cách làm xây dựng NTM thì họ mới "đứng lên" tự giác thamgia... thì việc NTM mới bền vững.

 Nói như vậy thì có vẻ như nhiều nơi, ngay cán bộ lãnh đạo cũng chưa hiểu rõ nội lực là gì?

 Đáng tiếc là đúng như vậy. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới. Chương trình mục tiêu QG xây dựng NTM là một chính sách PTNT toàn diện đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và phải làm lâu dài. Vì vậy, rất cần phải tổ chức học tập, nghiên cứu, trước hết là cho đội ngũ cán bộ chỉ đạo ở các địa phương để hiểu đầy đủ và thống nhất hành động.

 Yêu cầu vấn đề xây dựng NTM là rất lớn. Tại 11 xã điểm mà Ban Bí thư chỉ đạo, mỗi xã đều có đề án yêu cầu có cả trăm tỉ đồng. Vậy lấy ở đâu ra? Có phải bán đất không?

 Đúng là qua khảo sát ở 11 xã điểm (đều là các xã trung bình trở lên của mỗi tỉnh) thì để thực hiện đủ 19 tiêu chí NTM phải cần bình quân 154 tỉ đồng/xã. Tuy nhiên đấy là tổng nhu cầu mà vốn xây dựng NTM phải từ nhiều nguồn. Lúc đầu dự kiến vốn dân góp không quá 10%, tín dụng khoảng 25-30%, DN đầu tư khoảng 20%, vốn nhà nước 40-45%. Đến nay sau hơn 1 năm triển khai, mỗi xã đều có ít nhất 4-5 công trình xây dựng hoặc sản xuất được thực hiện, có nơi tới 12 hạng mục công việc. Vốn dân tham gia, tính chưa đầy đủ, khoảng 18-20%. Chưa thấy xã nào có chủ trương bán đất lấy tiền xây dựng NTM.

 Chỉ bán đất không thể là nội lực

 Vừa qua Hà Nội có chủ trương bán đất lấy vốn xây dựng NTM, có quan điểm cho rằng bán đất cũng là nội lực, quan điểm của ông thế nào?

 Đó không thể là nội lực. Đó là vốn ngân sách nhà nước để lại cho địa phương. Về quan điểm bán đất lấy vốn xây dựng NTM của Hà Nội thì tôi không rõ lắm nhưng với quan điểm xây dựng NTM phải lấy nội lực làm gốc. NTM không chỉ có hạ tầng thì cách làm của Hà Nội không phù hợp với quan điểm chỉ đạo của nhà nước. Tôi lấy ví dụ: Anh có một đứa con mới thành niên và anh có 5 tỉ đồng. Anh nghĩ mình làm là để cho con cái vậy nên tuy nó vừa mới lớn nhưng anh sắp cho nó đủ thứ từ điện thoại di động xịn đến ô tô... để cho nó vào đời được thuận lợi. Nhưng một ông bố khác cũng có điều kiện tương tự nhưng phải lại bắt con phải học tập chuyên cần, phải biết làm mọi thứ việc nhà. Ăn mặc, sắm sửa phải hoà đồng với xã hội chung. Tiền để dành chỉ sử dụng khi có việc lớn. Hai cách tư duy và xử sự đó chúng ta chọn cách nào?

 Đây dựng NTM với tư tưởng dựa vào nội lực cộng đồng để người dân và các thành phần kinh tế khác tham gia. Tạo ra sự chuyển biến xã hội sâu sắc, nếu chỉ sử dụng tiền bán đất đầu tư thì chẳng khác nào biến đề án xây dựng NTM thành một dự án đầu tư. Có thể sớm có được cái "vỏ vật chất" nhưng sẽ khó phát triển bền vững.

 Nhưng QĐ 800/QĐ-TTg cũng cho phép các địa phương được tạo nguồn vốn từ đấu giá QSD đất. Theo đó xã sẽ nhận 70% số tiền này để lại xây dựng NTM. Vậy việc bán đất mà Hà Nội làm là đúng luật?

 Cũng cần nói rõ là bán đất nào? Xây dựng NTM bắt buộc các xã phải lập quy hoạch KT-XH đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trong đó quan trọng nhất là quy hoạch sử dụng đất. Phải xác định rõ đất dành cho phát triển dân cư; đất cho sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp; đất cho sản xuất công nghiêp - dịch vụ và các hạ tầng khác. Phải có căn cứ tính toán cụ thể chứ không thể vẽ tuỳ tiện.

 Đấu giá QSD đất đối với đất quy hoạch dân cư và đất thổ cư xen kẹp chưa sử dụng, trước đây tiền thu được thường nộp về ngân sách cấp trên, ngân sách xã chỉ được hưởng một phần nhỏ, nếu thiếu thì phải xin cấp trên với thủ tục rườm rà. Nay Chính phủ cho phép để lại cho xã tỉ lệ nhiều là muốn để xã chủ động, thuận lợi cho sử dụng vốn xây dựng NTM. Tuy nhiên mỗi địa phươngcó thể có quy định phù hợp.

 Tuy nhiên phải quy định rõ loại đất được đấu giá QSD đất nếu không dễ bị lợi dụng - người ta có thể bán đất bừa phứa, chọn nơi được giá để bán mà không theo quy hoạch nào, có thể bán tràn lan cả đất sản xuất nữa miễn là đủ "chỉ tiêu" xây dựng NTM.

 Mục tiêu xây dựng NTM của chúng ta sẽ dễ bị biến dạng?

 Ông có e ngại rằng nhiều địa phương trong cả nước có bán đất xây dựng NTM như Hà Nội?

 Dễ lắm. Trước đây có thời kỳ đua nhau bán đất làm hạ tầng, có huyện đưa ra thành chủ trương nhưng khi thực thi đã xảy ra nhiều tiêu cực - đó là nguyên nhân chính gây ra khiếu kiện, gây mất ổn định nông thôn. Đã nhiều cán bộ lãnh đạo địa phương bị kỷ luật, thậm chí cả tập thể. Sau đó các địa phương đều chấn chỉnh nhưng vẫn là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều tiêu cực với hệ luỵ khó lường.

 Như ở Hà Nội - có thể có hệ luỵ nào không, thưa ông?

 Thị trường đất sẽ rất dễ bị giới đầu tư chi phối; Do đất đã giao cho dân cư rồi nên khi bán sẽ có nhiều tranh chấp giữa người dân và người quản lý. Trong điều kiện cơ chế quản lý của chúng ta như hiện nay rất dễ xảy ra tiêu cực; Đất sản xuất sẽ bị thu hẹp và số người không có việc làm sẽ tăng lên và đó là nguyên nhân lớn gây ra nhiều hệ luỵ khác; Mặt bất lợi lớn nhất là: Nó tạo sức ì cho người dân. Tạo tâm lý chỉ chờ bán đất, chờ "ngoại lực" trời cho. Mục tiêu xây dựng NTM của chúng ta sẽ dễ bị biến dạng.

 Xin cảm ơn ông.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm