| Hotline: 0983.970.780

Bán thịt sạch thì lỗ, bán thịt bẩn thì ế

Thứ Sáu 28/05/2010 , 08:35 (GMT+7)

Xung quanh chuyện tìm lối thoát giải nguy cho thịt lợn trong thời điểm ngặt nghèo này, ông Lê Quang Thành, TGĐ Cty CP Thức ăn chăn nuôi Thái Dương tỏ ra khá bi quan.

Ông Lê Quang Thành, TGĐ Cty CP Thức ăn chăn nuôi Thái Dương (Hưng Yên)

Như NNVN đã phản ánh về việc thị trường thịt lợn ế ẩm vì dịch tai xanh, trao đổi với NNVN xung quanh chuyện tìm lối thoát giải nguy cho thịt lợn trong thời điểm ngặt nghèo này, ông Lê Quang Thành, TGĐ Cty CP Thức ăn chăn nuôi Thái Dương (Hưng Yên), một DN hiện có trang trại nuôi trên 30 nghìn đầu lợn thịt tỏ ra khá bi quan. 

Với tâm trạng mệt mỏi khi hàng chục ngàn đầu lợn thịt của Cty đến tuổi xuất chuồng mà không đẩy đi được, ông Thành kết luận rằng, trong tình hình hiện nay nếu tiêu thụ thịt lợn sạch thì lỗ, mà bán theo kiểu thịt lợn bẩn thì lại ế. 

Việc tiêu thụ lợn ở Cty ông hiện nay thế nào? 

Hai tháng nay, từ khi có dịch tai xanh, chúng tôi gần như không nhận được đơn đặt hàng nào. Tổng đàn lợn thịt trên 30 nghìn con thì hiện đã có trên 10 nghìn con bị dồn ứ lại. Có những lứa lợn hiện đã nặng tới 200kg, to...như con trâu! (so với trọng lượng xuất chuồng phổ biến từ 85 đến 100kg/con). Riêng thị trường tiêu thụ tại Hà Nội thì gần như đã “đóng băng” hẳn. Còn TPHCM thì vẫn còn lác đác một số đơn đặt hàng. Tuy nhiên giá vẫn đang tụt rất thấp, chỉ còn 24 đến 26 nghìn đồng/kg (giảm từ 7 đến 10 nghìn đồng/kg so với trước dịch).

 Đáng nói nhất là, việc vận chuyển lợn thịt từ các trang trại của Cty tại miền Bắc vào TPHCM lại bị “kẹt” rất nhiều cửa nên lượng bán ra chẳng đáng kể. 

“Kẹt” thế nào thưa ông. Nghe nói công văn của Bộ NN- PTNT "thông thoáng" lắm cơ mà? 

Thời gian trước, nhiều trại lợn của chúng tôi nằm trong vùng có dịch tai xanh không được Chi cục Thú y các tỉnh cấp giấy kiểm dịch nên lợn đến lúc xuất chuồng, có đơn đặt hàng nhưng vẫn không được chuyển ra ngoài tỉnh. Gần đây, tình hình có khá hơn vì nhiều trại lợn khỏe mạnh của chúng tôi tại vùng có dịch đã được ngành thú y cơ sở tạo cấp giấy kiểm dịch cho phép chuyển ra ngoài.

Tuy nhiên, chẳng hạn như chúng tôi muốn chuyển lợn từ Nghệ An vào TPHCM thì vừa phải có giấy kiểm dịch, vừa phải được cả Thú y Nghệ An và TPHCM cùng “gật”. Nói thật, lợn chúng tôi khỏe mạnh, trước khi xuất chuồng đã được kiểm tra nghiêm ngặt, có giấy kiểm dịch hẳn hoi mà vẫn phải qua nhiều “cửa” dích dắc thế thì nản quá, nhất là lợn đã rẻ, mà tìm mối mua hàng lại khó như thời điểm này. 

Nguồn thịt lợn từ các trang trại lớn như của Cty ông hoàn toàn là “thịt sạch” mà vẫn phải bán giá thấp như bèo, chẳng khác gì thịt xô bồ ngoài chợ. Sao mình không tìm cách chứng minh nguồn gốc là “thịt sạch” để bán giá cao, bởi người tiêu dùng có kiến thức vẫn tìm mua loại thịt này? 

Bây giờ thịt lợn ế. Chả lẽ con lợn to 2 tạ rồi vẫn phải nuôi “báo cô” tiếp? Giờ này bán lỗ mà có người mua cũng tốt lắm rồi!

Lợn chúng tôi phải bán cho các lò mổ lớn, hầu hết tại Hà Nội và TPHCM. Sau đó chủ lò mổ phân phối tới các chợ là chủ yếu. Còn bán vào các siêu thị số lượng không đáng kể. Chẳng phải chúng tôi chưa nghĩ tới cách làm như anh nói. Trước đây chúng tôi cũng đã từng thuê rất nhiều gian hàng khắp Hà Nội để tiêu thụ thịt lợn, có chứng minh nguồn gốc “thịt sạch” như vậy.

Nhưng sau một thời gian thì lỗ chổng vó, phải dẹp bỏ vì chi phí kiểm dịch, đóng gói, thuê gian hàng...quá cao. Một mặt, chi phí chăn nuôi lợn theo trang trại sạch bệnh đương nhiên giá thịt lợn cũng đã cao hơn thị trường, mà người dân thì không phải ai cũng thích mua giá đắt và tới điểm bán “thịt sạch” để mua. Chung quy lại, thịt lợn “sạch” không tài nào cạnh tranh được với thịt bán tràn lan ngoài chợ.

Ý ông là thị trường tiêu dùng xô bồ khiến người nuôi “lợn sạch” vạ lây khi có dịch bệnh? 

Đúng thế, nhưng biết làm thế nào? Bây giờ dịch tai xanh bùng lên. Đài báo thì ra rả nói buôn bán, giết mổ lợn chết, lợn bệnh tai xanh tràn lan mà chẳng thấy ai bị bắt, bị xử phạt. Trong khi ra chợ thấy hàng thịt lợn nào cũng như hàng nào, có ai biết đó là thịt lợn lành hay lợn bệnh? Tâm lí người mua thịt lợn sợ ăn thịt bị bệnh liên cầu khuẩn, rồi bệnh tai xanh lây sang người...Dẫu như thế là họ hiểu sai lệch đi nữa thì tôi nghĩ họ đề phòng theo kiểu “tốt nhất là không ăn thịt lợn” cũng là dễ hiểu. Thịt ế là vì thế. 

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất