| Hotline: 0983.970.780

Bản mỏi mắt tìm.. rác

Thứ Năm 12/02/2015 , 06:14 (GMT+7)

Trong sương mờ, bản Ngàm hiện ra với vẻ thanh bình đến lạ! Những con đường được bê tông hóa, những mái nhà sàn kiên cố nằm gọn gàng hai bên đường.

“Tiêu chí môi trường à? Nói thế dân bản không hiểu, không nghe đâu! Cứ nói là phong trào sạch nhà, sạch bếp, sạch bản làng cho họ dễ hiểu… Bản Ngàm giờ khác rồi, cũng hiện đại lắm, nhà ai cũng có toa-lét đấy. Đồng bào dân tộc ai cũng hăng hái xây dựng NTM lắm”, ông Lò Văn Ty, Bí thư Chi bộ bản Ngàm, xã Sơn Điện (huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) khoe với chúng tôi.

Trong sương mờ, bản Ngàm hiện ra với vẻ thanh bình đến lạ! Những con đường được bê tông hóa, những mái nhà sàn kiên cố nằm gọn gàng hai bên đường.

Thỉnh thoảng lại bắt gặp vài ba hộ gia đình vừa ngồi say sưa chẻ nứa, vót tăm vừa chuyện trò rôm rả và tất nhiên, họ cũng không quên dành nụ cười tươi nhất cho những người khách lạ. Nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn cả là đi từ đầu đến cuối bản dường như không hề thấy bóng dáng của rác thải.

“Đây là một trong những bản điểm của xã về xây dựng NTM, đặc biệt tiêu chí môi trường được hoàn thành gần như sớm nhất”, dẫn tôi tới nhà Bí thư bản Ngàm, anh Lò Tuấn Anh, Bí thư Đoàn xã Sơn Điện bật mí.

Đi chân đất, mặc chiếc áo bộ đội cũ đã bạc phếch, ống quần xắn bên cao bên thấp, ông Lò Văn Tý đon đả mời chúng tôi ngồi rồi hào hứng chỉ tay về những hố rác tập thể được quây kín cẩn thận và những khu tự hoại mới xây: “Từ khi xây dựng NTM, bản làng đang dần thay da đổi thịt. Cuộc sống của dân bản đủ đầy hơn nên mọi người phân biệt được đâu là điều nên làm và không nên làm. Thấy bản làng sạch sẽ, thoáng mát, bà con phấn khởi lắm!”.

Nhìn khung cảnh xanh, sạch nơi đây, thật khó có thể tin trước đây bản Ngàm lại là một trong những bản có môi trường tệ hại nhất xã. Đây là địa bàn sinh sống của dân tộc Thái và Mường. Người dân chủ yếu làm rẫy và chăn nuôi gia súc nên cũng như những bản khác, họ thường có thói quen nhốt trâu, bò ngay dưới gầm nhà sàn.

Rác thải sinh hoạt bị xả bừa bãi, rồi những hố tiêu cũng chỉ được dựng tạm bợ, thậm chí bạ đâu “xử lý” đấy. Đã có một thời khắp bản làng đâu đâu cũng sặc mùi hôi thối của rác xen lẫn phân trâu, phân bò và cả phân… người.

Ánh mắt thoáng buồn, giọng trầm hẳn, ông Ty nhớ lại: Những năm 90 (thế kỷ 20), đời sống dân bản còn khó khăn, phải chạy ăn từng bữa, đi vận động bà con tham gia bảo vệ môi trường, họ nghe tai trái lại lọt tai phải, đâu lại vào đấy.

Chỉ tay về phía gầm nhà sàn, anh Lò Tuấn Anh cười: “Trước đây, trai bản đi chọc sàn gọi người yêu phải leo lên lưng trâu để tránh dẫm phải phân. Có người do không cẩn thận trượt chân ngã vào bãi phân to tướng, đến khi cô gái ra đến nơi thì chỉ biết gãi đầu gãi tai cười trừ”.

Nhìn bản làng nhem nhuốc, ông Ty buồn lắm! Thế nên khi mới bắt tay xây dựng NTM, ông Ty coi môi trường là một trong những tiêu chí cần ưu tiên hoàn thành đầu tiên: “Muốn vận động dân bản hiểu, chung tay cùng làm NTM thì phải cho họ thấy tận mắt lợi ích của nó. Cứ làm cho bản làng xanh, sạch, đẹp thì họ ắt sẽ ủng hộ thôi”.

Để hỗ trợ dân bản xây hố tiêu đúng theo tiêu chuẩn, ông Ty cho thành lập các nhóm, mỗi nhóm khoảng 10-15 người. Các nhóm cũng được đặt tên riêng như: nhóm 88 (những người sinh năm 1988), nhóm đoàn kết, nhóm học sinh…
Hằng tháng, tùy điều kiện kinh tế của từng người, họ có thể tự nguyện đóng góp từ vài trăm nghìn đến 1,5 triệu đồng vào quỹ chung. Lần lượt từng hộ gia đình sẽ được hỗ trợ tiền và nhân công để xây nhà vệ sinh. Dự kiến, bản Ngàm sẽ đạt 100% số hộ có nhà vệ sinh trước Tết Nguyên đán 2015.

Vận động bà con chưa được, ông cùng với những người đảng viên trong bản cùng nhau làm trước để bà con học tập. Hằng tháng họ tập trung học sinh, thanh niên trong bản lại, chia thành từng nhóm dọn dẹp rác quanh bản, nhất là quanh khu nhà ở và khu vực nguồn nước sinh hoạt.

Cuối những năm 90 (thế kỷ 20), phong trào xóa đói giảm nghèo đẩy mạnh tại bản Ngàm, ngoài làm nương, dân bản bắt đầu chuyển sang làm tăm. Cũng kể từ đó những hố rác tập thể dần được hình thành, mỗi tuần họ lại thay phiên đốt rác tập thể.

Ông Ty cùng các đảng viên trong bản gương mẫu dời chuồng trâu, bò ra xa khu nhà ở để đảm bảo vệ sinh. Dần dần, thấy bản làng sạch sẽ, thoáng mát, người dân cũng hưởng ứng làm theo.

Không những vậy, ông Ty cũng kêu gọi dân bản phê phán đối với những người xả rác bừa bãi. “Người dân tộc đơn giản lắm. Họ rất trọng sĩ diện, vì vậy trong các buổi họp bản, tôi thường nêu đích danh tên người đó, họ bị dân làng chê cười nên lần sau sẽ không tái phạm nữa. Nhờ vậy mà phong trào 3 sạch “sạch nhà, sạch bếp, sạch bản làng” đến nay đã mang lại hiệu quả lớn”, ông chia sẻ đầy tự hào.

Là người bạn thân thiết của ông Ty và cũng là người đầu tiên vác dao đi phát quang cây cối, làm lại con đường mòn dẫn vào rừng cho bà con trong bản, ông Lò Văn Toán bảo: “Ở đây đi lại, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhận thức dân bản cũng có hạn. Dân bản không hiểu hết về NTM nhưng cứ thấy nhà cửa sạch sẽ, không khí trong lành, con cháu khỏe mạnh là chúng tôi mừng lắm rồi”.

Với một bản biên giới còn nghèo khó vào loại nhất nhì cả nước như bản Ngàm thì đồng bào nơi đây hoàn toàn có thể tự hào về một “ngôi làng xanh” mà họ chung tay xây dựng.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm