“Khách quốc tế của APT Travel đến Đà Nẵng nhiều nhưng lại ít ở lại mà di chuyển đến Hội An. Nếu không tắm biển, ăn hải sản và đến Bà Nà Hills, du khách không biết đi đâu, làm gì ở Đà Nẵng. Buổi tối, ban đêm, cũng không có sản phẩm du lịch nào để kéo khách ra đường, tiêu tiền…”- lời tâm sự của ông Nguyễn Hồng Đài, Tổng Giám đốc APT Travel gợi lại câu chuyện của những thành phố “ép khách đi ngủ sớm” ở Việt Nam.
Khách đến ít, tiêu cũng không nhiều
Đà Nẵng không phải là thành phố duy nhất ở Việt Nam “ép khách đi ngủ sớm”, cho dù người ta đang tự hào rằng, đây là thành phố có tăng trưởng du khách cao nhất nhì cả nước. Câu chuyện cơ sở hạ tầng thiếu và yếu, chưa bắt kịp xu thế, không theo được tăng trưởng, không đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách… xem ra vẫn cứ là rào cản khiến du lịch Việt Nam đi sau Hàn Quốc khoảng 30-35 năm, sau Malaysia khoảng 25 năm, Thái Lan 20 năm, sau Indonesia và Philippines khoảng 5-7 năm.
Tiềm năng du lịch của Việt Nam rất phong phú, đặc sắc. Chúng ta như một người giàu mà nhiều quốc gia khác muốn cũng không có được. “Bốn năm gần đây, lượng tìm kiếm về điểm đến du lịch Việt Nam đã tăng khoảng 2 lần. Tuy nhiên, khách thực tế đến Việt Nam chỉ tăng khoảng 1,8 lần. Doanh thu từ du khách cũng chỉ tăng khoảng 1,5 lần”- những số liệu mà bà Tuyết Vũ, đại diện công ty tư vấn toàn cầu Boston (BCG) đưa ra tại Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 5-6/12 vừa qua, cho thấy những khoảng thiếu hụt mà ngành du lịch Việt Nam chưa khai thác hết. "Nếu chúng ta làm tốt hơn nữa thì có thể biến những quan tâm, tìm kiếm trên Internet thành khách đến Việt Nam và chi tiêu thật sự", bà Tuyết Vũ nhận xét.
Du khách quốc tế trải nghiệm tàu hỏa leo núi Mường Hoa tại Fansipan (ảnh minh họa) |
Từ 2015 đến nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng từ 8 triệu lượt lên hơn 14 triệu lượt trong 11 tháng năm 2018. Nhưng những con số này không tương xứng với tiềm năng, và so với các nước trong khu vực, chúng ta vẫn cách họ một khoảng khá xa.
Ông John Lindquist, Cố vấn cấp cao BCG, thành viên hội đồng cơ quan du lịch Vương quốc Anh cho biết: “Năm 2017, Việt Nam thu về 8,3 tỷ USD từ khách quốc tế, nhưng số này ở Indonesia là 12,6 tỷ USD; Singapore là 18,4 tỷ USD, Thái Lan là 52,5 tỷ USD. Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch các nước, mỗi chuyến du lịch, khách đến Việt Nam chi tiêu trung bình khoảng 900 USD. Nhưng mức chi tiêu của khách tại Indonesia là 1.109 USD, Singapore là 1.105 USD, tại Thái Lan là 1.565 USD. Khách quốc tế lưu lại Việt Nam và Thái Lan cùng khoảng thời gian hơn 9 ngày nhưng chỉ tiêu 96 USD mỗi ngày ở Việt Nam, còn ở Thái Lan là 163 USD. Mức chi của khách đến Indonesia, Singapore cũng cao hơn, lần lượt là 132 USD và 325 USD”.
Bởi vì …thiếu cơ sở hạ tầng
Trở lại câu chuyện của vị giám đốc công ty ATP Travel, để hiểu rằng tại sao khách đến Việt Nam lại chi tiêu ít đến vậy. Ông Đài cho biết, ngay tại các thành phố lớn của Việt Nam khách đến không biết làm gì, tiêu gì. Chẳng hạn để tổ chức cho đoàn khách hội nghị, khi đến Hà Nội thì không có địa điểm tổ chức đủ rộng. Nếu kéo nhau vào Trung tâm Hội nghị quốc gia không phải khách nào cũng thích vì ở đó thiếu các dịch vụ của khách sạn. Tình trạng tương tự với TP Hồ Chí Minh. Với Đà Nẵng, khách thậm chí còn không muốn vào vì bay đi Đà Nẵng không có nơi tổ chức sự kiện đã đành, ngay với các dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí hay trải nghiệm đều thiếu. “Cả Đà Nẵng chỉ duy nhất có một sàn nhảy thì khách biết làm gì ban đêm?”, ông Đài đặt câu hỏi.
Ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch Điều hành Grant Thornton Việt Nam chỉ thẳng một trong những yếu tố cản trở du lịch Việt Nam là cơ sở hạ tầng. Mặc dù Việt Nam đã có những thay đổi nhất định nhưng cần nhiều hơn nữa để đón được nhiều du khách hơn. "Trong 7, 8 năm tới, Việt Nam sẽ thu hút 30 triệu lượt khách, nhưng chúng ta phải sẵn sàng về cơ sở hạ tầng". Ông Kenneth cẩn thận đưa ra các con số cho thấy những thành phố du lịch lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… thiếu thốn cơ sở hạ tầng, gây khó khăn cho khách du lịch ra sao… Đồng tình với ý kiến này, theo ông James A.Kaplan - Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn Minor, để thành công trong việc tăng lượt khách đến thì các yếu tố về cơ sở hạ tầng, công suất sân bay, nhân lực... cũng là những yếu tố đóng vai trò quan trọng. Chúng ta phát triển du lịch nhưng cơ sở hạ tầng, nhân lực, môi trường cần được tôn trọng".
Trong khi đó, nghiên cứu xu hướng du lịch của thế giới, ông Nguyễn Trung Công, CEO của iViVu cho rằng dòng tiền của du khách dần chảy về các hoạt động mua sắm, trải nghiệm nhiều hơn là dành tiền mua vé máy bay hay đặt phòng khách sạn đắt tiền.
Ông Vũ Thế Bình - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam giải thích, đó là bởi Việt Nam chưa có hàng hoá đặc thù, hấp dẫn du khách. Các nước như Singapore, Malaysia, Thái Lan... hiện có hệ thống trung tâm thương mại rất phát triển, cả về số lượng lẫn quy mô, chất lượng hàng hoá, thu hút nhiều khách mua sắm. Về lâu dài, khi các điểm tham quan ở Việt Nam không còn sự mới lạ, các trung tâm nghỉ dưỡng, mua sắm và du lịch MICE cần phát triển để thay thế.
Cơ sở hạ tầng thiếu và yếu, bài toán đó của du lịch Việt Nam nói chung và các thành phố du lịch nổi tiếng trong nước nói riêng vẫn đang tiếp tục cần được giải quyết. Và nếu không giải quyết được, thì đừng mong có ngày du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn./.