| Hotline: 0983.970.780

40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc

Báo chí phản ánh Trung Quốc xâm lược Việt Nam năm 1979

Thứ Bảy 16/02/2019 , 13:15 (GMT+7)

Ngày 17 tháng 2 năm 1979, Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã ra Tuyên bố về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của những người cầm quyền Trung Quốc:

“Ngày 17 tháng 2 năm 1979, những người cầm quyền Trung Quốc đã ngang nhiên bắt đầu tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Chúng đã dùng nhiều sư đoàn bộ binh, thiết giáp, pháo binh có không quân yểm trợ, mở cuộc tiến công ồ ạt trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Chúng đã tiến công các thị xã Lào Cai, Móng Cái, các thị trấn Đồng Đăng, Mường Khương nằm sâu trong lãnh thổ Việt Nam. Chúng đã đánh chiếm nhiều đồn biên phòng, nhiều vùng đất thuộc các huyện Đình Lập, Tràng Định, Lộc Bình, Văn Lãng của tỉnh Lạng Sơn; Trà Lĩnh, Hà Quảng, Quảng Hòa của tỉnh Cao Bằng; Mường Khương, Bát Xát của tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Lào Cai - PV); Bình Liêu của tỉnh Quảng Ninh. Chúng đã gây ra nhiều tội ác nghiêm trọng, gây tổn thất lớn về người và của cho nhân dân Việt Nam”.

Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam nêu rõ: “Nhân dân Việt Nam là một dân tộc kiên cường, anh dũng, bất khuất, đã từng đánh thắng mọi kẻ xâm lược, tin tưởng sắt đá rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, lại được anh em bè bạn khắp năm châu đồng tình và ủng hộ mạnh mẽ, nhất định sẽ đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của những người cầm quyền Trung Quốc, bảo vệ độc lập chủ quyền của mình và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á và trên thế giới”.

51760233-1019014614968390-2092640806870450176-n144927276
Xã luận tuần Báo Đại đoàn kết, ra ngày thứ bảy, 24 tháng 2 năm 1979

Xã luận tuần Báo Đại đoàn kết, ra ngày thứ bảy, 24 tháng 2 năm 1979 viết:

“Một lần nữa, Tổ quốc ta lại phải chiến đấu chống bọn xâm lược từ phương Bắc đến.

Ngày 17 tháng 2 năm 1979, bọn phản động Trung Quốc đã ngang nhiên gây chiến tranh xâm lược nước ta trên toàn tuyến biên giới. Bước chân chúng đến đâu là máu nhân dân ta đổ, của cải, trâu bò bị cướp đoạt, nhà cửa, ruộng vườn bị tiêu hủy. Nhưng từ những giờ phút đầu tiên xâm phạm lãnh thổ nước ta, bọn xâm lược đã vấp phải lũy thép của 6 tỉnh biên giới. Quân và dân ta, ngay tức khắc, đã quật cho chúng những đòn trừng trị đích đáng. Trong hai ngày 17 và 18 tháng 2 năm 1979, trên ba ngàn rưỡi tên bị tiêu diệt, hơn 80 xe tăng phơi xác.

Chiến công đầu oanh liệt trên tuyến đầu biên giới làm nhân dân cả nước ta nức lòng, bè bạn năm châu hả dạ, kẻ thù khiếp sợ, hoang mang”.
 

Cả nước thể hiện quyết tâm chống xâm lược

Đông đảo trí thức Thủ đô Hà Nội cùng lên tiếng nói thể hiện chung sự phẫn nộ trước hành động xâm lược Việt Nam của Trung Quốc 40 năm về trước. Tiến sĩ Trần Thị Ân (Trường Đại học Y Hà Nội) bày tỏ: “Tập thể cán bộ, nhân viên, sinh viên trường Đại học Y Hà Nội đã chuẩn bị tinh thần vượt qua mọi trở lực để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ giảng dạy và học tập. Tất cả trường đã sẵn sàng làm nhiệm vụ, phục vụ chiến đấu và chiến đấu”.

Luật sư Đỗ Xuân Sảng (Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội) khẳng định: “Thủ đoạn xấu xa, âm mưu thâm độc, cuồng vọng bá quyền của bọn phản động Trung Quốc, qua sự việc ngày 17 tháng 2 năm 1979, đã bộc lộ hoàn toàn. Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam là một thách thức lớn đối với dân tộc ta, đối với công pháp quốc tế và loài người tiến bộ”.

Tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội - PV), chỉ 1 ngày sau khi Trung Quốc nổ súng xâm lược, đã có hàng trăm lá đơn xin nhập ngũ. Thậm chí, đã có những lá đơn viết bằng máu tình nguyện tòng quân.

“Cùng với đồng bào và chiến sĩ cả nước, Hà Nội sục sôi căm hờn, sẵn sàng tay búa tay súng, tay cày tay súng, tay bút tay súng và tay đàn tay súng, viết tiếp những trang sử chói lọi của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội”, Báo Đại đoàn kết tường thuật.

51308461-2327418860610112-220808774108053504-n14492749
Báo chí đưa tin nhân dân Việt Nam chống Trung Quốc xâm lược (1979)

“Tôi giận run lên, khi nghe đài phát thanh thông báo tin: Trung Quốc mang quân xâm lược nước ta qua biên giới phía Bắc. Đó là một hành động thách thức thô bạo. Thanh niên xung phong TP. Hồ Chí Minh chúng tôi đã sẵn sàng xung phong ra phía trước, sẵn sàng đáp lời Đảng gọi vào bất cứ thời điểm nào, để được chiến đấu chống kẻ thù. Riêng tôi, đã từng được ra phục vụ biên giới Tây Nam, tôi thấy rõ tội ác của bọn phản động Pôn Pốt - Iêng Xa-ry đối với đồng bào ta do quan thầy chúng là Trung Quốc xúi giục, nên lòng căm thù giặc của tôi càng mãnh liệt…”, chị Huỳnh Thị Sự - thay mặt lực lượng TNXP Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ.
 

Thế giới lên án Trung Quốc xâm lược Việt Nam (1979)

Ngay khi biết tin Trung Quốc xâm lược Việt Nam ngày 17 tháng 2 năm 1979, Chính phủ các nước trên thế giới, các tổ chức quốc tế, đã lên án hành động này của chính quyền Bắc Kinh và bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với nhân dân Việt Nam.

Xe tăng Trung Quốc bị quân và dân ta bắn hạ ở bản Sẩy, Hòa An, Cao Bằng lúc 8 giờ sáng 17/2 - Ảnh: Mạnh Thường

Ngày 18 tháng 2 năm 1979, Chính phủ Liên Xô ra tuyên bố nêu rõ: “Không một người lương thiện nào trên thế giới, không một quốc gia có chủ quyền nào có thể dửng dung trước việc quân đội Trung Quốc xâm nhập lãnh thổ Việt Nam là nước mới gần đây đã đánh lui cuộc xâm lược của nước ngoài”. Chính phủ Liên Xô cũng khẳng định: “Liên Xô kiên quyết đòi chấm dứt cuộc xâm lược và rút ngay quân đội Trung Quốc ra khỏi lãnh thổ Cộng hòa XHCN Việt Nam”.

Cùng với Liên Xô, Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Hội đồng Nhân dân Cách mạng Campuchia, Cộng hòa Dân chủ Đức, Ấn Độ, Mông Cổ, Cuba, Tiệp Khắc, Ba Lan,… đã ra tuyên bố yêu cầu Trung Quốc rút quân khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế, Hội Hữu nghị Anh - Việt, Hội Phần Lan - Việt Nam cũng đã ra tuyên bố vạch rõ việc Trung Quốc xâm lược Việt Nam ngày 17 tháng 2 năm 1979 là vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc, đe dọa trực tiếp đối với hòa bình và an ninh của tất cả các nước. Các bản tuyên bố đều bày tỏ ủng hộ nhân dân Việt Nam, yêu cầu chính quyền Bắc Kinh rút quân ngay khỏi Việt Nam.

Nhà báo Ta-ca-nô hy sinh tại Lạng Sơn

14-41-47_tcno2

Nhà báo I-sa-ô Ta-ca-nô (ngoài cùng bên phải trong ảnh), phóng viên thường trú Báo Cờ Đỏ - cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản tại Việt Nam, đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ đưa tin về chiến sự tại Lạng Sơn. Viên đạn của quân Trung Quốc đã cướp đi tính mạng của một nhà báo tài hoa 36 tuổi.

Ngày 13 tháng 3 năm 1979, lễ truy điệu nhà báo I-sa-ô Ta-ca-nô được tổ chức trọng thể tại Câu lạc bộ Quốc tế (Hà Nội).

 

(Kiến thức gia đình số 7)

Xem thêm
Nhịp sống giới trẻ phản ánh trong bộ phim ‘Bóng của thị thành’

Nhịp sống giới trẻ thời công nghệ số có những màu sắc bất ngờ, thể hiện qua bộ phim ‘Bóng của thị thành’ phát sóng trên HTV7, Đài truyền hình TP.HCM.

Rượt đuổi mãn nhãn, Man United đả bại Liverpool tại Cúp FA

Trận Tứ kết Cúp FA giữa Man United vs Liverpool đã diễn ra với kịch bản không ngờ khi hai đội rượt đuổi nghẹt thở trong suốt 120 phút của trận đấu. 

120 vận động viên tham gia giải dù lượn trên cao nguyên đại ngàn

Giải dù lượn tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) sẽ quy tụ 120 vận động viên, trong đó có 41 vận động viên người nước ngoài tham gia tranh tài.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.