| Hotline: 0983.970.780

Bán thuốc, buôn phân

Thứ Hai 01/10/2012 , 09:39 (GMT+7)

Nền khoa học Việt Nam đang “tuyệt tự”, đó là lời than vãn xem chừng quá cám cảnh, xót xa cho một nền khoa học đang trong tình trạng chảy máu chất xám nặng nề và tụt hậu của Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu. Chúng tôi xin bóc tách vấn đề này qua loạt bài phản ánh cận cảnh các nhà khoa học ngành nông nghiệp.

Nền khoa học Việt Nam đang “tuyệt tự”, đó là lời than vãn xem chừng quá cám cảnh, xót xa cho một nền khoa học đang trong tình trạng chảy máu chất xám nặng nề và tụt hậu của Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu. Chúng tôi xin bóc tách vấn đề này qua loạt bài phản ánh cận cảnh các nhà khoa học ngành nông nghiệp. 

BÁN THUỐC, BUÔN PHÂN

Họ từng là thạc sỹ, nhà giáo, nhà khoa học, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau đã chuyển sang làm cho các DN với mức lương hậu hĩnh. Nhiều người khẳng định, dù có chút tiếc nuối nhưng công việc “tay trái” ngày càng khiến họ say mê…


Nghiên cứu khoa học phải được ưu đãi mới giữ chân được người giỏi

Việc không phù hợp?

Cách đây 6 năm, Cao Đại M (quê Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) tốt nghiệp ngành Quản lý Bảo vệ tài nguyên rừng, Khoa Lâm nghiệp, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM với tấm bằng loại ưu, đủ điều kiện được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Ban đầu M chỉ phụ giảng, trong thời gian này anh tiếp tục học cao học làm luận án thạc sỹ với đề tài “Nghiên cứu hiệu quả kinh tế và tác động môi trường của một số mô hình nông lâm kết hợp ở tỉnh Bình Phước”. Sau khi nhận tấm bằng thạc sỹ cũng là lúc anh chia tay nhà trường vì đồng lương giảng dạy “bèo bọt” để nhảy ra làm DN với hy vọng thu nhập cao hơn.

Năm 2009, M về đầu quân cho một Cty chế biến gỗ thuộc ngành cao su đang ăn nên làm ra với mức lương “cứng” 10 triệu đồng/tháng với vai trò là “quản đốc”. Là một thạc sỹ ngành lâm sinh nhưng bây giờ quay sang làm quản lý công nhân chế biến gỗ, chẳng ăn nhập gì với kiến thức đã học nên chỉ sau mấy tháng đứng chân “quản đốc” không mấy hiệu quả, anh bị GĐ Cty điều chuyển sang công việc khác, đó là “chức” Tổ trưởng tổ thu mua nguyên liệu gỗ, nói nôm na là “tiếp thị”.

Để làm tốt công việc, anh M phải liên tục đi thị trường, tìm hiểu nguồn gỗ (cây keo lai, keo tai tượng, bạch đàn, cao su), trữ lượng gỗ ở từng vùng, từng tỉnh để có kế hoạch thu mua cho Cty. Xuất thân từ nhà giáo, nhà khoa học nên khi ra thương trường đụng chạm với những vấn đề phát sinh “tế nhị” như ăn nhậu, “lót tay”, ban đầu anh cũng bỡ ngỡ, “khó chịu” nhưng dần dần trở thành quen, không có nó thì công việc sẽ không chạy, thu nhập không cao.

“Hiện GĐ giao cho tôi mỗi tháng phải đảm bảo mua từ 700-800 khối gỗ nguyên liệu tức 20-30 container. Nếu đạt được chỉ tiêu này, ngoài lương cứng ra, tôi còn có thêm các khoản chi phí không tên khác, cộng tất cả cũng được trên 20 triệu đồng. Thu nhập này tất nhiên phải gấp 3-4 lần nếu như còn giảng dạy tại trường ĐH”, anh M nói chắc nịch.

Tương tự, chị Trương Thị Mỹ L tốt nghiệp Trường ĐH Nha Trang ngành nuôi trồng thủy sản năm 2008, sau đó xin về công tác cho một viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở TPHCM với mức lương bình quân 5 triệu đồng/tháng. Tại đây, vừa làm công tác xét nghiệm các mẫu bệnh tôm từ các địa phương gửi đến, chị L “vừa học” làm luận văn thạc sỹ với đề tài: “Phát triển ngành NTTS ở huyện Cần Giờ, TPHCM”.

Phải mất sau 2 năm nghiên cứu, chị L mới nhận được tấm bằng thạc sỹ. Nhưng cũng từ đó, chị xin “tách hộ khẩu” khỏi viện, là nơi từng “nuôi dưỡng” và đào tạo chị trở thành cán bộ khoa học, để xin về làm cho một Cty chế biến thức ăn thủy sản của một DN nước ngoài. Ngay từ đầu, Cty này đã trả cho chị L mức lương “khủng” 1.000 USD/tháng với công việc chính là kiểm tra đầu vào nguyên liệu trước khi đưa vào chế biến thức ăn.

“Gần như suốt ngày 8 tiếng tôi phải ngồi trong Labo (thí nghiệm) chỉ để phân tích, sàng lọc các mẫu nguyên liệu thức ăn nhập từ bắp, đậu nành, bột cá. Cái nào đạt thì thông báo cho tổ thu mua biết để họ lập thủ tục nhận hàng, cái nào không đạt cũng báo cho công ty để trả lại cho khách hàng.

Nếu không làm kỹ, sản phẩm trước khi xuất kho kiểm nghiệm phát hiện không đạt chất lượng thì tôi là người chịu trách nhiệm trước hết. Nói thật, họ trả lương như vậy cũng xứng đáng với công sức tôi bỏ ra. Tuy công việc này xem ra không phù hợp cho lắm so tấm bằng thạc sĩ NTTS của mình”, chị L cười nói.

Đi đâu?

Trong khi đó, anh Hoàng Đức T tốt nghiệp ngành Lâm nghiệp ĐH Nông lâm Huế năm 1998 với tấm bằng loại giỏi, mặc dù nhà trường làm công tác tư tưởng giữ anh lại giảng dạy nhưng anh từ chối vì nhận thấy không thích hợp với nghề giáo. Vốn quê ở Quảng Trị nên anh xin về công tác tại Ban Dân tộc miền núi tỉnh này với mức lương thời điểm đó chỉ có nhỉnh hơn 1 triệu đồng/tháng.

Sau 6 năm lăn lộn với vai trò cán bộ dân tộc miền núi, anh xin đi học thêm ở trường AIT (Thái Lan) rồi lấy tấm bằng thạc sỹ nhưng không phải “trồng rừng” mà là sinh lý thực vật. Có bằng thạc sỹ là “bệ đỡ” cho anh kiếm việc làm dễ hơn. Năm 2005, một Cty phân bón có tiếng ở TPHCM đang chuẩn bị nhập khẩu dây chuyền công nghệ chế biến phân bón NPK từ Trung Quốc, sau khi nghe anh T ngỏ ý muốn về “đầu quân”, lập tức GĐ Cty này đồng ý trả lương ngay 800 USD/tháng.

Tại đây, anh T được cử qua Trung Quốc học hỏi cách sử dụng quy trình vận hành máy móc công nghệ SX phân bón NPK để sau này trở về đào tạo, huấn luyện trở lại cho công nhân Cty ở VN. Ở Trung Quốc, ngoài lương, mỗi tháng anh T còn được hưởng chế độ công tác như một “cán bộ Cty” đi công tác nước ngoài.

Hơn 1 năm làm việc tại đây, sau khi tích lũy được ít nhiều kinh nghiệm trong cách quản lý và vận hành SX phân bón NPK, năm 2006, anh T quyết định xin nghỉ việc ra ngoài tìm một Cty khác nhằm tạo cho mình một hướng đi riêng. Cty anh đang làm vẫn SX-KD phân bón, tuy không có tầm cỡ và mạnh tài chính như Cty cũ nhưng anh rất say mê nó.

“Về đây, tôi trực tiếp tham gia hội thảo, đứng lớp hướng dẫn cách sử dụng phân bón cho nông dân, kể cả việc tiếp thị bán phân. Tuy mức lương Cty trả không cao bằng Cty cũ, nhưng được cái là tôi đã làm được cái công việc của mình đam mê bấy lâu", anh T nói.

Riêng tại Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam, theo tìm hiểu của chúng tôi, 2 năm trở lại đây, có khá nhiều thạc sỹ ra đi như cô Hương L, cô Quỳnh L, anh Phạm Việt T... do thu nhập thấp và môi trường làm việc không thích hợp, nhiều nhất là Bộ môn Công nghệ sinh học và Phòng Sức khỏe gia súc. Trong đó, không ít thạc sỹ sau khi đi học 2 năm ở nước ngoài về (Hà Lan, Úc, Mỹ…) cầm tấm bằng thạc sỹ về còn được viện tặng thưởng 6 triệu đồng, nhưng cuối cùng cũng bỏ ra ngoài làm việc ở các DN nước ngoài có thu nhập cao hơn.

CÓ THỰC MỚI VỰC ĐƯỢC ĐẠO!

Anh Phạm Hồng S tốt nghiệp ĐH Nha Trang ngành NTTS năm 2005, sau đó anh tiếp tục học cao học và bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ đề tài: “Nghiên cứu ảnh hưởng của EDA, DHA và mật độ tảo lên sinh trưởng và tỷ lệ sống của tôm thẻ tôm trắng”. Năm 2009, sau khi có tấm bằng thạc sỹ, anh vào TPHCM lập nghiệp bằng nghề giảng dạy tại một trường Trung cấp kỹ thuật nghiệp vụ.

Tại đây với mức hệ số 2,67 cho một thạc sỹ cộng với tiền trợ cấp, hàng tháng anh lĩnh lương hơn 4 triệu đồng. Chi phí sinh hoạt tại TP đắt đỏ, trong khi nhu cầu cuộc sống ngày lại cao nên tháng 4/2012, anh quyết định xin nghỉ việc nhà nước để đi tìm một công việc khác có thu nhập cao hơn. Hiện anh đang “đầu quân” cho một Cty tư nhân ở tỉnh Đồng Nai chuyên SX Premix và sản phẩm dinh dưỡng dùng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm với nhiệm vụ bán hàng.

“Ở đây, tất nhiên mức lương phải cao hơn đơn vị cũ, tuy công việc có trái với chuyên môn và trái với đề tài mình đã thi tốt nghiệp cao học, nhưng dẫu sao trong cuộc sống thì phải có thực mới vực được đạo!", anh S trầm ngâm nói.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.