| Hotline: 0983.970.780

Bản quyền âm nhạc: Giọt nước tràn ly

Thứ Ba 21/02/2012 , 09:29 (GMT+7)

Gần 40 nhạc sỹ tên tuổi đã đồng loạt ký vào bản kiến nghị Cục Nghệ thuật Biểu diễn về việc Nghị định mới không có chỗ cho bản quyền âm nhạc.

Gần 40 nhạc sỹ tên tuổi đã đồng loạt ký vào bản kiến nghị Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VHTTDL) về việc Nghị định mới không có chỗ cho bản quyền âm nhạc. Đây chỉ là giọt nước tràn ly trước thực tế bản quyền âm nhạc Việt Nam chưa bao giờ được tuân thủ nghiêm. 

"Không biết xấu hổ thì thật đáng sợ"

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thống kê, năm 2011 thu được 41,1 tỷ đồng tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc, tăng 27% so với năm 2010. Tuy nhiên, đây lại là số tiền thu được chủ yếu ở lĩnh vực nhạc chuông điện thoại, website tải nhạc, các quán karaoke, phòng trà... Còn tiền thu được từ hoạt động biểu diễn nghệ thuật lại chưa đến 10%, còn lại 90% vẫn đang bị thất thoát.

Sử dụng nhạc chùa, không trả tiền tác quyền dường như đã trở thành thói quen của một bộ phận tổ chức biểu diễn. Những cuộc chiến bản quyền diễn ra thường xuyên, và mới đây nhất là tranh cãi bản quyền tổ chức đêm nhạc "Ru tình" với những ca khúc của Trịnh Công Sơn đã khiến các nhạc sĩ lão thành buộc phải lên tiếng. Vừa qua, gần 40 nhạc sĩ đã đồng loạt ký vào đơn kiến nghị gửi lên Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) đòi quyền lợi cho mình. 

Chương trình "Ru tình" gây tranh cãi liên quan tới câu chuyện bản quyền tác giả

Từ sự việc tranh cãi quyền tổ chức chương trình “Ru tình” trong đó gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phải chính thức lên tiếng, đã khiến dư luận bức xúc vì những chồng chéo trong các quyết định cấp phép của cơ quan quản lý Cục NTBD và Sở VHTTDL, trong đó, các nhạc sĩ là những người bức xúc nhất. Gần 40 nhạc sĩ thuộc nhiều thế hệ như: Phạm Tuyên, Huy Thục, Trọng Bằng, Hoàng Vân, Nguyễn Đức Toàn, Nguyễn Tài Tuệ, Hoàng Dương, đại diện gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đã đồng loạt lên tiếng đấu tranh cho quyền lợi của mình được ví là giọt nước đã tràn ly.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn bức xúc: “Tôi nhớ những năm 40 của thế kỷ trước, tuy chưa có ý thức rõ về tác quyền nhưng các nhà xuất bản sử dụng tác phẩm là trả tiền bản quyền. Giờ đơn vị quản lí cứ đóng dấu đỏ là được phép tổ chức biểu diễn mà không cần đến sự đồng ý của tác giả. Như thế là cấp phép tùy hứng, đó là cách làm theo thói quen cũ cần phải loại bỏ".

Nhạc sĩ Đinh Quang Hợp cũng cho rằng: “Chỉ có tác giả là người có quyền cho phép sở hữu tác phẩm của mình. Trong khi đó, các đơn vị quản lý lại đóng dấu đỏ cho phép nhà tổ chức biểu diễn sử dụng trái phép tài sản của người khác mà tài sản đó đã được Luật Sở hữu Trí tuệ bảo hộ? Chúng tôi có giao các tác phẩm của mình cho đơn vị quản lý đâu?”.

Các nhạc sĩ ví von việc sở hữu nhạc chưa được cấp phép như hành động ăn cắp. Ngày xưa một cô gái ở làng ra thành phố ăn cắp cái bánh mì phải bỏ làng đi vì xấu hổ thì ngày nay cô gái ấy không còn biết xấu hổ nữa. Nhạc sĩ Minh Hùng chia sẻ: “Các ông bầu, cai vẫn tổ chức, họ thu hàng trăm triệu từ những đêm nhạc còn tác giả thì sao, nếu không có những tác phẩm của chúng tôi thì họ hát những gì? Một bộ phận các ca sĩ, ông bầu đang ăn cắp tác phẩm của nhạc sĩ mà không biết xấu hổ. Khi không còn biết đến sự xấu hổ thì thật đáng sợ".

Hơn 30 năm, giá ca khúc không tăng

Ngay sau khi có thông tin, gần 40 nhạc sĩ lão thành có cuộc gặp mặt bày tỏ bức xúc vì bị vi phạm bản quyền, tác quyền trong thời gian qua do việc cấp phép biểu diễn hiện nay có nhiều bất cập. Đại diện Cục NTBD cho rằng, hiện nay trong các quy định của pháp luật thì trong thủ tục hồ sơ của các đơn vị xin cấp giấy phép tổ chức biểu diễn không cần chứng minh có đóng tiền bản quyền. Vì lẽ đó, hiện nay tất cả các đơn vị có thẩm quyền cấp phép đều đang áp dụng đúng những quy định này nên việc cấp phép hoàn toàn đúng nguyên tắc.

Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh cho biết: “Từ năm 1980, tôi và các nhạc sĩ đã từng ngồi lại với nhau để nâng giá tác phẩm của mình. Nhưng đến nay giá đó vẫn được giữ nguyên dù thị trường âm nhạc đã thay đổi rất nhiều. Tuy thấp nhưng không phải nơi nào cũng trả tiền tác quyền, tác giả là người sở hữu tác phẩm, lẽ ra phải được hưởng xứng đáng hơn thế. Chúng tôi là những người làm sản phẩm, lẽ ra phải có quyền bán tác phẩm của mình theo giá mình muốn. Việc đơn giản để bảo vệ quyền tác giả âm nhạc là yêu cầu đơn vị tổ chức chương trình phải đưa ra giấy chứng nhận đã thực hiện nghĩa vụ bản quyền trước khi cấp phép, vì sao các đơn vị chức năng lại không làm được?”.

Nhiều nhạc sĩ đã đề xuất việc thuê văn phòng luật sư tham gia vào các vụ việc tranh chấp mang tính pháp lý để bảo vệ quyền của các tác giả âm nhạc. Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, trước mắt các nhạc sĩ đã đồng lòng ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam soạn gấp một bản kiến nghị gửi đến Bộ VHTTDL, các cơ quan thông tấn báo chí để lên tiếng yêu cầu bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Nội dung của bản kiến nghị này phản đối việc Cục NTBD và các sở VHTTDL địa phương cho phép các chương trình biểu diễn được tổ chức mà không cần sự đồng ý của các tác giả.

Theo các nhạc sĩ, việc quản lý và yêu cầu các đơn vị phải trả tiền bản quyền có thể thực hiện dễ dàng. Đó là chỉ cần, trong Nghị định tổ chức biểu diễn yêu cầu, các đơn vị tổ chức biểu diễn phải trả tiền tác quyền cho tác giả thì mới được cấp giấy phép biểu diễn.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

U23 Việt Nam hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan

Các cầu thủ và ban huấn luyện U23 Việt Nam bày tỏ sự hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan tại lượt trận cuối bảng D vòng chung kết U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.