Ngày 21/2, tại TP Rạch Giá, Báo Nông nghiệp Việt Nam và Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang đã ký kết thỏa thuận hợp tác về đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Trưởng Văn phòng Đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam tại ĐBSCL và ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang ký kết biên bản thỏa thuận. Cùng tham dự có thủ trưởng các Chi cục, Trung tâm, đơn vị trực thuộc Sở NN-PTNT Kiên Giang.
Ông Lê Hữu Toàn cho biết, hơn 22 năm làm trong ngành nông nghiệp, ông đều theo dõi Báo Nông nghiệp Việt Nam, đây là kênh thông tin tuyên truyền chủ trương, chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giúp định hướng, quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang.
Hiện nay, Báo Nông nghiệp Việt Nam trở thành cơ quan báo chí đa phương tiện, chuyên ngành, chuyên sâu và chuyên biệt về lĩnh vực "tam nông". Việc phối hợp tuyên truyền về các mô hình hay, hiệu quả và cả những tồn tại, hạn chế trong phát triển sản xuất để cùng nhau tháo gỡ, giúp ngành nông nghiệp phát triển hiệu qua, bền vững hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Trưởng Văn phòng Đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam tại ĐBSCL cho biết, Văn phòng Báo tại TP Cần Thơ đã được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, với trường quay N3, để trở thành trung tâm sản xuất tin tức đa phương tiện, truyền tải thông tin, lĩnh vực ngành nghiệp đến với độc giả, bà con nông dân, doanh nghiệp trong vùng ĐBSCL. Ngoài ra, báo còn là đơn vị được Bộ NN-PTNT giao chủ trì Diễn đàn Kết nối nông sản 970 và tổ chức các sự kiện lễ hội, tọa đàm để quảng bá, kết nuôi sản xuất, tiệu thụ nông sản.
Mục tiêu của chương trình hợp tác là nhằm để từng bước tạo được sự lan tỏa trong tổ chức sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, thông tin về mở rộng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn gắn với cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao chất lượng sản phẩm theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, công nghệ cao, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn hiện đại và nông thôn văn minh.
Nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, chất lượng cuộc sống, nâng cao vai trò của người tham gia sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng.
Thông qua công tác thông tin, truyền thông để tạo chuyển biến rõ nét trong thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, của các cấp lãnh đạo trong tỉnh Kiên Giang từ phát triển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, sinh thái, bền vững với các sản phẩm trọng tâm là thủy sản, trái cây và lúa gạo gắn với các cụm ngành nông, lâm, thủy sản, các trung tâm đầu mối. Phát triển các vùng sinh thái nông nghiệp dựa vào nguồn nước gồm vùng sinh thái nước ngọt, vùng sinh thái mặn - lợ, vùng chuyển tiếp ngọt - lợ; tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch gắn với xây dựng nông thôn mới và tăng cường liên kết đô thị - nông thôn.
Tập trung thông tin, tuyên truyền tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp ĐBSCL, các nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và hệ thống cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Phối hợp triển khai, nhân rộng mô hình tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và các hợp tác xã, phát huy vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp trong kết nối nông dân với doanh nghiệp. Hợp tác và liên kết vùng, phát triển kinh tế nông nghiệp, dịch vụ, du lịch ở nông thôn.
Phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng, phối hợp xây dựng chương trình đào tạo nông dân chuyên nghiệp, chương trình chuyển đổi lao động nông nghiệp, chương trình khuyến nông cộng đồng, chương trình thu hút chuyên gia, trí thức trẻ về làm việc tại các trung tâm nghiên cứu, đào tạo, quản lý nhà nước và dịch vụ công ngành nông nghiệp tại tỉnh Kiên Giang. Đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Triển khai kịp thời đến nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã các chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực như tôm lúa, trái cây, các cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết theo chuỗi nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh các mặt hàng nông sản của tỉnh để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngoài Chương trình ký kết hợp tác truyền thông, giữa Văn phòng Đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam tại ĐBSCL và Sở NN-PTNT Kiên Giang cũng đã thống nhất cùng phối hợp tổ chức Lễ hội Tôm - lúa hữu cơ vào cuối năm 2023. Hiện nay, Kiên Giang có diện tích sản xuất luân canh tôm - lúa trên 100.000 ha và tiềm năng quy hoạch có thể mở rộng lên 200.000 ha, chiếm khoảng 50% diện tích theo mô hình này của cả vùng. Việc tổ chức Lễ hội Tôm - lúa sẽ giúp kết nối tuyên truyền, lan tỏa mô hình sản xuất thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, kết nối, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư, liên kết với các hợp tác xã để phát triển sản xuất. Tiêu thụ, nâng cao giá trị của mô hình lúa - tôm.