| Hotline: 0983.970.780

Bao giờ công lý được thực thi?

Thứ Ba 13/03/2012 , 09:59 (GMT+7)

Đã 8 tháng qua, gia đình ông Lê Thanh Hải lâm vào cảnh ăn nhờ ở đậu; trong khi đó, những kẻ ngang nhiên đập phá nhà ông vẫn nhởn nhơ...

Đã 8 tháng qua, dư luận ở địa phương vẫn chưa hết bàn tán xung quanh vụ hàng chục tên côn đồ từ TP Vinh kéo lên thị trấn Tân Kỳ (Nghệ An) ngang nhiên đập phá nhà ông Lê Thanh Hải giữa thanh thiên bạch nhật. Càng bức xúc hơn là từ đó đến nay, gia đình bị hại lâm vào cảnh sống nhờ, ở đậu, còn những kẻ phạm pháp vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và tiếp tục thách thức dư luận...

Chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Thanh Hải tại khối 6, thị trấn Tân Kỳ khi tận mắt nhìn thấy một đống vật liệu đổ nát, tan hoang đã lên rêu xanh nằm đối diện với nhà ông Thuận, Đội trưởng đội CSĐT CA huyện Tân Kỳ mới thấy được mức độ liều lĩnh của bọn côn đồ. Một đoạn tường nhà bị phá nát, mái lợp Phi brôximăng đã bị vỡ trống huơ, trống hoác.

Bức tường xây gạch ngăn cách giữa phòng khách và phòng ngủ cũng bị đập vỡ một mảng lớn. Mấy cánh cửa phòng đổ nghiêng. Trần nhà làm bằng nhựa đổ ụp xuống ti vi, chăn màn, quần áo giống như một bãi chiến trường. Mặt bằng đổ bê tông gian ngoài bị thủng một lỗ đã lên màu rêu xanh. Cửa chính bằng gỗ đều đã bị bóc gỡ mang đi. Tổng số thiệt hại ước tính không dưới 50 triệu đồng. 

Mặt tiền căn nhà ông Hải bị côn đồ đập phá ngày 6/7/2011

Ông Lê Thanh Hải cho biết: Sáng 6/7/2011, lợi dụng khi hai vợ chồng đi đón hài cốt liệt sĩ, một toán côn đồ mặc đồ rằn ri do Nguyễn Minh Hòa (số CMND số 181341739, trú tại phường Hồng Sơn, TP Vinh) cầm đầu, chúng hùng hổ từ trên 2 xe ô tô xuống xông vào dùng búa đập khóa, phá cửa nhà ông Hải rồi hốt toàn bộ hàng hóa của chị Phương (vợ ông Thuận CA huyện Tân Kỳ) để trong nhà vứt ra ngoài đường; yêu cầu anh Nam (người thuê nhà) phải chuyển đi nơi khác... (?!).

Nhận được tin dữ, cô Loan gọi điện nhờ CA thị trấn giúp đỡ. Ông Trần Quốc Hoàn, Phó chủ tịch cùng ông Phan Xuân Kỳ, Trưởng CA thị trấn và ông Hùng khối phó phụ trách an ninh khối 6 đến “mời” cả bọn về trụ sở làm việc. Thế nhưng, hình như chưa bõ cơn tức, đến 13 giờ 30 cùng ngày, chúng lại kéo đến đập phá thêm một lần nữa!

Điều kỳ lạ là dù nhà cửa, tài sản của ông Hải bị đập phá tanh bành nhưng CA thị trấn Tân Kỳ vẫn lập biên bản hiện trường và lấy lời khai của cả hai bên để có cơ sở xử lý về sau (?!). Do đó, tên Hòa càng được thể lộng hành: Sáng 25/7/2011, hắn lại kéo 5 tên côn đồ lên đập phá lần thứ 3, thuê kẻ xấu đến dọa vợ chồng anh Nam đồng thời rút lại 3 triệu đồng hắn “hỗ trợ” anh Nam trước đó.

Hành động thờ ơ, vô trách nhiệm của các cơ quan chức năng sở tại trước vụ việc động trời này đã khiến chính quyền và CA địa phương liên tục bị cấp ủy, hội CCB, giáo chức và cử tri huyện Tân Kỳ chất vấn trên các diễn đàn hội nghị. Thế mà, lạ thay từ đó đến nay chính quyền địa phương và CA huyện vẫn bỏ mặc cho gia đình nạn nhân gõ cửa kêu cứu khắp nơi. Điều lạ lùng hơn là ngay cả khi một số cơ quan báo chí địa phương lên tiếng, lãnh đạo CA tỉnh Nghệ An có ý kiến chỉ đạo nhưng CA huyện Tân Kỳ vẫn để cho vụ việc “dẫm chân tại chỗ”!

+ Sáng 6/3/2012, trả lời câu hỏi của PV vì sao vụ việc kéo dài đã 7 tháng mà CA huyện Tân Kỳ vẫn không khởi tố vụ án hình sự để xử lý? Ông Dương Phúc Thành, Trưởng CA huyện Tân Kỳ cho rằng: Do căn nhà bị đập phá nằm trong diện tranh chấp dân sự nên CA huyện đang điều tra xem chủ sở hữu hợp pháp là của ai nên chưa thể ra quyết định khởi tố được. Sắp tới CA huyện sẽ trưng cầu giám định nếu tài sản thiệt hại trên 2 triệu đồng thì sẽ khởi tố vụ án để điều tra xử lý bằng hình sự.

+ “Việc hai bên tranh chấp dân sự và vụ đập phá nhà ở của công dân là hai vụ việc hoàn toàn khác nhau. Xử lý việc nào ra việc đấy. Theo tôi, từ đó cho đến nay CA huyện Tân Kỳ mới trưng cầu giám định tài sản bị thiệt hại để làm căn cứ khởi tố vụ án là quá chậm!” - ông Võ Duy Bảo, Viện trưởng VKS huyện Tân Kỳ nói.

Theo trình bày của ông Lê Thanh Hải: “Trước đây tôi và bà Phan Thị Sáu kết nghĩa mẹ con. Do làm đại lý xe máy cho Công ty SYM bị thua lỗ, tôi đã vay bà Sáu tiền và 1 cây vàng để thanh toán nợ với ngân hàng, tổng số tiền cả lãi đến tháng 4/1999 là 64.900.000 đồng. Để có tiền trả nợ, tôi làm thủ tục đi lao động ở Hàn Quốc. Trước khi đi, để tránh việc Công ty SYM siết nợ căn nhà, vợ chồng tôi đã bàn với bà Sáu làm giấy tờ trên danh nghĩa là đã bán nhà cho bà Phan Thị Sáu vào ngày 4/11/1999; cam kết đến năm 2001 thì trả hết nợ. Năm 2001, tôi gửi về 45.000.000 đồng trả cho bà Sáu, còn lại 19 triệu đồng. Thế nhưng, các lần sau đưa tiền đến trả, bà Sáu đều không nhận mà quay sang đòi thêm 100.000.000 đồng.

Lợi dụng tờ giấy chuyển nhượng giả này, năm 2002, bà Sáu khởi kiện vợ tôi ra tòa án huyện đòi nhà. Tòa huyện trả hồ sơ vì xét thấy không đủ căn cứ để xử. Đến năm 2008, bà Sáu tiếp tục khởi kiện lên tòa án tỉnh Nghệ An cũng bị đình chỉ vụ án. Nguyên nhân khiến tòa 2 cấp không xử vụ kiện được là vì giấy chuyển nhượng nhà (viết tay) không hợp pháp. Điều khiến vợ chồng tôi sửng sốt là ngay tại toà bà Sáu bỗng xuất trình hồ sơ gia đình bà đã nộp trước bạ cách đó gần chục năm (nộp thuế trước bạ ngày 15/11/1999).

Do hồ sơ không hợp pháp nên vụ án dân sự này bị Tòa án tỉnh đình chỉ vào ngày 19/5/2011, bà Sáu phải cay đắng chấp nhận sung công quỹ 7 triệu đồng nộp trước án phí. Cay cú trước sự việc này, con trai bà Sáu tại TP Vinh đã “uỷ quyền” cho tên Nguyễn Minh Hòa tổ chức kéo giang hồ lên đập phá nhà tôi vào ngày 6/7/2011".

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất