| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 17/04/2012 , 09:26 (GMT+7)

09:26 - 17/04/2012

Báo chí hóa… tin đồn

Một điều cần phải nhấn mạnh rằng, chính báo chí, đặc biệt là báo mạng, đã vô tình tiếp tay cho những tin đồn thất thiệt khiến dư luận hoang mang...

Mẫu gạo thu được từ sinh viên tên Mạnh

Mới đây, các báo mạng đồng loạt đưa tin, một sinh viên đang tạm trú tại phố Giáp Nhị (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã đi mua 5 kg gạo trên phố Giáp Nhị với mức giá 14.000 đồng/kg. Loại gạo này có hình dạng dài và to hơn các loại gạo bình thường, màu trắng đục và bề ngoài bóng bắt mắt.

>> Gạo “lạ” được minh oan
>> Thực hư gạo “lạ”: Bộ Y tế đã vào cuộc
>> Ba giờ truy tìm gạo “lạ”
>> Kiểm tra đại lý bị nghi bán gạo giả
>> Gạo nghi giả xuất hiện ở Hà Nội

Gạo không có mùi thơm đặc trưng của cám gạo, mà có mùi “lạ”, gần giống như mùi nhựa. Khi nấu thành cơm, anh này và một số người bạn cùng ở trọ phát hiện ra cơm không nở như các loại gạo bình thường, các hạt gạo rời rạc bất thường. Một tờ báo mạng còn loan tin chi tiết, thay vì mùi thơm của cơm, cả nồi nồng nặc mùi nilon, xen kẽ mùi nhựa tổng hợp khó ngửi và không thể ăn.

Thế là rộ lên tin đồn Hà Nội xuất hiện gạo giả. Các bà nội trợ xôn xao bàn tán và hoang mang. Còn những người có tâm hồn lãng mạn thì buồn cho “Hạt gạo làng ta, có bão tháng bảy, có mưa tháng ba...” thì nay cũng là hạt giả.

Ác nỗi cái tin gạo giả quá nhạy cảm, ngay lập tức các cơ quan chức năng vào cuộc. Không phải chỉ có riêng Bộ Y tế, thêm 3 bộ nữa là Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT, Bộ KHCN cùng nhập cuộc. Mà không vào cuộc sao được, ngộ nhỡ đúng gạo nilon thật thì sao?

Và tin gạo giả được khẳng định là không xác thực.

Mới hơn, người ta lại đồn trong một sản phẩm thức ăn chăn nuôi có chứa chất tạo nạc, một trong những chất mà tồn dư của nó trong thức ăn cho người có thể gây ung thư. Ác hơn, sản phẩm chứa chất tạo nạc này lại nằm trong danh mục các sản phẩm được Bộ NN-PTNT cho NK làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Dân tình lại một phen nháo nhác vì tin đồn. Tuy nhiên, trong cuộc hội thảo mới đây, các nhà khoa học đã khẳng định, chất tạo nạc vẫn có thể sử dụng được với điều kiện nó nằm trong ngưỡng cho phép. Riêng bản thân sản phẩm nằm trong danh mục được NK kia, đương nhiên không phải chất cấm, rất có lợi cho vật nuôi.

Cũ hơn, có thời, nông dân miền Bắc “khóc ra máu” khi giá trứng gà trong chỉ một tuần giảm tới 40%. Tính ra, cứ mỗi quả trứng, nông dân lỗ đứt 400 đồng. Nhưng gà không thể “ngừng đẻ” dù “nỗi lo gà đẻ trứng” dày lên từng ngày theo những sọt trứng ế. Là bởi chi phí cho việc kìm gà đẻ còn lỗ hơn. Thôi thì cứ đẻ, lỗ 400 đồng còn hơn lỗ 1.000 đồng. Nông dân sợ “báo”, sợ “bão”, sợ tin đồn thất thiệt hơn sợ dịch. “Bão tẩy chay” trứng gà xảy ra ở hàng loạt các tỉnh miền Bắc khiến nhiều trang trại cả tuần không bán được, dù chỉ 1 quả, chỉ vì tin đồn xuất hiện trứng giả.

Rồi lại có thời, không ai ở Việt Nam dám ăn bưởi, bởi tin rằng, trong bưởi có chất gây ung thư. Và, cũng từ tin đồn, vải thiều Lục Ngạn, Thanh Hà đã có phen “cho chẳng ai lấy” chứ đừng nói là bán, vì có tin đồn (bậy) ăn vải gây nên bệnh... viêm não Nhật Bản.

Trời ơi. Còn thiếu cái gì mà không giả: Thuốc tân dược giả, rượu giả, bằng cấp giả, thuốc trừ sâu giả, phân bón giả... Và cả ngực, mông phụ nữ cũng có thể giả nốt, nếu các người đẹp có nhu cầu. Và, còn thiếu gì những tin đồn ác ý nữa. Tất cả nhằm vào những nhu yếu phẩm, thực phẩm hằng ngày mà người làm ra sản phẩm là nông dân.

Một điều cần phải nhấn mạnh rằng, chính báo chí, đặc biệt là báo mạng, đã vô tình tiếp tay cho những tin đồn thất thiệt khiến dư luận hoang mang. Dù đúng, dù sai, nhưng “báo chí” thực sự đã “giết” nông dân không ít lần.

Tất nhiên, không phải dòng tin nào của báo chí cũng là tin đồn thất thiệt. Nhưng dòng tin nào, dù thất thiệt hay không đều gây ra “bão dư luận”. Và, có người lại đặt câu hỏi ngược: Khi tin đồn “bão hòa”, thì dư luận sẽ thế nào nếu xảy ra sự thật có thực phẩm giả, thực phẩm bẩn?

Thật khó lắm thay!