| Hotline: 0983.970.780

Bảo Ninh: Có bất đồng giữa tôi và nhà biên kịch!

Thứ Ba 09/09/2008 , 11:34 (GMT+7)

Nội dung kịch bản không khác cuốn sách bao nhiêu, thậm chí cấu trúc dễ hiểu, dễ theo dõi hơn, nhưng sự nhầm lẫn và sự biến tướng lại hiện ra một cách rõ ràng, sửa đi sửa lại vẫn thấy.

Nội dung kịch bản không khác cuốn sách bao nhiêu, thậm chí cấu trúc dễ hiểu, dễ theo dõi hơn, nhưng sự nhầm lẫn và sự biến tướng lại hiện ra một cách rõ ràng, sửa đi sửa lại vẫn thấy.

Thông tin "Nỗi buồn chiến tranh" (NBCT) của Nhà văn Bảo Ninh được ekip nước ngoài làm phim khiến làng điện ảnh Việt xôn xao phấn chấn. Nhưng khi mọi việc đang có vẻ rất trôi chảy, "cha đẻ" của cuốn sách lại đột ngột tuyên bố từ bỏ dự án. Quyết định của ông khiến không ít người ngỡ ngàng và ngạc nhiên. Đâu là nguyên nhân thực của quyết định này? Chúng tôi đã trao đổi cùng nhà văn Bảo Ninh.

 

Nhà văn Bảo Ninh.

“Không thống nhất quan điểm sáng tạo” có phải là lý do duy nhất khiến ông không tiếp tục tham gia dự án phim Nỗi buồn chiến tranh? Ông có thể nói rõ hơn những phân đoạn nào, chi tiết nào trong kịch bản của Peter Himmelstein khiến ông không hài lòng, tại sao giữa ông và nhà làm phim lại không thể thống nhất được quan điểm?

- Cách đây chừng hơn hai tháng, qua điện thoại, nhà báo VietNamNet là người đầu tiên cho tôi biết rằng ê-kíp làm phim NBCT đã được thành lập, kế hoạch đã được xác định và bắt đầu triển khai. Nhà báo chia vui và tôi cũng thấy vui. 

Bữa rồi tôi được biết các công tác chuẩn bị cho việc làm bộ phim đã tạm ngưng. Tạm thôi, nhưng vẫn là ngưng. Cũng đã hình dung như thế, nên tôi không ngạc nhiên. Đúng là có bất đồng giữa tôi và nhà biên kịch, chúng tôi đang cố vượt qua, tuy nhiên vẫn cần lui thời gian khởi quay lại. Vì thế một số việc đang tiến hành phải ngưng lại là hợp lý.

Nếu đoàn làm phim vẫn tiếp tục thực hiện bộ phim bất chấp sự từ chối của ông (Họ đã nắm bản quyền), ông sẽ phản ứng ra sao? 

- Chúng tôi chưa hề có thái độ bất chấp nhau, nhất là bất chấp đúng sai, lợi hại. Chúng tôi cũng đều biết rằng phim dở thì hết chuyện. Khi đó thì nắm bản quyền, hay không nắm bản quyền, mà làm gì.

Được biết đạo diễn Nicolas Simon và nhà sản xuất đã theo đuổi cuốn tiểu thuyết cả chục năm. Tại sao giờ này khi mọi việc đã sẵn sàng ông lại thay đổi? Ông đã từng nói: “Phim khác với truyện và mỗi người có cách hiểu về tiểu thuyết khác nhau. Nếu cứ bắt người làm phim hiểu tiểu thuyết như nhà văn thì làm phim làm gì?” Và bây giờ ông lại “không dính líu đến phim vì vài trường đoạn”. Liệu ngoài chuyện kịch bản có còn lý do nào khác hay uẩn khúc gì nữa chăng?

- Đúng là nhà sản xuất, biên kịch, đạo diễn đã theo đuổi nhiều năm. Nhưng, tôi cũng theo đuổi, từ đầu và tới bây giờ. Vì đây là việc của tôi.

Có thể nhiều người trong đoàn làm phim nói rằng "mọi việc đã sẵn sàng", nhưng tôi chưa thấy thế khi tôi thấy khâu đầu tiên và vô cùng quan trọng là kịch bản còn chưa sẵn sàng. Giờ đây nhà sản xuất cũng thấy đúng là như thế, vì vậy mới cần ngừng những khâu tiếp theo lại. Theo như tôi thấy thì chẳng có uẩn khúc nào hết ngoài chuyện đó.

"Phim khác với truyện và mỗi người có cách hiểu về tiểu thuyết khác nhau. Nếu cứ bắt người làm phim hiểu tiểu thuyết như nhà văn thì làm phim làm gì?”, điều ấy ai cũng biết. Nhưng hiểu khác đi không có nghĩa là được phép hiểu một cách ngô nghê hay là hiểu trẹo đi, làm biến tướng cuốn sách. Nội dung kịch bản không khác cuốn sách bao nhiêu, thậm chí cấu trúc dễ hiểu, dễ theo dõi hơn, nhưng sự nhầm lẫn và sự biến tướng lại hiện ra một cách rõ ràng, sửa đi sửa lại vẫn thấy.

Ông đã từng trả lời phỏng vấn rằng phim Nỗi buồn chiến tranh sẽ là một bộ phim thuần Việt. Nghe nói bây giờ ông lại thấy bộ phim này “Mỹ” quá, điều gì đã làm ông thay đổi cách nhìn của mình với bộ phim này? Phải chăng lúc đó ông chưa đọc kỹ kịch bản? 

 

Đúng là nhà sản xuất, biên kịch, đạo diễn đã theo đuổi nhiều năm. Nhưng, tôi cũng theo đuổi, từ đầu và tới bây giờ. Vì đây là việc của tôi.

- Sẽ là một bộ phim thuần Việt, là cách tôi diễn đạt chưa chính xác. Tôi muốn nói: phải thuần Việt. Đó là yêu cầu tiên quyết đối với kịch bản và sau đó là với bộ phim. Điều ấy là rất khó, khó một cách đương nhiên, nhất là đối với người nước ngoài, dù đấy là người am hiểu Việt Nam.

Bên cạnh ưu thế rõ ràng của một ê-kíp làm phim Mỹ thì đấy cũng là hạn chế rõ ràng của họ. Vì thế mới cần sự giúp đỡ của người Việt Nam để kịch bản của họ được hoàn thiện. Họ viết lại chưa được thì phải sửa, rồi viết lại lần nữa. Chưa được, lại phải viết lại nữa. Việc nó phải thế, biết làm sao được.

Có những nhà làm phim Việt Nam nói: nếu bộ phim này không thực hiện được thì tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh sẽ không bao giờ có cơ hội lên màn ảnh. Ông có thấy thế không và có nuối tiếc không?

- Một bộ phim ra đời để làm gì nếu nó không phải là sản phẩm được thực hiện tốt nhất theo khả năng và nỗ lực tối đa của người làm phim.

“Lý lịch” của ông rất giống với nhân vật Kiên. Khi đọc Nỗi buồn chiến tranh, người ta không thể không đặt câu hỏi, Kiên có bao nhiêu phần trăm của Bảo Ninh. Phải chăng kịch bản phim đã làm tổn thương điều gì đó rất thiêng liêng của Kiên – Bảo Ninh chăng?

- Kiên nếu có giống tôi thì chỉ theo nghĩa chúng tôi cùng một thế hệ trai tráng đã lên đường ra trận kháng chiến chống Mỹ. Thể hiện được một cách chân thực hình ảnh của thế hệ ấy trong các tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài chiến tranh là điều không dễ nhưng là điều bắt buộc.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất