| Hotline: 0983.970.780

Bão số 13 sắp càn qua Miền Nam

Thứ Ba 05/11/2013 , 14:02 (GMT+7)

Sau khi và đất liền, bão sẽ tiếp tục di chuyển sâu xuyên qua các tỉnh Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và thậm chí có khả năng ảnh hưởng tới tận vùng Biển Tây (Kiên Giang).

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, sau khi vượt qua khu vực phía bắc đảo Pa-La-Oan (Philippin) vào sáng nay (5/11), áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đã đi vào phía Đông Nam Biển Đông nước ta và mạnh lên thành bão, cơn bão số 13. Sức gió mạnh nhất vùng tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11.

Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km. Đến sáng mai (6/11), vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa, cách bờ biển các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận khoảng 430km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.


Vị trí và đường đi của bão (tính tới sáng nay 5/11)

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30 km, đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 07 giờ ngày 07/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,8 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ Kinh Đông, trên vùng biên giới Việt Nam – Căm Pu Chia. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8. 

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão, vùng biển giữa khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh.

Tại cuộc họp BCĐ PCLB Trung ương sáng nay, ông Bùi Minh Tăng – GĐ Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương cho biết, đây là ATNĐ (sau mạnh lên thành bão) có tốc độ di chuyển nhanh, hướng đi phức tạp. Ông Tăng nhận định, khoảng đêm ngày 6, rạng sáng ngày 7/11, xác suất trên 80% bão số 13 sẽ đổ bộ vào các tỉnh ven biển từ Khánh Hòa đến Vũng Tàu.

Sau khi và đất liền, bão sẽ tiếp tục di chuyển sâu xuyên qua các tỉnh Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và thậm chí có khả năng ảnh hưởng tới tận vùng Biển Tây (Kiên Giang). Tốc độ gió bão khi càn qua các vùng này vẫn khá mạnh tới cấp 7, cấp 8, giật cấp 9 cho toàn bộ các tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước... cũng như có thể gây giông lốc nguy hiểm cho một phần các tỉnh Lâm Đồng, Bình Dương và nhiều tỉnh khác vùng Đông Nam Bộ.

Lo ngại vì bão đổ bộ vào vùng “lạ lẫm với bão”

Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát lo ngại cho biết, mặc dù đây là cơn bão không mạnh nhưng lại đổ bộ trải dải trên nhiều địa bàn ở các tỉnh vùng Nam Trung Bộ tới Đông Nam Bộ. Đây vốn là những vùng nhà cửa rất đơn sơ, người dân lẫn chính quyền lại rất “lạ lẫm” với bão lụt nên tư tưởng chủ quan, lơ là và thiếu kinh nghiệm chống bão là hết sức nguy hiểm.

Bên cạnh đó, do bão vào sẽ trùng với thời điểm triều cường ở các tỉnh vùng Nam Trung Bộ nên khả năng sẽ gây nước biển dâng cao từ 5-8m, nguy cơ ngập sâu cho các vùng ven biển. Trong điều kiện nhiều khu dân cư ở vùng này sống rất sát mép biển nên hết sức nguy hiểm.

Trong khi đó cho tới sáng nay, tại vùng giữa tới nam Biển Đông, lượng tàu thuyền đánh bắt trên biển còn dày đặc. Theo Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tới sáng nay còn tới hơn 1.000 tàu cá trên biển, dù đã nhận được thông tin bão nhưng chưa biết xử lí hướng di chuyển ra sao. Bởi nếu di chuyển vào bờ sẽ không kịp do bão sẽ “đuổi theo sau lưng”.

Trước tình hình này, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương xác định vùng biển nguy hiểm kéo dài từ 8 – 15 độ vĩ bắc. Theo đó, các tàu cá phía bắc Quần đảo Trường Sa yêu cầu lập tức di chuyển lên phía Bắc, các tàu ở phía nam Quần đảo Trường Sa yêu cầu di chuyến sâu xuống phía Nam, các tàu gần bờ có khả năng di chuyển vào bờ nhanh nhất để thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao hiện cũng đã có công hàm gửi các nước như Philippin, Malaixia, Trung Quốc đề nghị cho phép tàu cá Việt Nam lưu trú tránh bão. Tới sáng nay, vẫn còn một nhóm tàu cá của Việt Nam đang ở gần khu vực bão đi qua ở gần đảo Pala-Oan của Philippin vẫn chưa chịu di chuyển khỏi đường đi của bão, buộc Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng phải yêu cầu vào đảo Pala-Oan khẩn cấp. Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương hướng dẫn ngư dân tuyệt đối cất ngư cụ theo quy định khi tàu cá của Việt Nam vào tránh bão ở các nước.

Ngoài ra, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị các địa phương từ Khánh Hòa đến Vũng Tàu, tùy tình hình cụ thể nghiên cứu cấm biển từ ngày mai (6/11), đồng thời chuẩn bị công tác đối phó với bão số 13, di dời dân ven biển, các vùng có nguy cơ cao xong trước 19h ngày 6/11.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Trưng ương, ngoài bão số 13, hiện nay trên khu vực biển Thái Bình Dương, một cơn bão mạnh đang hoạt động và có tên quốc tế là Haiyan. Hồi 7 giờ sáng nay có vị trí ở vào khoảng 6,5 độ Vĩ Bắc; 145,9 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 11, cấp 12.

Dự báo bão Haiyan sẽ di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 25km một giờ và còn tiếp tục mạnh thêm. Khoảng sáng 09/11, cơn bão này có khả năng đi vào vùng biển phía Đông Biển Đông và trở thành cơn bão số 14.

Đây là điều hiếm gặp khi số lượng cơn bão và ATNĐ trên Biển Đông của năm 2013 đã nhiều kỷ lục trong vòng gần 50 năm trở lại đây.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất