| Hotline: 0983.970.780

Bảo hiểm nông nghiệp: Chính quyền phải là “bà đỡ”

Thứ Tư 10/08/2011 , 11:17 (GMT+7)

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng tại buổi tọa đàm trực tuyến về bảo hiểm nông nghiệp...

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng tại buổi tọa đàm trực tuyến về bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) được Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều qua (9/8), tại Hà Nội.

Đánh giá đúng bài học thất bại

Theo Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng, Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng BHNN lại chiếm tỷ trọng rất nhỏ, nhỏ đến nỗi nhiều người không biết đến nó có tồn  tại ở Việt Nam hay không. Đây là điều thiệt thòi cho nông dân.

Sở dĩ BHNN đã được triển khai trước đây ở Việt Nam, nhưng không thành công, theo Thứ trưởng Hùng lý giải, là trong sản xuất nông nghiệp có 2 mâu thuẫn lớn, một là rủi ro cao hiệu quả thấp, hai là sản xuất phân tán với thị trường lớn. “Phải nói là rủi ro của nông nghiệp nước ta lớn hơn nhiều so với các nước khác. Trước đây chúng ta cũng đã thực hiện BHNN, nhất là những năm 80 của thế kỷ trước. Hiện nay đã có nhưng không đáng kể. Một là do nền kinh tế còn khó khăn, hai là công tác bảo hiểm chưa phát triển như về chính sách tạo điều kiện cho DN bảo hiểm phát triển. Thêm vào đó, người dân Việt Nam chưa coi trọng đóng bảo hiểm, chưa đủ lực để tham gia bảo hiểm”, Thứ trưởng Hùng phân tích.

Thêm nữa, theo ông Hùng, lý do quan trọng nhất dẫn tới thất bại của BHNN, đó là hành lang pháp lý để hoạt động chưa đầy đủ. Hơn nữa, vai trò “bà đỡ” của Chính phủ chưa được thể hiện rõ nét và không phát huy được.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Quang Phi, Phó TGĐ Bảo Việt cho hay, Bảo Việt là DN đã gắn bó với BHNN trên dưới 20 năm. Trong quá trình triển khai, đơn vị này đã gặp rủi ro rất lớn vì thiên tai thường xuyên xảy ra, nông dân do điều kiện kinh tế và đặc thù canh tác nên quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, dẫn đến hiệu quả bảo hiểm không cao. “Đó là những lý do chính khiến BHNN dần thu hẹp và chỉ cầm chừng ở một số công ty bảo hiểm lớn”, ông Phi nói.

Theo vị lãnh đạo DN bảo hiểm này thì thực tiễn cho thấy, việc triển khai BHNN là yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, cùng với sự thất bại của các DN tham gia thị trường này từ những năm 80-90 của thế kỷ trước, thì bài học thất bại cần được cả cơ quan quản lý Nhà nước và DN phân tích, mổ xẻ và rút kinh nghiệm để đảm bảo thành công cho lần thí điểm này.

"Đã có sân chơi"

BHNN được xác định là giải quyết mâu thuẫn giữa rủi ro về thiên tai và hiệu quả trong sản xuất. Thực tế, việc thí điểm BHNN tại 21 tỉnh, TP chính là “phép thử” cho thành công của mô hình này.

Tại cuộc tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, tại sao không chọn thí điểm trên diện hẹp, tức là thực hiện trong phạm vi 1 hoặc 2 tỉnh, TP mà phải triển khai đến 21 địa phương? Liệu làm diện rộng có quá sức? Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng cho rằng, việc chỉ thí điểm trên 1-2 tỉnh, nếu thành công thì không thể phản ánh được toàn cục, vì tiểu vùng khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp đối với từng địa phương, kể cả đối với cây trồng và vật nuôi, là rất rõ. Thêm nữa, ngay trong một tỉnh, cũng không phải thực hiện ở phạm vi toàn tỉnh, mà chỉ chọn địa bàn phù hợp.

Theo QĐ của Chính phủ, Nhà nước cam kết hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho nông dân nghèo, hỗ trợ 80% cho nông dân cận nghèo và hỗ trợ 60% cho nông dân không thuộc diện nghèo, cận nghèo tham gia thí điểm BHNN. Điều đó thể hiện vai trò “bà đỡ” của Chính phủ một cách rất rõ.

Thực tế, BHNN tuy không mới, nhưng không chỉ với nông dân mà ngay cả cán bộ liên quan ở các cấp cũng chưa hiểu một cách thấu đáo. Do vậy, chúng ta phải thông tin một cách đầy đủ với nhiều hình thức. Trước hết, với các tỉnh được chỉ định thực hiện chính sách bảo hiểm này, phải thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác từ cấp tỉnh, huyện, xã và đội ngũ này phải được tập huấn kỹ để có thể tổ chức hướng dẫn lại cho người nông dân.

Đối với người dân, phải thông tin đầy đủ thế nào là BHNN, tại sao, nên tham gia, đối tượng nào được tham gia, công ty nào trực tiếp giúp thực hiện BHNN, thủ tục ra sao, cơ quan nào tư vấn giúp đỡ, để được bảo hiểm bồi thường thì phải làm sao, khi sự cố xảy ra, nếu xảy ra tranh chấp, báo cho ai, ai thụ lý.

Ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục HTX và PTNT (Bộ NN-PTNT)

Để thực hiện thành công thí điểm BHNN, theo Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng, chính quyền phải thực hiện vai trò làm “bà đỡ” cho nông dân một cách rõ nét. Không ai khác ngoài chính quyền có thể tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân hiểu đúng, đủ về BHNN để họ tham gia một cách tích cực. Điều này đòi hỏi chính quyền địa phương và cơ quan quản lý Nhà nước phải chỉ đạo thật sát thực tế. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính cũng cần chủ động tham giá quá trình này. “Hiện Bộ NN-PTNT đã có Thông tư hướng dẫn quy trình, quy phạm, tạo sân chơi cho nông dân cũng như các công ty bảo hiểm có thể phối hợp giải quyết các sự vụ xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng BHNN giữa các bên sau này”, ông Hùng cho hay.

Về phía DN tham gia thí điểm, ông Phi cho biết, trước kia Bảo Việt có cách tiếp cận truyền thống, bảo hiểm với mọi rủi ro ngẫu nhiên và không lường trước được. Nhưng lần này, qua quá trình nghiên cứu và rút kinh nghiệm Việt Nam cũng như quốc tế, DN đã có phương án khả thi hơn, đảm bảo bảo hiểm cho những rủi ro mang tính thảm họa và mang tính chất hỗ trợ.

Cụ thể, với cây lúa, Bảo Việt trước đây thực hiện bảo hiểm mọi thảm họa và đến tất cả mọi hộ nông dân. “Tuy nhiên, lần này, chúng tôi sẽ kiến nghị với Bộ Tài chính tiếp cận theo hướng bảo hiểm theo chỉ số, tức là theo chỉ số thời tiết hoặc chỉ số sản lượng. Điều này sẽ ưu tiên bồi thường cho những tổn thất mang tính thảm họa, ảnh hưởng trên diện rộng”, ông Phi nói. “Bảo Việt sẵn sàng tham gia chương trình này và quan điểm là không vì lợi nhuận. Mặc dù là một DN, song chúng tôi cũng xác định đây là một nhiệm vụ chính trị, thực hiện theo tinh thần doanh nhân với nông dân và tinh thần DNNN với chủ trương của Chính phủ”, ông Phi cho biết thêm.

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.