| Hotline: 0983.970.780

Bão dữ lại nhằm thẳng miền Trung

Thứ Năm 31/10/2013 , 09:45 (GMT+7)

Chưa kịp hoàn hồn trước những bầm dập vì liên tiếp hai cơn bão số 10, số 11, miền Trung lại nơm nớp khi một cơn bão mạnh đang nhăm nhe nhằm thẳng.

* Hải quân Mỹ dự báo tâm bão vào giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình

Chưa kịp hoàn hồn trước những bầm dập vì liên tiếp hai cơn bão số 10, số 11, miền Trung lại nơm nớp khi một cơn bão mạnh đang nhăm nhe nhằm thẳng.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, sau gần 3 ngày hình thành và hoạt động ở vùng biển phía tây bắc Thái Bình Dương, đến hôm qua (30/10), áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, với tên quốc tế là Krosa (Con cò).


Vị trí và dự báo di chuyển bão Ksona của Hải quân Mỹ

Đến chiều qua, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,8 độ vĩ bắc, 128,4 độ kinh đông, cách đảo Luzon của Philippines khoảng 670 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 12, cấp 13. Dự báo tới hôm nay (31/10), bão Krosa tiếp tục di chuyển theo giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km và còn tiếp tục mạnh thêm.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, khoảng chiều tối đêm nay, bão sẽ đổ bộ qua phía đông bắc đảo Luzon, chính thức đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 12 trên biển Đông. Tới ngày 2/11, dự báo tâm bão sẽ áp sát phía bắc quần đảo Hoàng Sa.

Nhận định về hướng di chuyển của bão, ông Bùi Minh Tăng, GĐ Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương cho biết: Về cơ bản sau khi đi vào Biển Đông, sức gió sẽ vẫn duy trì mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 12, cấp 13.

Và tới ngày 3/11, xác suất tâm bão đi vào khoảng từ khu vực phía nam bán đảo Lôi Châu, tới phía nam đảo Hải Nam (Trung Quốc) chiếm khoảng 80 - 90%. Tuy nhiên sau đó, diễn biến bão sẽ hết sức phức tạp và khó lường do đây là cơn bão cuối mùa, cộng thêm từ khoảng ngày 2 - 3/11 dự báo sẽ có một đợt gió mùa tràn xuống phía nam. Vì vậy xu hướng tâm bão sẽ bị đẩy lùi xuống phía nam nước ta.

Mặc dù hiện tại, cơ quan KTTV của Việt Nam chưa đưa ra nhận định về địa điểm đổ bộ của bão, tuy nhiên theo dự báo của Hải quân Mỹ, địa điểm tâm bão sẽ đổ bộ vào khoảng giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình vào khoảng từ ngày 3 - 4/11.

Ông Bùi Minh Tăng cũng nhận định, ít nhất phải đến ngày 3/11, bão mới có khả năng ảnh hưởng tới đất liền. Cũng theo ông Tăng, mặc dù diễn biến sẽ phức tạp nhưng cơn bão này nhiều khả năng sẽ không mạnh và nguy hiểm như bão số 10 và 11, lượng mưa kèm theo bão cũng sẽ không lớn và rộng như bão số 10 và số 11 mà có thể chỉ tập trung vùng ven biển.

Tại cuộc họp triển khai công tác đối phó với bão Krosa hôm qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát lo ngại nhận định: Miền Trung hiện vẫn đang trong thời điểm giữa mùa mưa bão. Xét cả về kinh nghiệm dân gian lẫn hướng di chuyển dự báo cho thấy, nhiều khả năng bão sẽ lại đổ bộ vào miền Trung.

Bộ trưởng yêu cầu các địa phương và ngành chức năng xác định vùng nguy hiểm của bão là từ phía trên vĩ tuyến 15. Trước mắt, từ nay đến ngày 2/11, cần di chuyển khẩn cấp tàu thuyền ở vùng nguy hiểm trên về nơi an toàn bằng cách di chuyển vào bờ, vào tránh trú tại các đảo hoặc di chuyển xuống phía nam vĩ tuyến 15.

Bộ trưởng lưu ý đặc biệt sẵn sàng các phương án hỗ trợ ngư dân khi gặp sự cố trên đường di chuyển tránh trú bão, đồng thời đề nghị Bộ Ngoại giao có công hàm gửi phía Trung Quốc hỗ trợ ngư dân tránh bão trong trường hợp cần thiết.

Báo cáo của thường trực Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, đến hôm qua, vẫn còn 142 phương tiện với gần 1.400 ngư dân đang đánh bắt tại khu vực bắc và giữa biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa. Trong khi đó, theo Tổng cục Thủy lợi, hiện các hồ chứa khu vực Bắc Trung bộ đã đầy nước, các hồ thủy điện khác ở miền Trung, Tây Nguyên cơ bản đạt mực nước dâng bình thường và đang xả điều tiết.

Trước nguy cơ tiếp tục xảy ra mưa lớn khi bão Krosa đổ bộ vào đất liền, Bộ trưởng, Trưởng ban PCLB Trung ương Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương, các Bộ ngành khẩn trương triển khai các phương án thông báo sớm và cảnh báo cho nhân dân tại các lưu vực hạ du các hồ chứa trong trường hợp phải xả nước cấp bách, đặc biệt cần đề phòng các sự cố hồ đập.

Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Thủy lợi khẩn cấp có công văn yêu cầu các địa phương và đơn vị vận hành hồ chứa triển khai ngay việc rà soát, lên kế hoạch xả điều tiết hồ chứa để hồ có khả năng phòng chống lũ. “Tinh thần chung là cố gắng nước về bao nhiêu chảy ra bấy nhiêu khi có mưa lớn, nhưng cần hết sức đề phòng sự cố bất ngờ.

Bên cạnh đó, tại các vùng lưu vực sông ở miền Trung như sông Hương, Thu Bồn, Vu Gia... phải hết sức cảnh giác, nếu có mưa lớn lũ lên rất nhanh” - Bộ trưởng lưu ý.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.