| Hotline: 0983.970.780

Bảo quản hoa, khâu quyết định

Thứ Năm 04/10/2012 , 09:43 (GMT+7)

Trên thực tế, khâu bảo quản sau thu hoạch và marketing cho sản phẩm hoa là vô cùng quan trọng.

Nhằm tháo gỡ khó khăn trong công nghệ sau thu hoạch hoa tươi của VN, Viện Di truyền Nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp VN) vừa phối hợp với Tổ chức Nông, lương  quốc tế (FAO) tại VN mở hội thảo về quản lý sau thu hoạch và marketing trong ngành trồng hoa.


Thành lập các HTX hoa là một trong yếu tố quyết định đến sự thành công của ngành SX hoa Nhật Bản

CÔNG NGHỆ LẠC HẬU

ThS Nguyễn Thu Huyền, chuyên gia dự án “Quản lý sau thu hoạch ngành hoa VN" cho biết, qua khảo sát các vùng trồng hoa cho thấy, diện tích hoa của nước ta tăng nhanh. Nếu như năm 1993 mới chỉ là 1.500 ha thì đến năm 2008 con số trên vượt ngưỡng 13.000 ha. Chỉ tính riêng địa bàn Hà Nội, diện tích hoa, cây cảnh năm 1995 so với năm 1990 tăng 12,8 lần; Năm 1996 so với năm 1995 là 30,6% và cho đến năm 2006 tăng thêm 223%.

Điều này đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường tiêu thụ hoa trong nước, thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các DN nông nghiệp. Tuy nhiên, việc SX hoa còn nhiều hạn chế do chưa áp dụng công nghệ phù hợp cho SX và quản lý sau thu hoạch.

Trên địa bàn Hà Nội, người trồng hoa chủ yếu thu hoạch vào buổi chiều và cắt sát gốc. Sau đó phân loại theo độ dài cuống hoa rồi sắp thành từng bó. Những bó hoa này sẽ được xếp vào thùng các tông rồi đưa lên xe tải vận chuyển đến các chợ đầu mối. Do không được bảo quản đúng kỹ thuật, va đập mạnh nên hoa thường bị dập nát, nhanh héo.

Tại Đà Lạt (Lâm Đồng), nơi được mệnh danh là thành phố hoa, 100% cơ sở SX không áp dụng kỹ thuật bảo quản hoa đúng cách sau thu hoạch. Do thiếu công nghệ sau thu hoạch nên hoa chủ yếu xử lý lạnh cho tươi và dùng chất bảo quản. Nếu muốn giữ hoa được tươi lâu, điều đầu tiên phải cung cấp đủ nước và xử lý, bảo quản trong nền nhiệt 3 - 4 độ C trong kho và 15-16 độ C khi vận chuyển.

Việc làm này đối với các hộ SX hoa là điều xa xỉ bởi chi phí bảo quản lạnh rất tốn kém, giá bán không đủ bù đắp nên hầu hết các cơ sở SX bỏ qua công đoạn này. Ngoài bảo quản lạnh, việc dùng chất bảo quản với liều lượng thích hợp cũng giúp hoa được tươi lâu hơn. Nhưng trong thời gian khảo sát, các chuyên gia của dự án hỏi 100% hộ trồng hoa tại Đà Lạt thì tất thảy đều khẳng định không dám dùng chất bảo quản vì sợ hóa chất độc hại.

THÀNH LẬP CÁC HTX HOA

Trao đổi kinh nghiệm bảo quản, đóng gói hoa sau thu hoạch, ông Ryoji Kato, chuyên gia về lĩnh vực trồng hoa của Nhật Bản chia sẻ, muốn giữ được hoa có chất lượng cao cần chú ý đến các yếu tố như độ ẩm, hóa chất, nhiệt độ và vệ sinh. Tại Nhật, sau khi thu hoạch, hoa được đưa đến khu xử lý sau thu hoạch, sơ chế, xử lý hóa chất, xử lý lạnh 10-12 tiếng tùy thuộc loại hoa, sau đó được đóng gói cẩn thận và vận chuyển bằng xe lạnh đến nơi tiêu thụ.

“Trên thực tế, ngành trồng hoa ở nước ta mới chỉ quan tâm đến giống cây, kỹ thuật chăm sóc mà quên rằng khâu bảo quan sau thu hoạch và marketing cho sản phẩm là vô cùng quan trọng. Qua mô hình tại các nước tiên tiến cho thấy, đóng gói và bảo quản hoa đúng cách mới là bước có tính chất quyết định chất lượng, giá trị của hoa”, PGS.TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện di truyền nông nghiệp.

Kinh nghiệm tại Nhật Bản cho thấy, các hộ trồng hoa đã liên kết lại với nhau thành từng nhóm hộ, HTX để xây dựng chung các cơ sở sơ chế và nhà kho bảo quản lạnh nên đã giảm được chi phí rất nhiều, có thể áp dụng được với VN khi thành lập các HTX hoa. Còn việc dùng hóa chất trong bảo quản, ông Ryoji Kato cho rằng, dùng hóa chất đã được kiểm định sẽ giúp hoa tươi lâu hơn mà không hề độc hại, song yếu tố quyết định vẫn là đảm bảo nhiệt độ.

Đồng tình với quan điểm này, TS Rosa Rolle, chuyên gia cao cấp của FAO tại châu Á-Thái Bình Dương nhấn mạnh, để gây dựng thương hiệu hoa VN trên thị trường quốc tế, ngành trồng hoa phải nâng cao chất lượng các sản phẩm chủ lực có thế mạnh cạnh tranh. Để làm được việc này, các nhà trồng hoa nên liên kết với nhau thành từng nhóm hộ, HTX SX hoa. Hoa tươi sau khi được sơ chế sẽ chuyển đến khu xử lý, đóng gói chung của nhóm hộ, HTX rồi chuyển đến chợ. Nếu làm được điều này, người trồng hoa sẽ không bị ép giá...

Lợi thế của việc thành lập HTX, theo TS Heidi Wernett (chuyên gia đến từ Hoa Kỳ) còn là sự thông tin, trao đổi giữa các hội viên trong HTX về nhu cầu thị trường, xu hướng giá cả với nhau để nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp người dân có lợi nhuận hơn, tránh bị ép giá hay khủng hoảng dư thừa lúc chính vụ.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.