| Hotline: 0983.970.780

Bàng hoàng nhìn 'dòng nước sông Bung 2' cuốn phăng nhà cửa, trâu bò, lợn gà...

Thứ Sáu 16/09/2016 , 09:50 (GMT+7)

A Lăng Viết Sơn cho chúng tôi xem clip mà anh quay được cảnh dân làng chạy tán loạn khi nước đổ xuống. “Chẳng khác gì một cơn sóng thần ập vào làng. Người dân hô hoán đua nhau lên đồi cao trú tránh. Cũng may, mọi người nhanh chân nên thoát được hết. Nhưng nhà cửa...”


[clip] Dòng nước cuốn phăng nhà cửa, trâu bò, lợn gà...

Trong vòng 5 phút, 3 ngôi nhà dân ở làng Pà Ooi bị dòng nước Thủy điện sông Bung 2 xóa sạch. Nước đổ về chẳng khác sóng thần ập đến, người dân tán loạn, tài sản trôi theo dòng nước.

Sau 2 ngày sự cố vỡ cống dẫn dòng Nhà máy thủy điện sông Bung 2 xảy ra, PV NNVN về làng Pà Ooi, xã La Ê (Nam Giang, Quảng Nam) chứng kiến cảnh người dân chưa hết hoảng sợ thể hiện rõ trên khuôn mặt. Ngay đầu làng, anh A Lăng Viết Sơn cho chúng tôi xem clip mà anh quay được cảnh dân làng chạy tán loạn khi nước đổ xuống.

“Chẳng khác gì một cơn sóng thần ập vào làng. Người dân hô hoán đua nhau lên đồi cao trú tránh. Cũng may, mọi người nhanh chân nên thoát được hết. Nhưng nhà cửa, đất SX, bò, heo… bị mất hết rồi”, anh Sơn nói.

Xem xong clip, đúng là quá khủng khiếp, dòng nước cao khoảng 5 m giống như miệng con khủng long đang nuốt chửng nhiều người chạy. Chỉ chậm chân trong chốc lát, mạng người bị lọt trong miệng. Ấy vậy mà, có hàng chục con người đã thoát chết trong lưỡi hái tử thần.

19-01-29_nh-5
Những cây gỗ lớn tấp vào làng Pà Ooi

 

Ông Đặng Đình Xuân, Phó bí thư Đảng ủy xã La Ê cho biết: Làng Pà Ooi nằm cách chân đập thủy điện sông Bung 2 chừng 5 km đường chim bay. Sự cố vỡ đập xảy ra, có một cán bộ đồn biên phòng đóng chốt ở đập thủy điện báo về, rằng: Vỡ đường ống dẫn dòng, nước chảy mạnh lắm, báo cho người dân nhanh chóng trú tránh.

“Ngay sau đó, tôi gọi điện xuống để thông báo cho bà con. Người vừa chạy, vừa kêu người khác để chạy. Rất may không ai bị nước cuốn”, ông Xuân kể lại.

Ông Xuân thông tin thêm, làng Pà Ooi bị nước cuốn phăng 3 ngôi nhà, 1 ngôi nhà bị trôi hết tài sản và còn trên 50 hộ dân khác ở trong xã bị thiệt hại. Thống kê ban đầu, toàn xã có trên 10 con trâu bò; hàng chục ao cá bị nước cuốn trôi. “Trong 20 phút mà nước dâng lên 10 m. Tôi chưa thấy cơn lũ nào khủng khiếp như vậy”, ông Xuân kể lại.

Trên nền đất chỉ còn xi măng trơ trọi, rác thải tấp chất đống là căn nhà của vợ chồng anh A Lăng Danh (SN 1992) và hai người con sinh sống. Vậy mà, nước thủy điện đã cướp sạch. Ngôi nhà gỗ 4 gian, toàn bộ tài sản nằm cách lòng sông Bung chừng 100 m cũng trôi theo dòng nước.

Anh Danh xót xa: “Từ gia đình có của ăn của để, bây giờ rơi vào cảnh ăn bám ông bà già, chứ vợ chồng mình không còn gì nữa. Tài sản sót lại được từng này thôi. Nước cuốn trôi nhà rồi, máy xay gạo, mô tơ, áo quần, xoong nồi đi hết cả rồi. Tổng thiệt hại khoảng 500 triệu đồng, giờ mong được hỗ trợ để sống qua ngày”.

19-01-29_nh-2
Anh A Lăng Dang tìm kiếm những đồ dùng còn sót lại, tuy nhiên không còn gì để lấy

 

Dứt lời, anh Danh kể, khi nước đổ về, anh đang bắt cá ở dưới ao, vợ và hai người con trong nhà. Từ lòng sông nước ào ào trút xuống, thấy vậy, anh hô hoán, vợ bồng con chạy thoát, còn anh nhanh chân bỏ chạy.

“Chỉ trong vòng 5 phút, ngôi nhà gỗ 4 gian, lợp tôn bị nước cuốn mất. Nhìn thấy của cải trôi theo dòng nước mà bất lực. May mắn là cả gia đình còn sống nhưng những ngày tiếp theo chúng tôi không biết lấy gì ăn, lấy gì sống khi đã trắng tay. Hiện ăn bám ba mẹ, có cái gì ăn cái đó”, anh Danh chia sẻ.

Cách nhà Danh chừng 10 m là căn nhà của anh trai A Lăng Dang (SN 1987) bị nước cuốn, đồng thời 1 con bò, mấy con heo cùng chung số phận. Gia đình anh Dang có 4 người nay chẳng khác em trai mình rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Để có chỗ tá túc, Dang cũng sống ở gia đình ba mẹ. Cả đại gia đình họ với 10 người trong căn nhà gỗ 4 gian bé nhỏ.

“Năm 2013, vợ chồng mình dựng được căn nhà này, bởi từ khi cha ông sinh sống ở đây chưa một lần nước lũ đến. Vậy mà, nước thủy điện đổ xuống đã cướp đi tất cả. Tài sản, nhà cửa khoảng 200 triệu đồng theo dòng nước; lúa, gạo, mắm muối không còn, tiền không có. Giờ gia đình đang trông chờ thủy điện đền bù để làm lại”, anh Danh bộc bạch.

19-01-29_nh-3
Một đoạn ống nước ở ngôi nhà của anh A Lăng Danh sót lại

 

Ông A Viết Sơn, Bí thư Đảng ủy xã La Ê, làng Pà Ooi, đang chuẩn bị mặt bằng, đưa gỗ và vật liệu để dựng ngôi nhà cách bờ sông Bung 100 m thì bị nước cuốn.

“Tích góp được ít tiền của làm căn nhà ở, ai ngờ bị nước thủy điện “cướp” rồi. Giờ tôi trông chờ đền bù để bắt đầu lại. Sống ở đây bao nhiêu năm tôi chưa thấy lần nào nước ập về lớn và mạnh như vậy. May mắn sự việc xảy ra ban ngày, chứ ban đêm không biết bao nhiêu người dân chết”, ông Sơn nói.

Nghe Danh, Dang và ông Sơn nói vậy nhưng không biết đến lúc nào những con người này mới nhận được tiền bồi thường.

 

Lời kể của ông Phó chủ tịch xã

Cách không xa những ngôi nhà bị nước cuốn trôi, nhà ông A Lăng Đhép, Phó chủ tịch UBND xã La Ê may mắn hơn họ - ông đang còn ngôi nhà trống hơ, trống huếch. Dọn dẹp đống gạch nền nhà đổ nát, ông Đhép mếu máo: “Tôi đang làm việc ở UBND xã thì nhận tin vỡ đập. Chạy về nhà, vừa đến nơi, bồng đứa con 6 tuổi ra khỏi nhà thì nước ào xuống. Nước lớn và mạnh vô cùng càn quét ngôi nhà, ván bị cuốn trôi, chỉ còn lại bộ khung”.

19-01-29_nh-4
Ông A Lăng Đhép dọn dẹp nền gạch hư hỏng

 

Cũng như mọi người, ông Đhép cứu được đứa con gái thoát khỏi dòng nước nhưng đổi lại, tài sản mất hết. “Có khoảng 4 m3 gỗ và 40 tấm ván để làm nhà thì bị nước cuốn. Vàng, tiền để trong tủ nước lũ cũng không buông tha; bàn ghế, heo gà trôi sạch banh. Chậm chân khoảng 2 phút thì con gái tôi bị nước cuốn rồi”, ông Đhép chua xót nói.

Sau hai ngày người dân bị mất nhà, mất của thì sáng 15/9, ông Huỳnh Dũng, Phó giám đốc Ban quản lý dự án thủy điện Sông Bung 2 có mặt tại làng Pà Ooi để ghi nhận thực tế. Tại đây ông có mang quà hỗ trợ người dân, theo đó mỗi phần quà gồm 2 triệu đồng và gạo, mì tôm cho 3 hộ dân có nhà bị cuốn trôi.

Hỏi về việc đền bù thiệt hại cho các hộ dân, ông Dũng cho biết: Chúng tôi sẽ thỏa thuận với địa phương và người dân để đền bù cho bà con.

Chiều 15/9, thượng tá Nguyễn Tiến Đạt, Phó Công an huyện Nam Giang cho biết: Sáng cùng ngày, lực lượng tìm kiếm cứu nạn điều động hai máy đào tìm kiếm thi thể các công nhân mất tích. Máy đào múc hết đất đá và cho thợ lặn vào phía trong cabin nhưng không phát hiện thi thể nào. Hiện công tác tìm kiếm vẫn đang tiếp tục với sự tham gia của lực lượng quân đội, công an và chính quyền các xã.

Trước đó, anh Đặng Văn Tuyền, thị trấn Thành Mỹ, Nam Giang đang lái máy phía dưới thân đập thì bị nước cuốn trôi. Cơ quan chức năng nghi ngờ thi thể anh Tuyền vẫn đang ở trong cabin.

 

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm