| Hotline: 0983.970.780

Báo động an toàn thực phẩm

Thứ Tư 27/08/2014 , 09:48 (GMT+7)

Nhiều chuyên gia khẳng định: tình trạng mất  ATTP nông sản, thủy sản ở nước ta đang ở mức báo động!

Từ kết quả thực hiện Chương trình giám sát thí điểm an toàn thực phẩm (ATTP) nông sản, thủy sản tại TP.HCM và TP Cần Thơ (từ tháng 5/2013 – 4/2014) của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (QLCL NLS&TS, Bộ NN-PTNT), nhiều chuyên gia khẳng định: tình trạng mất  ATTP nông sản, thủy sản ở nước ta đang ở mức báo động!

Tỷ lệ nhiễm Salmonella ở thịt cao ngất ngưởng

Sáng qua (26/8), tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo Phổ biến kinh nghiệm thực hiện Chương trình giám sát thí điểm ATTP nông, thủy sản.

Theo Cục QLCL NLS&TS, qua một năm thực hiện Chương trình giám sát thí điểm ATTP nông sản, thủy sản, tổ công tác tại TP.HCM đã phát hiện vi khuẩn Salmonella trong 71 mẫu thịt lợn trong tổng số 231 mẫu kiểm nghiệm (chiếm 30,74%); phát hiện 105 mẫu thịt gà trong tổng số 231 mẫu kiểm nghiệm có Salmonella (chiếm 45,45%).

Thực hiện truy xuất số thịt lợn, gà nhiễm Salmonella trên, tổ công tác không thể tìm được lò mổ do người bán không cung cấp đầy đủ thông tin.

Bà Vũ Thanh Hoa, đại diện cán bộ thực hiện Chương trình giám sát thí điểm, Cục QLCL NLS&TS nhận định: Kết quả này phản ánh điều kiện bảo đảm ATTP tại các cơ sở SX kinh doanh thịt heo, thịt gà còn nhiều bất cập. Nhiều điểm giết mổ thủ công không đảm bảo vệ sinh ATTP như sử dụng nước giếng khoan (chưa được kiểm soát), trong quá trình giết mổ; người lao động chưa tuân thủ các thao tác quy định nhằm đảm bảo ATTP (để thịt trên sàn, không mang bảo hộ lao động, không rửa tay…).

Kết quả phân tích dư lượng thuốc BVTV trên mẫu rau ăn lá, rau ăn quả thu tại các khu vực chợ đầu mối tại TP.HCM đã phát hiện 11 mẫu trong 234 mẫu rau ăn lá có dư lượng thuốc BVTV vượt quá giới hạn cho phép, chiếm tỷ lệ 4,70%. Phát hiện 11 mẫu trong 129 mẫu rau ăn quả có dư lượng thuốc BVTV vượt quá giới hạn cho phép, chiếm tỷ lệ 8,53%.

 Đặc biệt, tổ công tác đã phát hiện dư lượng hoạt chất thuốc BVTV cấm sử dụng Methamidophos trong mẫu cà chua và rau cải. Như vậy, kết quả các Chương trình giám sát cho thấy người trồng rau vẫn chưa thực sự có ý thức trong việc sử dụng thuốc BVTV đúng cách, hiệu quả và đảm bảo thời gian cách ly.

Tại TP Cần Thơ, tổ công tác đã phát hiện dư lượng kháng sinh cấm sử dụng (Enrofloxacin, AHD) và dư lượng kháng sinh hạn chế sử dụng (Ciprofloxacin, Oxytetracycline, Chloratracycline) vượt giới hạn tối đa cho phép trong một số mẫu cá lóc, cá rô (27 trong tổng số 231 mẫu kiểm nghiệm, chiếm 11,69%) được lấy tại chợ.

Đối với sản phẩm gạo, trong tổng số 231 mẫu kiểm nghiệm đã phát hiện 18 mẫu có dư lượng 4 hoạt chất thuốc BVTV vượt quá giới hạn tối đa.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục QLCL NLS&TS: "Khi đọc kết quả phân tích các mẫu kiểm nghiệm của Chương trình giám sát thí điểm ATTP nông sản, thủy sản tại TP.HCM và Cần Thơ, có thể sẽ có người bị choáng, nhưng tôi tin đó là thực tế, thậm chí còn tệ hơn, do Việt Nam chưa có đầy đủ các quy định về mức giới hạn tối đa cho phép của một số chỉ tiêu giám sát (thuốc BVTV) trong một số nhóm thực phẩm thuộc Chương trình giám sát, nên chúng tôi không thể đánh giá hết được".

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục QLCL NLS&TS cho rằng: Ở những khu vực SX nông nghiệp nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong vùng, chất lượng nông sản, thủy sản được đảm bảo tốt hơn. Tuy nhiên, những vùng SX lớn để cung cấp cho các tỉnh khác, tình trạng mất ATTP rất đáng báo động. Các đô thị, thành phố lớn thường có tỷ lệ vi phạm ATTP lớn hơn, do đây là nơi thâu nhận sản phẩm nông sản, thủy sản của các tỉnh lân cận.

Khó truy xuất nguồn gốc xuất xứ

Một cán bộ phòng QLCL NLS&TS TP.HCM, chia sẻ: “Nguồn cung thịt heo của TP.HCM chủ yếu là các tỉnh Long An và Đồng Nai. Đa phần các cơ sở giết mổ tại đây không đảm bảo ATVSTP, mổ trên nền đất dẫn đến nguy cơ nhiễm Salmonella cao. Việc truy xuất nguồn gốc các mẫu thịt nhiễm Salmonella đến các lò mổ rất khó khăn do nằm ngoài địa bàn quản lý”.

Theo đại diện Chi cục QLCL NLS&TS Cần Thơ, nhiều đầu nậu thu mua cá tại các vùng thủy sản khác nhau (Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau…), sau đó trộn vào và phân loại theo kích cỡ để bán. Bên cạnh đó, hầu hết các tỉnh chưa có trạm kiểm soát các sản phẩm tiêu thụ nội địa, do đó việc truy xuất đến các hộ nuôi không thể thực hiện được.

Ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục PTNT và QLCL NLS&TS Đà Nẵng thẳng thắn: "Mỗi ngày lượng rau, củ, quả nhập vào Đà Nẵng khoảng 120 tấn, trong đó củ, quả có nguồn gốc từ Trung Quốc chiếm 8 – 10%. Từ lãnh đạo TP đến người dân đều hoài nghi về chất lượng ATTP. Thực tế, người dân khi mua hoa quả về đặt lên bàn thờ 1 tháng không thối.

 Vừa rồi trên địa bàn TP cũng đã phát hiện một mẫu gạo lạ, khi ngâm vào nước sau 24 giờ sẽ bốc mùi hôi thối và có mùi xăng. Hiện tại, Chi cục đã gửi mẫu gạo đi phân tích, nhưng chắc chắn nó có vấn đề bởi dù là gạo mốc thì cũng không bao giờ có mùi xăng. Hiện tại, công an đã vào cuộc điều tra, nhưng vẫn không truy xuất được nguồn gốc xuất xứ".

Tại Thanh Hóa, tháng 7/2014, Chi cục QLCL NLS&TS lấy 20 mẫu kiểm nghiệm rau thì 6 mẫu nhiễm hoạt chất cấm. Đây là những con số đáng báo động về tình trạng mất ATTP nông sản, thủy sản.

Xem thêm
Giá cá lóc tăng 5.000 đồng/kg, nông dân vẫn không có lãi

Tại Trà Vinh, cá lóc bán tại ao tăng thêm 5.000 đồng/kg so với đầu năm, nhưng người nuôi chỉ hòa vốn đến thua lỗ nếu xuất bán.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Teccombank hướng dẫn đối phó ứng dụng giả mạo, lừa đảo qua mạng

Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới, những kẻ lừa đảo không ngừng nghĩ ra những cách thức mới để lừa tiền của nạn nhân.