Bộ phim truyền hình “Người phán xử” từng bị vi phạm bản quyền. |
Bây giờ, mới thành lập Hội bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam” thì kể ra cũng hơi muộn. Thế nhưng, đó cũng là tín hiệu đáng phấn khởi, cho thấy những nhà làm phim nước ta đã ý thức rõ hơn về vấn đề tác quyền phim trong bối cảnh hội nhập.
Từ năm 2002, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã xuất hiện và hoạt động rất nhộn nhịp. Sinh sau đẻ muộn, Hội bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam có thể kế thừa những kinh nghiệm quý báu mà các đồng nghiệp bên lĩnh vực điện ảnh đã tích lũy được qua gần hai thập niên.
Ban lãnh đạo của Hội bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam được quy tụ đại diện của nhiều giới khác nhau, có giới quảng cáo, có giới diễn viên, có giới luật sư, có giới quản lý… Có nghĩa là họ xác định được biên độ tác động rộng lớn của xã hội đối với tác phẩm điện ảnh.
Tuy nhiên, nói đến bản quyền phim hôm nay là phải đề cập đến môi trường công nghệ số. Bây giờ, không còn ai sao chép phim bằng đĩa VCD hoặc DVD để mưu cầu lợi ích. Xâm phạm bản quyền phim chủ yếu là các đối tượng khai thác trên mạng. Chỉ riêng Youtube và Facebook đã là mảnh đất màu mỡ cho những vi phạm bản quyền phim.
Thực tế chứng minh, không ít bộ phim thất thu vì đối tượng manh động đã đưa lên mạng cho mọi người xem miễn phí hòng kiếm tìm nguồn quảng cáo.
Trước đây, bộ phim điện ảnh “Dòng máu anh hùng” đã nếm trái đắng của việc vi phạm bản quyền. Còn gần đây, những bộ phim truyền hình ăn khách như “Gạo nếp gạo tẻ” hoặc “Người phán xử” cũng ngậm ngùi vì tác phẩm tràn lan trên mạng không thể tiếp tục chuyển nhượng bản quyền cho các đối tác khác.
Hội bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam sẽ chứng minh giá trị hữu ích như thế nào? Đạo diễn – Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Hữu Phần băn khoăn: “Không mấy ai tự bỏ tiền làm phim, chủ sở hữu tác phẩm thường là một hãng phim hay đài truyền hình chứ không phải là một cá nhân. Xưa nay tôi đã làm nhiều phim nhưng chưa bao giờ có một tác quyền nào. Thậm chí, mượn phim của mình làm để chiếu cho học sinh xem cũng không được. Như vậy, vai trò của từng tác giả gần như không được chú trọng!”.
Quyền lợi chính đáng của những người làm phim đôi khi thiệt hại vì sự ham vui đến mức ngây thơ của đám đông. Người nọ và rạp xem phim thì phát trực tiếp để chia sẻ cho bạn bè, người kia xem tivi thấy đoạn phim nào thú vị thì trích giới thiệu trên trang điện tử cá nhân.
Rõ ràng, những người ấy không mưu cầu vật chất, nhưng hành động của họ đã khiến những nhà sản xuất lao đao. Vì vậy, ông Bùi Nguyên Hùng- Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, đã có lý khi đề nghị Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, phát triển hội viên và nâng cao nhận thức của hội viên về các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.