| Hotline: 0983.970.780

Bao giờ có mặt bằng thi công?

Thứ Hai 19/08/2019 , 08:39 (GMT+7)

Chỉ hơn 4 tháng nữa là hết thời gian UBND TP Đà Nẵng gia hạn cho đơn vị thi công phải hoàn thành dự án khu nghĩa trang tại thôn An Châu, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang.

15-03-57_nh_1
Công trình án binh bất động do không có mặt bằng thi công.

Thế nhưng đến nay, trong số 23,05ha của dự án (phân kỳ 1), đơn vị nhận thầu thi công mới tiếp nhận 4,55ha mặt bằng, chiếm 20% diện tích dự án.
 

Đôi nét về dự án

Chủ trương xây dựng khu nghĩa trang tại thôn An Châu đã có từ hơn 4 năm trước theo quyết định ngày 23/3/2015, phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết 1/500, do Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ ký. Ngày 13/1/2016, UBND huyện Hòa Vang có văn bản gửi UBND xã Hòa Phú và các cơ quan liên quan về việc ủy quyền cho Chủ tịch UBND xã Hòa phú Công bố Quy hoạch dự án khu nghĩa trang này.

Ít ngày sau, UBND xã họp dân công bố quy hoạch, đồng thời triển khai ráo riết việc giải tỏa đền bù bàn giao đất cho dự án. Liên doanh Công ty TNHH MTV Phú Thành Hưng và Công ty TNHH Mỹ An Thịnh trúng thầu thi công. Theo hợp đồng ký kết, nghĩa trang hoàn thành việc xây dựng hạ tầng tháng 9/2018, để quy tập mồ mả từ các dự án khác trên địa bàn TP Đà Nẵng, đảm bảo thi công đúng tiến độ.

Dự án có phân kỳ 1 quy mô 23,05ha, tổng vốn đầu tư 35,61 tỷ đồng. Trong số 23,05ha cần giải tỏa có 18,25ha do Cty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam (CTCPLĐSXKQN) đang trồng keo lấy gỗ, là 1 phần trong tổng số 180ha mà công ty nhận chuyển quyền sử dụng đất lâm nghiệp từ ông Nguyễn Đức Dũng ở 843 Ngô Quyền, quận Sơn Trà, đại diện nhóm hộ góp vốn trồng rừng (được UBND TP Đà Nẵng chấp thuận việc chuyển nhượng).

15-03-57_nh_rung
Phần đất rừng chưa giải tỏa của CTCPLĐSXKQN (phần đất đã san lấp là của dân đã bàn giao).

Ngày 23/6/1998, CTCPLĐSXKQN được UBND TP cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tổng diện tích 180ha với mục đích trồng cây gây rừng. Tuy vậy, giấy chứng nhận không ghi số và số thửa, chỉ ghi số bản đồ là 338/98. Thời hạn giao đất lâm nghiệp để trông cây gây rừng này đến hết ngày 10/11/2015. Đến nay, mặc dù UBND TP Đà Nẵng và huyện Hòa Vang đã triển khai nhiều giải pháp, kể cả bồi thường về cây cối, hỗ trợ kinh phí làm đường trước đây, song công ty vẫn chưa chịu bàn giao đất.

Ông Bùi Nam Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, trực tiếp xử lý vướng mắc tại dự án này cho biết: Việc giải tỏa 18,25 ha do công ty đang trồng keo lấy gỗ gặp quá nhiều vướng mắc, do DN này không nhất trí với giải pháp giải quyết của UBND TP, cho dù UBND TP và huyện Hòa Vang đã tính đến phương án cưỡng chế.
 

Cố tình không giao đất

Thực hiện việc thu hồi đất do CTCPLĐSXKQN quản lý khi đã quá thời hạn được phép sử dụng, đảm bảo tiến độ thi công dự án, ngày 25/7/2017, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Đặng Thương đã ban hành thông báo thu hồi đất với 388.864,3m2 đất lâm nghiệp do công ty này quản lý để triển khai dự án khu nghĩa trang (phân kỳ 1+ phân kỳ 2). Công ty không những không bàn giao đất kịp thời mà liên tục gửi văn bản kiến nghị yêu cầu bồi thường cây cối với giá gấp 1,5 lần với lý do rừng có Giấy chứng nhận FSC, hỗ trợ kinh phí làm đường trước đây…

Tiếp đó, ngày Sở TN-MT TP Đà Nẵng có công văn gửi UBND huyện Hòa Vang và Trung tâm Phát triển quỹ đất TP, về việc liên quan đến xác định mức bồi thường đối với hồ sơ của công ty. Công văn nêu rõ, do thời hạn giao quyền sử dụng đất đã hết hạn từ ngày 10/11/2015 và UBND TP không đồng ý gia hạn thời gian sử dụng đất rừng tại xã Hòa Phú cho công ty, do vậy không có cơ sở bồi thường, hỗ trợ về đất.

15-03-57_nh_xe_my
Ảnh: Nguyễn Cầu.

Ông Bùi Nam Dũng cho biết thêm, sau khi đi khảo sát thực tế về giải tỏa đền bù trên địa bàn huyện Hòa Vang, giải quyết vướng mắc tại dự án khu nghĩa trang tại thôn An Châu, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đặng Việt Dũng chỉ đạo: Giao Hội đồng bồi thường dự án làm việc với công ty yêu cầu bàn giao mặt bằng trong tháng 3/2019. Qua thời hạn trên, giao UBND huyện Hòa Vang lập thủ tục cưỡng chế theo quy định để triển khai dự án đúng tiến độ.

Chỉ đạo là vậy, song đến nay công ty vẫn chưa chịu bàn giao 18,25 ha cho dự án. Nhằm đẩy nhanh tiến độ, ngày 17/6/2019, UBND huyện Hòa Vang ban hành quyết định số phê duyệt dự án bồi thường, hỗ trợ cho công ty (đợt bổ sung). Theo đó, 3 hồ sơ 52, 54, 73 được đền bù về cây cối 579.634.790 đồng, hỗ trợ kinh phí làm đường nội bộ 189.018.150 đồng. Giá trị đền bù hỗ trợ này Ban Giải phóng mặt bằng UBND huyện Hòa Vang thông báo đến công ty ngày 20/6/2019.

Ai cũng nghĩ rằng, khi được đền bù hỗ trợ thỏa đáng, công ty sẽ bàn giao ngay 18,25ha đất dự án. Nhưng rồi, một lần nữa, DN này lại viện đủ lý do, cố tình không bàn giao mặt bằng. Báo hại, đơn vị thi công đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, phương tiện để đẩy nhanh tiến độ lại tiếp tục án binh bất động, chờ đợi và chờ đợi.

Sau nhiều cuộc họp, ngày 8/7/2019, Hội đồng BTTH, Hỗ trợ và tái định cư UBND huyện Hòa Vang có thông báo yêu cầu thu hoạch cây rừng để bàn giao mặt bằng tại dự án. Thông báo nêu rõ: Đề nghị CTCPLĐSXKQN khẩn trương thu hồi toàn bộ cây cối và tài sản có giá trị trên phần đất bị thu hồi từ khi nhận được thông báo này đến hết ngày 25/7/2019 để giao mặt bằng thi công dự án (phần cây cối đã được bồi thường theo quy định Nhà nước). Sau thời gian trên, công ty không thu hồi Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang sẽ thực hiện việc cưỡng chế và tổ chức bán đấu giá tài sản có trên diện tích thu hồi.

Đến nay, gần 1 tháng kể từ ngày buộc phải bàn giao mặt bằng, cây keo trên diện tích 18,25ha của dự án vẫn xanh tốt, chưa có dấu hiệu sẽ khai thác thời gian gần nhất.

Có lẽ không có giải pháp nào khả thi hơn là chính quyền các cấp ở Đà Nẵng triển khai ngay việc cưỡng chế thu hồi đất đang trồng keo lấy gỗ trên diện tích đất hết hạn cho phép của CTCPLĐSXKQN.

Chính sự tắc trách và không quyết liệt của các cơ quan chức năng Đà Nẵng, mà một dự án đáng lẽ triển khai thuận lợi, đã phải kéo dài nhiều năm. Trong khi, hàng trăm hộ dân ở xã miền núi Hòa Phú, không hề có một m2 đất rừng để phát triển sản xuất, thì một DN tư nhân quản lý sử dụng trồng rừng trên diện tích 180 ha không hợp pháp thời gian gần 4 năm nay.

Qua đây, cơ quan chức năng cũng cần xem xét lại quy trình cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất lâm nghiệp để trồng cây gây rừng cho CTCPLĐSXK QN hơn 20 năm trước có hợp lý? Bởi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này không có số và không có số thửa là một nghi vấn cần làm rõ.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất