| Hotline: 0983.970.780

Bao giờ Chủ tịch Hà Nội ra quân dẹp xây dựng trái phép ở nông thôn?

Thứ Tư 22/03/2017 , 09:20 (GMT+7)

Chỉ rõ chuyện 180 quán bia hơi vỉa hè có 150 quán có công an đứng đằng sau rồi điều hành quyết liệt “cuộc chiến” giành lại vỉa hè ở thành phố nhưng có một “chiến trường” vẫn còn bị bỏ ngỏ, đang chờ Chủ tịch UBND Hà Nội chỉ đạo. Đó là chuyện lấn chiếm đất công và xây dựng, chuyển đổi trái phép trên đất nông nghiệp ở các huyện ngoại thành…

Sai phạm tràn ngày, tràn tháng

Ở các huyện ngoại thành, nhất là những nơi giáp ranh với thành phố Hà Nội người ta có trăm mưu ngàn kế để lấn chiếm đất công, hành lang an toàn giao thông, đê điều mà nhất là biến đất nông nghiệp thành cửa hàng, nhà xưởng, thậm chí là nhà ở. Chuyện xảy ra ở huyện Thường Tín là một ví dụ cụ thể.

17-55-49_dsc_7539
Một nông dân hiếm hoi trên cánh đồng.
 

Trên địa bàn xã Văn Tự thì Nguyên Hanh là nơi xảy ra nhiều trường hợp vi phạm nhất. Ở đây nghề mộc và nghề cơ khí rất phát triển nên tiếng là có 423 mẫu đất ruộng nhưng đều chung một hiện trạng “bỏ thì thương, vương thì tội”, bởi dù có chuyển đổi sang cây trồng gì cũng không thể hiệu quả bằng. Các nghề phụ sơ đẳng nhất như đánh giấy ráp công đã 150.000đ/ngày rồi còn làm thợ thì trung bình công phải 200.000-300.000đ/ngày. Bởi vậy mà có đến gần chục mẫu ruộng của Nguyên Hanh bị bỏ hoang.

Trước sức ép của việc phát triển nhanh chóng của các nghề, địa phương cũng đã có kế hoạch lập một làng nghề ở cuối làng. Tiếc là dăm bảy năm rồi mà nó vẫn chưa thành hình. Nhu cầu mặt bằng bí bách khiến cho người dân tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp. Khoảng 12 mẫu ruộng đã được đổ đất, đắp nền trong đó khoảng 10 mẫu đã trở thành nhà xưởng, kho tàng, tập trung nhiều nhất ở đồng Ven, đồng Trung và Là Đá.

Sau mỗi lần bị cưỡng chế người dân lại rút ra kinh nghiệm để đối phó. Họ làm sẵn khung xưởng bằng sắt thép, thuê ô tô chở ra đồng, thuê cần cẩu cẩu lên rồi hàn chết luôn nên chỉ một hai tiếng là xong một cái nhà, nhanh còn hơn cả trong truyện cổ tích.

Nếu đang dựng xã hoàn toàn có thể ngăn cản nhưng khi dựng xong nhà thì phải thủ tục, quyết định cưỡng chế rất rườm rà. Lợi dụng điều đó nên vào các ngày lễ, Tết, bầu cử hay đại hội Đảng người dân lại ra đồng dựng lều lán trộm.

Đến khi địa phương tổ chức cưỡng chế thì điều người ra. Toàn là đàn bà, con gái, thậm chí còn mặc nguyên cả đồ ngủ áo hai dây ngăn cản, giành giật quyết liệt khiến cho công an, chính quyền cũng chùn tay phó mặc bởi đêm tối không chừng dính gạch đá đã đành có khi còn mang tiếng vi phạm nhân quyền với phụ nữ. Bởi vậy mà sau mỗi lần ra quân đâu lại vào đấy. Bởi vậy mà giờ đây cánh đồng Ven, Là Đá có mấy chục cơ sở sản xuất mọc lên sầm uất tựa như một khu công nghiệp làng nghề.

Có vụ đất lưu không của làng bị lấn chiếm, trưởng thôn tỏ ý phản đối thì xã hội đen kéo lê dao kiếm loẹt xoẹt suốt ngày qua nhà khiến cho ông nhụt chí bởi đất công của riêng đâu mà đòi, không khéo lại không phải đầu cũng phải tai.

Nhà xưởng cái sau to hơn cái trước vì người ta đã kịp mua gom đất rồi góp chung vốn. Quả thực là, trên những mảnh đất sai phạm ấy, người dân thu được hiệu quả gấp 50, 70 thậm chí 100 lần so với trồng lúa nên càng lúc càng bám trụ, càng lúc càng hình thành xu thế khó có thể mà chống đỡ được.

Không chỉ thế, các mảnh đất ven quốc lộ 1 cũ trước vốn là thùng vũng, ao chuôm nay nhiều chỗ đã bị san phẳng để lập bãi, làm kho tập kết vật liệu, gỗ lạt. Tiếp xúc với tôi, một người dân lý giải bởi không có mặt bằng cho sản xuất nên họ mới làm liều, vượt qua cả pháp luật. Dân làng chỉ ao ước có được quy hoạch một cụm công nghiệp để được di dời vào mà thôi.
 

Kỹ nghệ biến đất ruộng thành nhà xưởng

Xã Vạn Điểm huyện Thường Tín từ lâu nổi lên như một điển hình của hiện tượng chuyển đổi chui đất lúa thành nhà xưởng. Xã có ba thôn gồm Đỗ Xá, Đặng Xá và Vạn Điểm thì tất thảy đều xảy ra tình trạng lấn chiếm, sử dụng sai mục đích đất với trên dưới 200 nóc nhà xưởng hay nhà kho các loại. Tiếng là nông dân chỉ có quyền sử dụng đất nhưng trên thực tế gần như họ đã sở hữu ruộng đất để mặc sức chuyển đổi.

17-55-49_dsc_7523
Nhà xưởng dựng trên đất nông nghiệp
 

Thời buổi này, nhà nào có ruộng bám mặt đường, nhỏ từ đường làng, đường liên xã đến to như huyện lộ, tỉnh lộ, quốc lộ thì còn hơn cả bắt được hũ vàng. Vàng tiêu dần sẽ hết còn lợi thế về đất thì khai thác mãi cũng chẳng mòn đi. Thế là một kỹ nghệ biến đất nông nghiệp thành đất sử dụng cho mục đích khác bắt đầu.

Bước thứ nhất, họ đổ cát hay gạch vỡ xuống ruộng. Xã ra ngăn cản dân chống chế bảo ruộng gần đường nên nhiều người vứt rác, bồi lấp không cấy được lúa nữa, xin được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, cây lâu năm. Bước thứ hai đặt móng, xã lại ra ngăn cản, người dân chống chế bảo bó bờ cho đất đỡ bị trôi. Bước ba xây tường bao, đổ nền dựng cột, bắn nóc.

Thần tốc chỉ trong 1 đêm là dựng xong 4 cái cột, bắn xong nóc nhà, ốp tôn xung quanh làm tường khiến cho mọi việc trở thành đã rồi. Dân đã thế, người nào mà là đảng viên hay cán bộ xóm sợ mang tiếng, sợ bị lôi ra trước các cuộc họp để kiểm điểm thì nhờ anh em ra đứng ra nhận là mình đã chuyển đổi sai mục đích cho qua chuyện.

Cưỡng chế họ vẫn vui vẻ đứng nhìn rồi sau đó rình cơ hội để xây lại. Cưỡng chế tiếp họ lại xây tiếp. Đó thực sự là một cuộc thi gan giữa chính quyền và nhân dân mà phần thắng thường thuộc về những người kiên nhẫn nhất.

17-55-49_dsc_7546
Đất nông nghiệp bị biến thành cụm công nghiệp làng nghề
 

Trong mỗi cuộc dẹp loạn như thế không một cán bộ thôn nào muốn ra mặt bởi toàn người làng người nước, thậm chí họ hàng nên đẩy trách nhiệm cho xã. Xã cũng đứng ở thế kẹt, không cho làm thì dân chửi vuốt mặt không kịp còn ngó lơ thì huyện lại khiển trách. Không thật cương quyết ngay từ đầu nên xã không thể làm nổi, đành chờ huyện, huyện lại ngóng chờ thành phố.

Tôi làm một chuyến thực tế ở thôn Vạn Điểm, hiện thực đập vào mắt là nhan nhản những vi phạm. Từ đường 73 hắt vào toàn là đất nông nghiệp bị sử dụng sai mục đích và không ít trong số đó bị mua đi, bán lại, có thửa đến cả 10 lần.

Ở vị trí đắc địa như mảnh đất 250 m2 ở đầu ngã ba, hai mặt tiền, một mặt nhìn ra đê Vạn Thành, một mặt nhìn ra ngõ của bà C.T được ngã giá tới 4 tỉ đồng mà chưa mua được cái gật đầu của chủ nhân. Khu đồng Cửa thuộc đội 2 từ hiệu may complet hắt sang là hàng loạt đất nông nghiệp đã bị biến thành nhà xưởng, lều lán. Cao điểm nhất là khu Cầu Gạo với hàng loạt đất trồng lúa, trồng cây lâu năm thành xưởng, có những cái trên dưới 1.000m2.

Trước những vi phạm nhãn tiền này, không phải chính quyền địa phương không nhập cuộc. Cũng có nhiều lần họ đến đình chỉ nhưng hễ cán bộ làm gắt thì dân lại ngơi tay còn cán bộ ngơi tay thì người dân lại làm gấp. Như khu đất sát với Cầu Gạo dân xây, cán bộ ra đẩy đổ tường rào, đập dỡ nhà xưởng nhưng rồi đâu lại vào đấy. Người dân không chống đối lại, lập biên bản vi phạm bảo ký là ký, bảo nộp phạt là nộp phạt đủ nhưng sau đó vẫn xây lại, dù nhiều lần bị phá dỡ đi nữa vẫn cứ kiên quyết xây, kiên trì hệt như người xưa xây thành Cổ Loa vậy. Việc lập lại trật tự kỷ cương vẫn chỉ như là đá ném ao bèo.

17-55-49_dsc_7521
Nhà xưởng dựng trên đất nông nghiệp
 

Thế của bên xây trộm mạnh như thác đổ vì hầu như toàn dân tham gia còn thế của bên phá dỡ chỉ như một cái bờ thấp lè tè, không làm sao mà chống lại được. Việc chuyển đổi sai mục đích đất nông nghiệp đã khiến cho cánh đồng Vạn Điểm bị băm nát, kênh mương bị thu hẹp lại hay bịt luôn, khó dẫn thủy nhập điền lại càng khó để tiêu thoát. Ô nhiễm mỗi ngày một nặng nề.

Ở Vạn Điểm đất nào còn là ruộng cấy lúa đều thuộc vùng sâu, vùng xa, cách mặt đường đến dăm bảy suất. Nhà nào có ruộng kề mặt đường thì chuyển đổi sai mục đích, nhà nào có đất công, ao làng trước mặt thì lấn, nhà nào không có ruộng, không có ao gần thì lấn đường, lấn vỉa hè để mở rộng xưởng hay làm dịch vụ. Chỉ có những ai ở giữa làng, bốn bề thổ cư bao quanh mới đành chấp nhận phạm vi xưởng của mình chỉ có nhỏ hẹp như vậy.

“Cuộc chiến” giành lại hành lang an toàn giao thông, đất công, đất nông nghiệp đang bị lấn chiếm hoặc sử dụng trái mục đích ở các huyện ngoại thành, nếu có sẽ còn khó khăn hơn nhiều so với chuyện giành lại vỉa hè ở trên phố. Bởi ở trên phố, vỉa hè là của công, sai phạm đã rõ ràng còn ở nông thôn, đất nông nghiệp là của từng hộ nông dân nên họ mặc sức lén lút chuyển đổi.

 

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất