| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 21/08/2018 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 21/08/2018

Bản quyền truyền hình ASIAD đắt hay rẻ?

Sau khi vượt qua Pakistan và Nepal, Việt Nam tiếp tục thắng Nhật Bản với tỷ số 1-0 vào chiều 19-8. Trong giải bóng đá thuộc đại hội thể thao châu Á – ASIAD, lần đầu tiên Việt Nam toàn thắng ở vòng bảng để vào vòng trong với vị trí nhất bảng.

Đáng tiếc, niềm vui ấy đến với người hâm mộ một cách tẽn tò, vì phải xem trực tiếp qua vài kênh không chính thức trên internet. Nói cách khác, khán giả Việt Nam đã xem… lậu những trận cầu có các cầu thủ xứ sở mình thi đấu tại ASIAD. Vì sao có chuyện dở khóc dở mếu như vậy, khi mỗi ngày vẫn thánh thót vang lên những câu giục giã về “hội nhập toàn cầu” và “cách mạng 4.0”?

Không có một đơn vị truyền hình nào của Việt Nam mua bản quyền phát sóng những môn thi đấu tại ASIAD, kể cả VTV. Những đài truyền hình địa phương luôn hạn chế về tài chính, còn các doanh nghiệp truyền hình kỹ thuật số có quyền đắn đo bài toán kinh doanh, nhưng tại sao VTV lại khước từ vai trò phục vụ đại chúng mà họ được cả nước tin cậy? Đại diện VTV cho rằng: “Mua bản quyền truyền hình thể thao để phát sóng miễn phí thực sự thời điểm này là xa xỉ và rất khó để VTV có thể đáp ứng được!”. Nếu bây giờ mua bản quyền ASIAD là xa xỉ, thì lúc nào mới không xa xỉ? Mua bản quyền thế vận hội mùa đông không có vận động viên Việt Nam tham gia chăng?

Đành rằng VTV tự chủ tài chính, nhưng VTV không phải một đơn vị kinh tế đơn thuần. Nếu VTV chỉ có nhiệm vụ kiếm tiền, thì VTV không thể có vài trò một cơ quan ngang Bộ, và người đứng đầu VTV cũng không thể được mặc định là thành viên Chính phủ. Cơ bản VTV vẫn phải thể hiện là một đài truyền hình quốc gia được xây dựng và phát triển từ tiền thuế của người dân. Lẽ nào VTV chờ đợi một dịp may giống như bản quyền World Cup 2018, có đại gia bỏ tiền góp sức nên không cần phải có chiến lược cụ thể để mua bản quyền ASIAD? VTV có tham vọng xây tháp truyền hình cao nhất thế giới, mà lại trông chờ bản quyền kiểu hên xui?

Bản quyền truyền hình thể thao khoảng chục năm trở lại đây, không ngừng tăng lên. Bản quyền truyền hình ASIAD năm 2006 chỉ 10 ngàn USD, bản quyền truyền hình ASIAD 2010 tăng lên 50 ngàn USD, bản quyền truyền hình ASIAD 2014 nhảy vọt mức 400 ngàn USD. Bản quyền truyền hình ASIAD nằm trong tay tập đoàn KJSM World Group của Hàn Quốc, và họ ra giá cho Việt Nam là 3 triệu USD. Nhiều ý kiến phỏng đoán do họ đoán được tâm lý người Việt Nam háo hức đón xem các trận đấu của đội tuyển Olympic Việt Nam tại ASIAD nên cố ý nâng giá bản quyền. Thực tế, ASIAD đâu chỉ có bóng đá, còn rất nhiều bộ môn khác cũng được người Việt Nam hào hứng dõi theo trình độ các vận động viên nước nhà được thi đấu với bạn bè trong khu vực.

3 triệu USD bản quyền truyền hình ASIAD là một cái giá đắt, đối với quan niệm của VTV. Thế nhưng, VTV để cho hàng chục triệu người Việt Nam phải xem “lậu” ASIAD vừa lén lút vừa bẽ bàng, nếu quy ra tiền thì là một nỗi xót xa giá rẻ ư?