| Hotline: 0983.970.780

Bao giờ có một bộ phim về Vua Hùng?

Thứ Năm 02/04/2020 , 05:40 (GMT+7)

Hầu hết dân tộc trên thế giới đều có truyền thuyết về cội nguồn. Việt Nam xác lập Giỗ tổ Hùng Vương cũng là cột mốc quan trọng cho đời sống tinh thần cộng đồng.

Truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ mở ra thời đại Hùng Vương. Ảnh: TL.

Truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ mở ra thời đại Hùng Vương. Ảnh: TL.

Vì vậy, sự chờ đợi một bộ phim về Vua Hùng, không có gì quá đáng!

Từng viết kịch bản cho hai bộ phim hoành tráng nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long là “Huyền sử thiên đô” do Tất Bình - Thanh Phong làm đạo diễn và “Thái sư Trần Thủ Độ” do Đào Duy Phúc làm đạo diễn, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn cho rằng lịch sử Việt Nam có quá nhiều điều thú vị để làm phim, mà các đời Vua Hùng có thể xem như một đề tài cực kỳ lôi cuốn.

Đáng tiếc, thế hệ tài năng và tâm huyến với điện ảnh như ông đều đã bước qua tuổi cổ lai hy, mà dòng phim cổ trang ở nước ta vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực.

Phần lớn những nhà điện ảnh Việt Nam tỏ ra rất hào hứng, khi được thăm dò về một bộ phim dâng lên Vua Hùng. Thế nhưng, khi hỏi cụ thể hơn khả năng để có tác phẩm hun đúc văn hóa tâm linh cho xã hội, thì ai cũng rụt rè và lãng tránh.

Lý do? Có hàng trăm lý do, mà lý do cốt lõi là chưa có một chiến lược từ cấp quản lý văn hóa cao nhất dành cho phim lịch sử nói chung. Ở góc độ nghề nghiệp, hai vị Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam đưa ra hai ý kiến đáng tham khảo.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho rằng: “Nhà làm phim Việt chưa bao giờ thiếu đam mê để làm phim lịch sử. Vấn đề là trách nhiệm của người quản lý, có khuyến khích, thúc đẩy được đam mê đó không?”. 

Còn nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy hy vọng: “Khi nhà nước đã mở “hầu bao” cho phim lịch sử thì ai trong giới nghề cũng ủng hộ đặc biệt thể loại phim này, chỉ chờ tài năng của nhà làm phim thể hiện”. 

Làm sao gỡ khó cho rắc rối tư tưởng của những nhà làm phim lịch sử, khi có khát vọng chạm đến đề tài Vua Hùng? Đó là phải rạch ròi giữa lịch sử và huyền sử. 18 đời Vua Hùng lưu dấu tích trên đất Phú Thọ, nhưng câu chuyện thủy tổ người Việt Nam cần được nhìn nhận như truyền thuyết mới có thể chuyển tải lên màn ảnh. Đôi khi niềm tự hào về nguồn cội được thăng hoa nhờ trí tưởng tượng có giá trị gấp trăm lần các di vật khảo cổ.

Làm phim lịch sử không thể trông cậy vào phán quyết của những nhà sử học.

Bởi lẽ, tác phẩm nghệ thuật tái hiện lịch sử bằng thái độ trân trọng lịch sử, chứ không phải bằng nguyên tắc sao chép lịch sử. Những nghệ sĩ Việt Nam khá e ngại làm phim lịch sử, vì sợ yếu tố phân định đúng - sai từ đám đông cũng như các cơ quan thẩm định.

Nếu đạo diễn Nguyễn Hữu Phần sòng phẳng đánh giá: ”Thực tế rất nhiều phim lịch sử của chúng ta xa rời đời sống, nhất là về phục trang.

Đành rằng làm nghệ thuật là sáng tạo và có tính thẩm mỹ cao, cách điệu đời sống, nhưng không thể xa rời mà phải trên cơ sở đời sống!”, thì ngược lại, đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng từng làm bộ phim “Ngọn nến hoàng cung” có liên quan đến cuộc đời vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam, hơi băn khoăn về cách cảm thụ từ phía công chúng: “Khi xem phim lịch sử trong nước, đa số từ nhà làm phim đến khán giả và cả giới phê bình đều quan tâm đến sự kiện, trang phục, binh khí, đạo cụ, bối cảnh quay... có đúng lịch sử không, mà ít ai bàn đến nội dung phim, trong khi vấn đề quan trọng nhất vẫn là nội dung câu chuyện. Không chỉ đề tài về lịch sử mà tất cả những đề tài khác đều phải có câu chuyện thật hay, thật hấp dẫn!”.

Chia sẻ thêm, đạo diễn Đào Bá Sơn nhấn mạnh: “Làm phim lịch sử trăm bề khó khăn.

Ngoài thiếu hụt đội ngũ biên kịch giỏi để có kịch bản hay, thì việc người làm phim lịch sử gặp phải một số phản biện quá khắt khe và săm soi khiến nhà đầu tư dễ nản chí, không dám bỏ tiền ra làm nữa.

Quả thực, không phải ai cũng làm được phim lịch sử vì buộc phải nghiên cứu, xem xét rất kỹ giai đoạn lịch sử đó”.

