| Hotline: 0983.970.780

“Bảo bối” đối phó lũ miền Trung

Thứ Sáu 10/10/2014 , 08:13 (GMT+7)

Mỗi mùa mưa bão tới, lũ lụt không chỉ là nỗi kinh hoàng đối với người dân miền Trung mà còn khiến chính quyền và cơ quan chức năng luôn bị động và đau đầu trong triển khai đối phó. 

Tuy nhiên từ mùa mưa bão 2014, việc đối phó với lũ lụt miền Trung từng bước chuyển từ bị động sang thế chủ động.

Công cụ “chỉ điểm”

Năm 2013, với dồn dập những trận bão lớn đổ bộ, miền Trung lại phải gồng mình trước liên tiếp những trận lũ lụt nghiêm trọng, nhiều nơi lũ lịch sử. Lũ lụt miền Trung dù là chuyện ai cũng biết trước, nhưng biết là một chuyện, đối phó thế nào lại là chuyện khác. Kết thúc mùa mưa bão 2013, khó khăn trong triển khai đối phó với lũ lụt ở miền Trung đã được các cơ quan chức năng chỉ ra, đó vẫn là việc bị động trong phòng chống.

Với đặc thù địa hình dốc, cộng với các hồ chứa thượng lưu xả lũ khi mưa lớn, nhiều nơi lũ ở hạ du lên quá nhanh khiến chính quyền lẫn người dân không kịp trở tay. Trong khi đó ở nhiều nơi, khi lũ lên, chính quyền và cơ quan chức năng khi triển khai ứng cứu như “đi vào rừng rậm” do không nắm được địa bàn nào lũ nghiêm trọng, nơi nào có cần phải sơ tán dân, nơi nào cần cứu hộ cứu nạn...

Trước những bất cập này, ngày sau khi mùa mưa bão 2013 kết thúc, Bộ NN-PTNT đã giao Viện Khoa học Thủy lợi VN cùng một số cơ quan gấp rút rà soát, xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du các hồ chứa cho các lưu vực sông miền Trung. Sau hơn nửa năm rốt ráo triển khai, hiện tại, bản đồ ngập lụt hạ du các lưu vực sông miền Trung đã được hoàn thành và bàn giao cho Ban chỉ đạo PCLB Trung ương phục vụ công tác đối phó với lũ lụt miền Trung ngay trong mùa mưa bão 2014.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Quỳnh (Viện Khoa học Thủy lợi VN) mô phỏng: "Bản đồ là một công cụ “chỉ điểm”, giúp chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng chủ động triển khai phòng chống lũ lụt. Căn cứ vào các kịch bản và dữ liệu đã được xây dựng trong bản đồ này, cơ quan chức năng sẽ biết rõ các vùng bị ngập, địa bàn ngập, diện tích bị ngập, số dân cư trong vùng bị ngập... Các dữ liệu này sẽ là căn cứ để các cơ quan tìm kiếm cứu nạn và chính quyền các địa phương lập các phương án ứng phó, đặc biệt là chủ động lên phương án sơ tán dân, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản...".

Một số cảnh báo

Trên cơ sở các dữ liệu của Bản đồ ngập lụt hạ du các hồ chứa cho các lưu vực sông miền Trung do Viện Khoa học Thủy lợi VN cung cấp, NNVN xin thông tin về một số kịch bản cảnh báo cho các lưu vực sông có nguy cơ cao trong mùa mưa lũ 2014.

Lưu vực sông Chu (Thanh Hóa)

(Kịch bản khi lũ tại trạm Xuân Khánh vượt mức báo động III)

Theo tính toán, nếu lũ trên sông Chu tại trạm Xuân Khánh vượt mức báo động III, sẽ có hơn 158 nghìn hộ dân của 50 xã thuộc hai huyện Thọ Xuân và Thiệu Hóa bị ảnh hưởng của lũ. Trong đó Thọ Xuân sẽ chịu lũ nặng nề nhất với khoảng 154 nghìn hộ dân trong vùng bị lũ càn quét.

Lưu vực sông Cả (Nghệ An)

(Kịch bản khi lũ trên tại Nam Đàn ở mức báo động III)

Lũ lịch sử trên sông Cả năm 1978 khiến hơn 143 nghìn hộ dân trong lưu vực và các vùng phụ cận bị nhấn chìm. Vùng ngập trải rộng với diện tích hơn 410 km2, nặng nề nhất là các huyện Nam Đàn với 27.139 hộ dân; Thanh Chương 75.805 hộ, Đô Lương 24.200 hộ... bị nhấn chìm trong lũ.

Theo ước tính, nếu mùa mưa năm nay, lũ trên sông Cả vượt mức báo động III, sẽ có ít nhất 340 km2, với khoảng hơn 40 nghìn hộ dân ở 93 xã phường thuộc 6 huyện thị trong vùng sẽ bị ngập lụt. Nặng nề nhất sẽ là các huyện Thanh Chương (hơn 16.000 hộ dân, 37 xã); Nam Đàn (gần 10.000 hộ dân, 15 xã); Đô Lương (gần 7.800 hộ dân, 16 xã)...

Lưu vực sông Thạch Hãn (Quảng Trị)

(Kịch bản khi lũ tại các trạm Hiền Lương, Thạch Hãn, Đông Hà, Hải Tân vượt báo động III)

Dự tính, sẽ có tổng cộng khoảng hơn 77.000 hộ dân thuộc 7 huyện thị trong vùng bị ngập lũ, ngập nặng sẽ xảy ra tại các huyện Hải Lăng (hơn 20.000 hộ dân); Triệu Phong, Cam Lộ (mỗi huyện khoảng 1.600 hộ); Vĩnh Linh, TP. Đông Hà (mỗi huyện hơn 23.000 hộ dân).

Lưu vực sông Hương (Thừa Thiên - Huế)

(Kịch bản ứng với mức báo động III tại trạm Phú Ốc - Kim Long)

Sẽ có gần 36.000 ha (360 km2), với 57.000 hộ dân ở 103 xã của 7 huyện thị thuộc lưu vực sông Hương sẽ bị ngập... Trong đó, số vùng ngập sâu trên 3 m sẽ lên tới hơn 170 km2, nghiêm trọng nhất gồm TP Huế (hơn 16.000 hộ dân, với hơn 4.000 ha bị ngập); huyện Quảng Điền (hơn 13.000 hộ dân, với gần 7.800 ha); huyện Phú Vang (trên 12.000 hộ dân, hơn 10.000 ha)...

Trong lịch sử, trận lụt lịch sử năm 1999 tại lưu vực sông Hương đã khiến gần 242.000 hộ dân chìm trong lũ, với một vùng ngập lụt nặng nề.

Hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam - Đà Nẵng)

(Kịch bản cho mức báo động III tại trạm Câu Lâu)

Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đã từng ghi nhận lũ lịch sử với mức nước ngập sâu trên 5m tại các vùng dân cư vào năm 1999 khiến một vùng rộng lớn trên phạm vị hơn 350 km2, gồm hơn 300.000 hộ dân của 77 xã thuộc 7 huyện thị trong vùng bị lũ nhấn chìm.

Các địa bàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là huyện Điện Bàn (Quảng Nam) với có 21 xã, gần 120.000 hộ dân bị ngập sâu; huyện Đại Lộc với 14 xã, hơn 64.000 hộ dân; huyện Duy Xuyên với trên 50.000 hộ dân thuộc 21 xã bị ngập lũ nặng nề...

Trong những năm tới, sau khi bản đồ địa hình 1/10.000 các lưu vực sông được Bộ TN-MT chuyển giao thì việc tính toán ngập lụt vùng hạ lưu các lưu vực sông sẽ chi tiết và chính xác hơn, kết hợp với công tác dự báo cảnh báo tốt sẽ là công cụ hữu hiệu hỗ trợ ra quyết định trong công tác PCLB của các cấp chính quyền từ trung ương tới địa phương.

Theo ước tính đến năm 2014, nếu lũ tại lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn vượt mức báo động III, ít nhất một vùng rộng hơn 167 km2, bao gồm 49 xã thuộc 7 huyện, thị trong lưu vực sông này sẽ bị lũ nhấn chìm, trong đó khoảng 140 km2 sẽ ngập sâu trên 3m.

Tổng số hộ dân ở vùng ngập lụt của lưu vực sông này sẽ xấp xỉ 150.000 hộ, tập trung lớn nhất tại 2 huyện Đại Lộc và Điện Bàn, mỗi huyện sẽ có ít nhất khoảng 47.000 - 48.000 hộ dân chịu cảnh ngập lũ, có nơi ngập sâu, tiếp theo là huyện Duy Xuyên với khoảng hơn 23.000 hộ dân và TP Hội An (hơn 8.000 hộ) phải hứng chịu cảnh ngập lụt nặng...

Lưu vực sông Kone - Hà Thanh (Bình Định)

(Kịch bản ứng với mức báo động III tại Bình Nghi)

Tháng 11/2013, mưa lớn cùng với các hồ chứa xả lũ bất ngờ đã khiến lũ trên lưu vực sông Kone lên cao lịch sử, nhiều đoạn đê đã bị vỡ, hàng loạt vùng dân cư chìm nghỉm trong nước, người dân không kịp trở tay. Một vùng rộng lớn khoảng hơn 270 km2, bao gồm các huyện như An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Tây Sơn, TP Quy Nhơn với gần 47.000 hộ dân đã bị lũ bao phủ. Nghiêm trọng nhất là huyện Tuy Phước có hơn 24.000 hộ dân; huyện An Nhơn hơn 9.000 hộ dân, TP Quy Nhơn với hơn 11.000 hộ dân đều bị ngập sâu...

Theo tính toán của Viện Khoa học thủy lợi VN, nếu lũ tại Bình Nghi năm 2014 lên mức trên báo động III, sẽ khiến ít nhất khoảng 3.344 ha, tương đương với 2.130 hộ dân sẽ bị ngập lũ, trong đó gần 3.000 ha sẽ bị ngập nặng, chủ yếu tại các huyện Tuy Phước (872 hộ dân); Phù Cát (527 hộ dân); TP Quy Nhơn (663 hộ dân)...

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm