| Hotline: 0983.970.780

Báo động căn bệnh cứ 3 giây có 1 người mắc

Chủ Nhật 16/09/2018 , 14:05 (GMT+7)

Hiện nay trên toàn thế giới có khoảng 35,6 triệu người bị sa sút trí tuệ (SSTT) và cứ 3 giây lại có thêm 1 người bị sa sút trí tuệ mới. Trong khi đó tại Việt Nam, có khoảng 1,2-1,3 triệu người bị sa sút trí tuệ.

Dự báo trong thời gian tới số người mắc các bệnh này còn cao hơn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của rất nhiều người.
 

Bệnh khởi phát rất chậm

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nêu ra tại hội thảo “Sa sút trí tuệ quốc gia lần thứ nhất” do Bộ Y tế phối hợp với Viện lão khoa Quốc gia tổ chức vào sáng 7/9 tại Hà Nội. Theo Thứ trưởng, dân số Việt Nam hiện nay gần 100 triệu người. Chất lượng cuộc sống của người dân tăng lên, chính vì vậy tuổi thọ bình quân đã tăng lên đáng kể. Hiện nay, tuổi thọ bình quân của người dân Việt Nam là 74-75 tuổi.

05-23-15_sstt
Ảnh minh họa

Đáng lưu ý với những người cao tuổi là tuổi càng cao thì những vấn đề sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer xuất hiện ngày càng nhiều. Đây là một trong những gánh nặng về sức khỏe không chỉ ảnh hưởng đến một người mà còn ảnh hưởng đến nhiều gia đình và cộng đồng.

Trong số các biểu hiện của SSTT thì bệnh Alzheimer là một biểu hiện bệnh điển hình. Đây loại bệnh tiến triển ngày càng nặng dần với đặc điểm là sự hủy diệt từ từ các tế bào thần kinh trong não. Bệnh ít khi xuất hiện trước tuổi 65 và tuổi càng cao thì khả năng bị mắc bệnh ngày càng tăng. Hiện nay tại Mỹ cứ trong mỗi 20 người ở lứa tuổi 65 thì có 1 người bị bệnh này, còn ở lứa tuổi bằng hoặc trên 85 thì có 3 đến 5 người bị bệnh.

Theo BS Lê Quốc Nam, Bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh, ngoài tuổi tác, một số yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ bị bệnh này bao gồm: Nữ giới, có cha mẹ hoặc anh chị em ruột bị bệnh này,tiền sử chấn thương đầu, đã bị hội chứng Down. Khoảng 30% bệnh nhân có ảo giác và 30% bệnh nhân có hoang tưởng. 40 – 50% bệnh nhân có các triệu chứng trầm cảm và lo âu.

Bệnh thường khởi phát rất chậm và dần dần theo thời gian sẽ trở nên nặng hơn. Các triệu chứng xuất hiện đầu tiên thường là thay đổi tính tình và giảm trí nhớ. Người bệnh trở nên dễ mệt mỏi, tức giận hoặc lo âu. Thường hay quên đồ dùng mình để chỗ nào nên hay mất thời gian tìm kiếm. Ủi quần áo hoặc vặn nước thường quên tắt sau khi làm xong. Đi đến những nơi quen thuộc thì dễ dàng nhưng nếu đến những nơi lạ thì dễ lạc đường. Sự suy giảm trí nhớ bệnh lý này khác với sự giảm trí nhớ nhẹ có thể gặp ở người già bình thường .

“Dần dần trí nhớ người bệnh ngày càng giảm. Họ thường quên tên của món đồ mà họ muốn gọi, quên tên các bạn thân, không hiểu các con số trên hóa đơn tính tiền, không hiểu những gì mình đọc trong sách báo, không thể viết và không thể lập được kế hoạch làm việc hằng ngày. Lúc này người bệnh bắt đầu khó hoà nhập vào môi trường xã hội chung quanh, thường dễ nổi giận vô cớ, hay la lối, ăn mặc không phù hợp với hoàn cảnh.

Cuối cùng người bệnh trở nên lú lẫn, không biết ngày tháng năm, không nói được tên địa danh nơi họ đang sống, nếu đi ra khỏi nhà thì thường hay đi lang thang và không tìm được đường về, đêm khó ngủ, không thể nói chuyện mạch lạc với người chung quanh, quên tên và không nhận ra con cái, không thể tự làm những việc cơ bản hằng ngày như tắm rửa, ăn uống, làm vệ sinh cá nhân. Lúc này người thân sẽ phải chăm sóc bệnh nhân về mọi mặt và trong mọi lúc”, BS Nam nhấn mạnh.

Thời gian sống trung bình của người bệnh từ lúc phát bệnh đến lúc chết thường là từ 8 - 10 năm. Bệnh nhân thường chết vì suy kiệt hoặc do các bệnh lý phối hợp như viêm phổi, bệnh tim mạch…
 

Cách nào cải thiện?

Từng có nhiều năm gắn bó với những bệnh nhân sa sút trí tuệ (SSTT) trong đó không ít bệnh nhân mắc Alzheimer, Giáo sư Phạm Thắng - Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho hay, bệnh sa sút trí tuệ gây thoái hóa thần kinh với chi phí tốn kém trong chăm sóc.

Báo cáo của Quốc tế đã chỉ ra rằng, trong năm 2015 trên toàn cầu số giờ giành để chăm sóc cho những người SSTT sống ở nhà khoảng 82 tỷ giờ. Điều này tương ứng với 40 triệu lao động toàn thời gian trong năm 2025 và 65 triệu lao động toàn thời gian vào năm 2030 dành để chăm sóc người sa sút trí tuệ ở nhà.

“Mặc dù tại nước ta, sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer cũng bắt đầu được y học và xã hội quan tâm. Một số nghiên cứu đã được tiến hành để tìm hiểu tỷ lệ mắc bệnh, áp dụng những tiêu chuẩn để sàng lọc và chẩn đoán SSTT, bệnh Alzheimer tại Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng đề tài nghiên cứu về SSTT nói chung và bệnh Alzheimer nói riêng còn hạn chế, chủ yếu tập trung vào nghiên cứu lâm sàng, chưa có đề tài nào nghiên cứu về chất lượng cuộc sống của bệnh nhân Alzheimer, người chăm sóc cũng như các biện pháp điều trị hỗ trợ. Vì thế, chúng ta vẫn chưa có các chương trình và dịch vụ liên quan đến sa sút trí tuệ”, GS Thắng nói.

Trước thực trạng này, vị Giám đốc chuyên ngành lão khoa Trung ương cũng cho biết, trong thời gian tới hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được củng cố và thành lập mới để tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong cộng đồng. Việc đẩy mạnh mạng lưới chăm sóc sức khỏe người cao tuổi sẽ giúp phát hiện sớm và quản lý các bệnh trên hiệu quả, giảm bớt chi phí cho người bệnh.

(Kiến thức gia đình số 37)

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.