Liệu hình ảnh Vua Hùng trên phim có phải là một thách thức quá to lớn đối với các nhà điện ảnh không? Thách thức ấy chủ yếu nảy sinh từ thực trạng nao núng của nền nghệ thuật thứ bảy. Để làm phim về Vua Hùng, trước hết phải xây dựng ý thức chuyên nghiệp về phim lịch sử.

Đạo diễn Lê Cung Bắc bình luận: “Phim lịch sử làm cho hay thì khó, làm cho có thì dễ”.

Theo đạo diễn Lưu Trọng Ninh, áp lực lớn nhất của những ai làm phim lịch sử chính là kinh phí. Càng làm cho chỉnh chu thì càng tốn tiền cho bối cảnh, phục trang, máy móc, diễn viên quần chúng ở các đại cảnh... mà dù có dự tính trước thì cũng thâm hụt.

Nghĩa là, chúng ta chưa có những nhà giám chế thực sự đủ tầm bao quát cho một bộ phim lịch sử. Đội ngũ nhân lực ấy không thể trông cậy vào sự may rủi sản sinh gương mặt vượt trội, mà phải có kế hoạch đào tạo.

Khu di tích Đền Hùng hoàn toàn có thể trở thành một phim trường. Ảnh: TH.

Khu di tích Đền Hùng hoàn toàn có thể trở thành một phim trường. Ảnh: TH.

Hiện nay, điện ảnh nước ta song song tồn tại hai dòng phim, dòng phim Nhà nước thoi thóp dựa vào ngân sách, còn dòng phim tư nhân ồ ạt chạy theo thị hiếu.

Muốn làm phim về Vua Hùng, thì cần thiết phải khuyến khích cả hai dòng phim này cùng ganh đua và cạnh tranh.

Bằng kinh nghiệm bản thân, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cho biết: “Để làm một bộ phim cổ trang cho ra chất, không thể đầu tư dưới 1 triệu USD (khoảng hơn 23 tỉ đồng) dù toàn bộ ê kíp chúng tôi đã biết “liệu cơm gắp mắm” rồi!

Đã thế phim cổ trang còn có nhiều rủi ro hơn các phim hiện đại khác vì phim chiếu ra hay bị soi đủ thứ trước khi ra rạp!

Làm phim cổ trang về những đề tài tầm cỡ cũng là dự định của chúng tôi, nếu có cơ chế khuyến khích đủ sức thuyết phục”.

Không chỉ sở hữu hãng phim Sóng Vàng mà còn có cụp rạp Mega, bà Bích Liên kiến nghị: “Nên có cuộc vận động sáng tác kịch bản phim lịch sử và trao giải thật cao cho các kịch bản hay để kích thích các biên kịch.

Nếu có kịch bản hay và thu hút, tôi nghĩ các hãng phim, đạo diễn sẽ tranh nhau thực hiện, bởi dòng phim này nếu làm có chất lượng, kỹ xảo, câu chuyện hấp dẫn thì chắc chắn khán giả sẽ đến xem”.

Rõ ràng, một bộ phim về Vua Hùng phải có cuộc vận động lớn từ ngành văn hóa. Bước thứ nhất là vận động sáng tác kịch bản, bước thứ hai là đấu thầu, bước thứ ba là hỗ trợ quảng bá và phát hành.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Minh Châu thổ lộ: “Lịch sử Việt Nam còn rất nhiều để khai thác, theo tôi sẽ có nhiều yếu tố hấp dẫn cho kịch bản.

Nhưng vấn đề ở chỗ là người làm phim có dám dấn thân, dám kể lại câu chuyện lịch sử theo đường dây của mình không? Tôi nghĩ rằng chính sự e ngại về kiểm duyệt là một rào cản lớn cho sự phát triển của phim ảnh Việt.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhà sản xuất lẫn người làm phim dù có tâm huyết hay có điều kiện cũng rất dè chừng”.

Còn nhà biên kịch Nguyễn Xuân Hưng đắn đo: “Khi tôi sang Trung Quốc, những người làm phim “Hà Nội, Hà Nội” cho biết, có khoảng 50 người sống giàu có vì viết kịch bản phim. Một phim có thể phải trả 10% thậm chí 20% cho kịch bản.

Kịch bản phim lịch sử càng khó. Cho nên có lẽ cứ như bây giờ, đừng mơ tưởng sẽ có những bộ phim lịch sử tử tế.

Tiểu thuyết có thể mô tả mọi thứ, phim ảnh không dựng lên hình thì không ra phim. Đó là kỹ thuật, kỹ xảo, không còn thuần túy ngôn từ nữa.

Đến đây, người làm phim Việt lại húc phải một bức tường kiên cố, đó là kỹ xảo. Tóm lại, từ tư duy, cách nghĩ, sự sợ hãi, đến kỹ thuật đều thiếu cả, thì làm sao có sản phẩm được”.

Bao giờ có một bộ phim về Vua Hùng? Câu hỏi ấy, không thể bắt giới làm phim trả lời, mà Cục Điện ảnh và Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch phải đặt ra mục tiêu hành động thật cụ thể và thật thiện chí.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

U23 Việt Nam hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan

Các cầu thủ và ban huấn luyện U23 Việt Nam bày tỏ sự hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan tại lượt trận cuối bảng D vòng chung kết U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.