| Hotline: 0983.970.780

Báo động đỏ cháy rừng: “Cháy to thì...bó tay!”

Thứ Năm 25/02/2010 , 10:15 (GMT+7)

Thời gian qua, hàng loạt vụ cháy rừng quy mô lớn đã xẩy ra trên phạm vi cả nước. Xung quanh công tác phòng chống cháy rừng, ông Hà Công Tuấn – Cục trưởng Cục Kiểm lâm tỏ ra lo ngại: “Với đặc thù của rừng Việt Nam, nếu rừng cháy to thì xem như... bó tay”.

Ông Hà Công Tuấn – Cục trưởng Cục Kiểm lâm

Thời gian qua, hàng loạt vụ cháy rừng quy mô lớn đã xẩy ra trên phạm vi cả nước, mà nghiêm trọng nhất là vụ khoảng 1.700ha rừng tại VQG Hoàng Liên (Lào Cai) bị thiêu rụi. Xung quanh công tác phòng chống cháy rừng, ông Hà Công Tuấn – Cục trưởng Cục Kiểm lâm tỏ ra lo ngại: “Với đặc thù của rừng Việt Nam, nếu rừng cháy to thì xem như... bó tay”. 

>> Vụ cháy rừng VQG Hoàng Liên: Khi Phó Thủ tướng đi chữa cháy rừng
>> Đã khống chế được toàn bộ các đám cháy VQG Hoàng Liên
>> Sườn Tây VQG Hoàng Liên phát hoả

Theo Cục Kiểm lâm, năm 2009 diện tích rừng bị cháy của cả nước chỉ chưa đầy 1.500 ha. Trong khi đó thống kê sơ bộ cho thấy từ đầu năm 2010 đến nay, cả nước đã xẩy ra không dưới 15 vụ cháy rừng với mức độ nghiêm trọng, thiêu rụi hơn 1.100 ha rừng (chưa tính thiệt hại của vụ cháy VQG Hoàng Liên). Có 3 VQG ở miền Bắc đã xẩy ra cháy rừng là Ba Vì (dập tắt được ngay), Tam Đảo (cháy 2 ha) và gần đây nhất là vụ cháy rừng lớn lịch sử tại VQG Hoàng Liên. Đa số các vụ cháy rừng đều xẩy ra vào dịp Tết Nguyên đán Canh Dần.

Như vậy chỉ chưa đầy 2 tháng đầu năm 2010, số vụ cháy rừng và diện tích rừng bị cháy đã vượt xa cả năm 2009. Mà theo ông Tuấn, đó chỉ là thống kê những vụ cháy gây thiệt hại lớn về rừng mà báo chí phản ánh. Trên thực tế, số vụ cháy rừng gây thiệt hại trung bình và nhỏ lẻ thì xẩy ra hàng ngày. 

Vì sao năm nay cháy rừng lại xẩy ra nghiêm trọng như vậy, thưa ông?

Nhiều người nói do biến đổi khí hậu, thời tiết nóng lên nên cháy rừng nhiều. Hơn nữa năm nay hiện tượng El Nino hoạt động mạnh. Nền nhiệt độ mùa đông tăng 3 – 5 độ C so với mức trung bình nhiều năm. Mùa mưa ở miền Bắc kết thúc rất sớm nên rừng bị khô kiệt. Đặc biệt thời gian xẩy ra vụ cháy rừng lớn trước Tết Nguyên đán thời tiết đặc biệt khô hanh, mãi tới mồng 4 Tết mới có mưa phùn nhỏ nên nguy cơ cháy rừng cao là dễ hiểu. Hiện tượng El Nino này năm 2002 cũng đã từng gây ra cháy rừng trên diện rộng ở nước ta, và năm nay mới lặp lại. 

Nhưng có nguồn tin nói cháy rừng ở VQG Hoàng Liên là do người dân đốt nương làm rẫy?

Tôi chưa nói hết. Đúng là thời tiết chỉ là nguyên nhân khách quan, còn gây cháy rừng trực tiếp có tới 70% số vụ là do người dân. Vụ cháy rừng tại VQG Hoàng Liên chưa điều tra rõ nguyên nhân nhưng tôi nghĩ rất có thể do dân đốt rẫy hoặc đi chăn trâu bò đốt lửa sưởi gây ra.

Nên nhớ là rừng ở Việt Nam, đặc biệt những VQG rất khác với các nước trên thế giới. Ở các nước bay hàng dăm bảy tiếng trên không nhìn xuống chỉ thấy rừng bạt ngàn, không có dân cư sinh sống đan xen. Còn ở ta có thể cả một xã sinh sống trong VQG nên nguy cơ gây cháy là cực kỳ cao. Trong khi đó địa hình rừng, đặc biệt là rừng ở miền Bắc gây rất nhiều khó khăn cho công tác dập lửa nên mới xẩy ra những thiệt hại đáng tiếc như vụ cháy VQG Hoàng Liên vừa qua. 

Cụ thể, việc dập lửa như vụ cháy VQG Hoàng Liên gặp khó khăn gì thưa ông?

Ở độ cao trên 2.200m như VQG Hoàng Liên, muốn đưa các thiết bị chữa cháy như xe cứu hỏa, máy thổi gió, cưa xăng, công cụ xử lí thực bì, máy bơm...lên đó cũng chịu. Mà có đưa được máy bơm lên thì tìm đâu ra nước? Vì vậy cách chữa cháy duy nhất chỉ là lấy sức người dùng lá cây đập lửa, dùng dao rựa rạch đường băng ngăn cách thực bì ngăn lửa lây lan...Mà anh em Trạm Kiểm lâm muốn lên đó dập lửa cũng phải leo bộ ít nhất 3 – 4 giờ. Cả leo lên leo xuống phải mất một ngày, còn sức đâu mà chữa cháy? 

Các nước quanh ta công nghệ, phương tiện chữa cháy rừng thế nào? 

Ở các nước tiên tiến, trong trường hợp này chỉ có cách dùng trực thăng chữa cháy chuyên dụng chở nước xả xuống. Nhưng ở Hoàng Liên có trực thăng thì cũng “bó tay” vì loại trực thăng này chỉ lấy được nước ở những nơi có độ sâu trên 2,5m. Mà những khu vực như VQG Hoàng Liên thì tìm đâu ra chỗ nước sâu thế? Hơn nữa do độ cao quá lớn, trực thăng bay thấp thì quẩn gió không bay được, mà bay cao thì không thể xả được nước chính xác nên phương án này cũng vô dụng. Đó là còn chưa nói tới chuyện chữa cháy bằng trực thăng ở nước ta bây giờ còn quá yếu, lạc hậu và...xa xỉ!

 Tại các nước như Mỹ, Austraylia, Canada...hầu hết đều dập cháy rừng bằng loại máy bay chở nước hoặc dung dịch bọt dập lửa chuyên dụng đựng ngay trong bụng máy bay. 

Như vậy thiết bị chữa cháy rừng vẫn là bài toán nan giải?

“Đây đang là giai đoạn có nguy cơ cháy rừng cao nhất trong năm. Nguy cơ cháy rừng nguy hiểm còn kéo dài trong các khoảng từ nay tới giữa tháng 4/2010 và từ tháng 9 đến hết năm 2010. Nói cách khác chúng ta chưa đi hết giai đoạn đầu của mùa cháy rừng năm 2010 nên nhiệm vụ còn rất nặng nề”- ông Hà Công Tuấn – Cục trưởng Cục Kiểm lâm

Theo ước tính, một quốc gia có diện tích rừng trung bình muốn đảm bảo cho công tác chữa cháy rừng hiệu quả phải có ít nhất 3 phi đội máy bay chữa cháy chuyên dụng, mỗi phi đội gồm 5 máy bay (3 chiếc chữa cháy, 1 chiếc dẫn đường, 1 chiếc chỉ huy). Trong khi đó nước ta hiện chưa đủ 1 phi đội vì cả nước chỉ có 3 chiếc trực thăng chữa cháy (do Bộ Quốc phòng quản lí) phục vụ công tác này. Đây là loại trực thăng chữa cháy đã lạc hậu, chỉ chở được một chiếc thùng chứa tối đa 4m3 nước treo lủng lẳng bằng một sợi dây dài 14m phía dưới nên sử dụng rất khó khăn. Thực tế thì 3 chiếc trực thăng này lâu nay chỉ chủ yếu phục vụ công tác cứu hộ và diễn tập. 

Nói thế thì cháy rừng lớn chúng ta đành bó tay?

Phải xử lý theo điều kiện của Việt Nam thôi. Tôi cũng không ủng hộ chủ trương dùng máy bay chống cháy rừng do rất đắt (mỗi chiếc 22 – 30 triệu USD). Hơn nữa không phải năm nào cũng có cháy rừng lớn mua trực thăng rất lãng phí. Thực tế như Thái Lan đang có tới hơn 70 chiếc máy bay chữa cháy rừng loại này nhưng cũng kém hiệu quả. Mặt khác rừng nước ta không phải là rừng đại ngàn bằng phẳng như các nước châu Âu nên việc sử dụng loại máy bay này là không thiết thực.  

Cách hiệu quả nhất ở nước ta là sử dụng phương án chữa cháy tại chỗ. Thường xuyên nâng cao ý thức phòng cháy cho người dân. Đồng thời xây dựng các đường băng cản lửa, các bể nước dự trữ và chòi canh ở các khu rừng cao để Kiểm lâm thuận tiện kiểm tra. Khi lửa mới cháy thì một người cũng dập được, nhưng cháy to rồi thì 1.000 người cũng bó tay!

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.