| Hotline: 0983.970.780

Bản đồ dịch heo tai xanh ĐBSCL: 12/13 tỉnh có dịch

Thứ Ba 31/08/2010 , 09:17 (GMT+7)

Theo báo cáo mới nhất từ các tỉnh ĐBSCL thì dịch heo tai xanh đã lan ra 12/13 tỉnh trong vùng. Mầm bệnh có ở khắp mọi nơi, dịch có thể nổ ra bất cứ đâu.

* Xuất hiện dấu hiệu thiếu thịt heo 

Theo báo cáo mới nhất từ các tỉnh ĐBSCL thì dịch heo tai xanh đã lan ra 12/13 tỉnh trong vùng. Mầm bệnh có ở khắp mọi nơi, dịch có thể nổ ra bất cứ đâu. Đặc biệt là hiện tượng bán tháo heo bệnh và thương lái vận chuyển gia súc luồn lách trên các kênh rạch không kiểm soát nổi.

Ngày 30/8, Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Diệp Kỉnh Tần đã họp với Sở NN- PTNT, Chi cục Thú y các tỉnh ĐBSCL và TPHCM. Đến nay 12/13 tỉnh, thành ĐBSCL đã có dịch heo tai xanh. Đây là nguy cơ lớn với ĐBSCL nói riêng và các tỉnh phía Nam nói chung. Lo lắng nhất là dù đã có dịch nhưng 7 tỉnh trong vùng vẫn chưa công bố. Không những thế nhiều tỉnh còn không thông báo chính sách hỗ trợ hộ người chăn nuôi một cách minh bạch khiến dịch lây lan nhanh hơn. Một vài địa phương đưa ra mức hỗ trợ rất khác nhau đã vô tình đẩy đàn heo có bệnh từ tỉnh được hỗ trợ thấp sang tỉnh được hỗ trợ cao hơn. Đến nay dịch đã gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng tại các tỉnh Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng.

Ông Dương Nghĩa Quốc, PGĐ Sở NN- PTNT Đồng Tháp nói: Sau một thời gian chống dịch, đã có hiện tượng hụt nguồn cung cấp thịt heo tại chỗ nên xuất hiện tình trạng vỏ lãi chở heo hơi từ Tiền Giang, Bến Tre theo đường sông lén lút đưa về.  Còn ở một số địa phương khác như Vĩnh Long, Kiên Giang, An Giang người dân vẫn hoang mang không ăn thịt heo mà chuyển sang ăn gà, cá, thịt bò. Ở An Giang, giá heo giảm còn 21.000đ/kg, trong khi bò, gà vịt tăng giá vù vù. Người chăn nuôi đang lỗ nặng, vì giá thành chăn nuôi đã là 31.000-32.000đ/kg heo hơi.

Hầu hết các tỉnh trong vùng đều kêu khó kiểm soát dịch trên vùng sông nước ngang dọc chằng chịt hiện nay. Trong tổng đàn heo hơn 3 triệu con trong vùng mới chỉ có 4% heo bị bệnh, như vậy vấn đề đặt ra lúc này là làm thế nào bảo vệ đàn heo còn lại? Trong khi đó tại nhiều tỉnh đã xuất hiện thêm những khó khăn với hộ chăn nuôi, ví như các đại lý TĂCN không bán ghi nợ dẫn đến người nuôi heo không mua được cám, tại nhiều hộ đàn heo bị bỏ đói. Có người nói nuôi heo hiện nay như đeo nợ, vì heo sạch bán ra không ai mua, đi mua cám về nuôi heo không ai bán. Tóm lại người ta coi con heo như...hủi.

Tuy nhiên đã có tín hiệu đáng mừng là tại 3 tỉnh hứng "bão" tai xanh nặng nề nhất là Tiền Giang, Long An, Sóc Trăng đều có dấu hiệu dịch bệnh đang dịu dần. Vì vậy chuẩn bị cho thời kỳ "hậu" dịch, Chi cục Thú y các tỉnh kiến nghị Chính phủ, Bộ NN- PTNT nên có biện pháp vừa chống dịch, dập dịch đồng thời bảo vệ đàn heo khỏe, đàn heo giống đang còn, giảm thiểu thiệt hại cho hộ chăn nuôi. Vấn đề lớn nhất tới đây là làm thế nào hỗ trợ người chăn nuôi tái gầy dựng đàn heo, cung cấp con giống sạch bệnh và có biện pháp hỗ trợ lãi vay ngân hàng cho bà con vốn đã kiệt quệ. Hiện nay hình thức trang trại chăn nuôi tập trung kiểm soát được dịch bệnh thì cho vận chuyển, xuất chuồng. Đối với tiêu thụ heo thịt trong nội huyện, nội tỉnh, giám sát không nhiễm bệnh cho giết mổ tại chỗ để người chăn nuôi...dễ thở hơn.

Từ ngày 19/6 đến 27/8 dịch tai xanh nổ ra trên 7.785 hộ chăn nuôi tại 520 xã, phường, thị trấn thuộc 77 huyện của 12/13 tỉnh thành vùng ĐBSCL, với tổng số 104.529 con heo bệnh trên tổng đàn 179.634 con mắc bệnh và đã có 56.998 con phải tiêu hủy. Riêng tỉnh Trà Vinh chưa có dịch. 

Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần sau khi đi thực tế nhiều tỉnh phía Nam nhận định: “Đây là năm dịch bệnh xảy ra phức tạp nhất, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi. Đến nay dịch bệnh đã có mặt ở gần 30 tỉnh, thành. Tuy Long An, Tiền Giang dịch bệnh có dấu hiệu giảm, song diễn biến trên toàn vùng chưa thể chủ quan. Kinh nghiệm phòng chống dịch thành công tại nhiều địa phương cho thấy nếu không có biện pháp quyết liệt, phối hợp kiểm soát chặt chẽ giữa cơ quan thú y và chính quyền thì dịch sẽ vẫn tái đi diễn lại. Nếu địa phương nào để dịch phức tạp thêm sẽ kiểm điểm, kỷ luật và sẽ không được hỗ trợ tiền chống dịch".

Trong việc tiêu thụ heo, theo Thứ trưởng cần thông tin rõ virus gây bệnh heo tai xanh  không gây hại đến người; cần công bố điểm giết mổ, điểm bán heo sạch cho người tiêu dùng biết rõ, đến mua về tiêu dùng. Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ tiêu thụ sản phẩm heo thịt và hỗ trợ lãi suất trong việc tồn trữ cấp đông nhằm giữ giá heo có lợi cho bà con.

Xem thêm
Việt Nam là 'điểm nóng' về dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người

Việt Nam là một trong những 'điểm nóng' về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người như A/H5N1, SARS, dại, than, dịch hạch, ký sinh trùng…

'Bệnh kép' hại ớt

HẢI DƯƠNG Gọi là 'bệnh kép' bởi hơn tháng nay, một số ruộng ớt của nông dân huyện Nam Sách cùng lúc bị 2 loại bệnh gây hại với triệu chứng rất đặc trưng.

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất