| Hotline: 0983.970.780

Bão “tín dụng đen” quét làng hàng xáo lớn nhất nước

Thứ Tư 08/02/2012 , 10:01 (GMT+7)

Sau 3 vụ vỡ nợ lớn trong năm 2011, vụ vỡ nợ của vợ chồng Tạ Thúy Mai - Nguyễn Đình Bốn ở làng Trai Trang (thị trấn Yên Mỹ) bung ra, cả làng chẳng khác bị một cơn lũ quét…

Chủ nợ kéo đến nhà Mai - Bốn đòi nợ
Năm 2011, liên tiếp 3 vụ vỡ nợ lớn, một của Lê Thị Hằng ở thôn Trung Hòa, xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ (vỡ nợ trên 20 tỷ), một của cô giáo Lương Thị Bích Thỏa ở trường tiểu học xã Minh Châu, huyện Yên Mỹ (vỡ nợ trên 40 tỷ) và một của cô giáo Nguyễn Thị Hương ở trường tiểu học thị trấn Yên Mỹ (vỡ nợ gần 20 tỷ ), đã khiến cho hàng trăm người dân huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) không chỉ phút chốc thành tay trắng mà nhiều người còn lâm cảnh nợ nần, đối diện với nguy cơ mất nhà mất cửa do gom tiền của bạn bè, người thân hay thế chấp nhà cho ngân hàng vay tiền rồi cho những con nợ kia vay lại. 

Đến khi vụ vỡ nợ của vợ chồng Tạ Thúy Mai - Nguyễn Đình Bốn ở làng Trai Trang (thị trấn Yên Mỹ) bung ra, cả làng chẳng khác bị một cơn lũ quét…

Trai Trang được gọi là “làng hàng xáo lớn nhất nước”. Cả làng có hàng trăm hộ dân làm nghề này, chưa kể cả chục “doanh nghiệp hàng xáo” mọc trên đất làng, do người làng làm chủ. Nếu ai nghĩ hàng xáo là một nghề “cò con”, hôm nay đong vài chục cân thóc về xay giã, ngày mai bán hơn chục cân gạo, số tiền bán gạo vừa bằng số tiền đong thóc, người hàng xáo “lãi” vài cân cám hay bơ tấm, thì đến Trai Trang, sẽ phải ngay lập tức thay đổi.

Số hộ hàng xáo ở đây mỗi năm đong năm bảy trăm tấn thóc không hiếm, thường thường là ba bốn trăm tấn. Mỗi năm ước có hàng vạn tấn thóc từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng ào ạt chảy vào đây và cũng chừng ấy tấn gạo từ đây chảy vào các thị trường lớn. Mỗi ngày có hàng chục xe tải lớn ra vào làng, cái chở thóc đến, cái chở gạo đi. Trai Trang là một làng giàu. Các hộ hàng xáo lớn vay “nóng” nhau một vài tỷ tiền mặt để đong thóc là chuyện rất bình thường.

Với cái “mác” là chủ một cửa hàng kinh doanh lớn, lại tung thêm tin có nhiều nhà, đất tại TP Hồ Chí Minh, vợ chồng Mai - Bốn dễ dàng lấy được lòng tin cũng như sự nể phục của mọi người, nên khi anh ta hỏi vay tiền để “tung” vào một số lĩnh vực kinh doanh béo bở, hứa hẹn một mức lãi suất cao, thì không hiếm người sẵn sàng mở hầu bao trút tiền cho anh ta.

Vẫn với chiêu bài cũ rích là đánh vào lòng tham của người đời: Trả lãi suất cao khi vay, và những tháng đầu dùng tiền vay của người này trả lãi cho người khác rất đúng hẹn, rất sòng phẳng, chẳng bao lâu cặp vợ chồng này đã thiết lập được một “đường dây đa cấp” huy động tiền cho mình. Có khoảng 20 người đã trở thành người gom tiền cho họ. Những người này vừa mang tiền của nhà vừa huy động tiền của người khác với mức lãi suất thấp (gọi là thấp nhưng vẫn cao hơn lãi suất ngân hàng rất nhiều) mang cho Mai - Bốn vay với lãi suất ngất ngưởng để ăn chênh lệch.

Mức lãi “khủng” do Mai - Bốn đưa ra cộng với lời “hót” ngọt như mía lùi của đội quân gom tiền khiến không ít người mê, mang cả nhà cửa, đất đai thế chấp ngân hàng lấy tiền cho họ vay. Hãy thử làm một con tính đơn giản sẽ thấy cái ma lực của nó thế nào: Chỉ cần vay ngân hàng được 1 tỷ với lãi suất 2%/tháng rồi mang cho Mai - Bốn vay với lãi suất 5%/tháng, thì mỗi tháng sẽ được Mai - Bốn trả 50 triệu tiền lãi, trả lãi ngân hàng 20 triệu, còn 30 triệu bỏ túi mà chẳng phải làm gì, buôn bán nào để có được số tiền ấy giữa thời buổi kinh tế suy thoái này?

Số tiền chảy vào túi Mai - Bốn càng nhiều hơn khi năm 2011, đầu ra của hạt gạo ở đây trở nên khó khăn do suy thoái kinh tế. Nhiều hộ hàng xáo lớn khi vay được tiền ngân hàng rồi, nhưng thấy gạo ế đã ngừng mua thóc, mang tiền đó cho Mai - Bốn vay để lấy lãi trả ngân hàng và lấy chênh lệch. Việc vay mượn, mức lãi suất thường chỉ được thỏa thuận bằng miệng hoặc trên một tờ giấy viết tay nguệch ngoạc…

Đùng một cái, ngày 22/11/2011, vợ chồng Mai - Bốn lặn mất tăm khỏi đất Trai Trang, khóa điện thoại di động. Tin cặp “đại gia” này vỡ nợ nổ bùng ra khiến cả làng bị “sốc”. Hàng trăm người đã kéo tới nhà cặp vợ chồng này chỉ để nhìn ngôi nhà không, đã thế chấp cho ngân hàng rồi. Nghe tin vợ chồng Mai - Bốn vỡ nợ, một số người gom tiền cho họ cũng vội vàng lánh đi bởi chính họ là chủ nợ của Mai - Bốn nhưng cũng là con nợ của rất nhiều người khác. Thông tin ban đầu cho biết cặp vợ chồng này đã ôm theo món nợ khoảng 200 tỷ khi bỏ trốn, nhưng theo chị Nguyễn Thị Loan, một hàng xáo lớn, thì số nợ của vợ chồng Mai - Bốn ít nhất cũng phải gấp 2 lần con số đó.

Năm nay Trai Trang không có Tết. Trở lại Trai Trang những ngày này, chúng tôi gặp nhiều gương mặt vẫn còn rầu như dưa hay thất thần, hoảng loạn. “Xin nhà báo đừng đưa tên chúng tôi lên báo. Khổ lắm, nhục lắm. Đã mất tiền mà lại còn bị chửi là vừa ngu vừa tham”. Bà Nguyễn Thị T. khẩn khoản với chúng tôi như vậy, sau khi kể chuyện mình. Vay ngân hàng được 1,2 tỷ, thấy gạo ế nên không mua thóc nữa, mang cho Mai - Bốn vay mong lấy lãi bù vào lãi ngân hàng, nào ngờ…

Sự mù tịt về thông tin, hay nói chính xác hơn là việc chẳng quan tâm gì tới những thông tin về xã hội, xem ra, cũng gây tác hại không kém gì những kẻ như vợ chồng Mai - Bốn.

Cùng tình trạng đó là bà Đỗ Thị K. vừa làm hàng xáo vừa là chủ một cửa hàng bách hóa lớn, chẳng biết giời xui đất khiến thế nào mà lại ném cho Mai - Bốn vay tới trên 3 tỷ bạc, cứ tưởng hàng tháng sẽ được nhận 150 triệu đồng tiền lãi. Nghe tin vợ chồng Mai - Bốn vỡ nợ, trốn khỏi địa phương, ông Nguyễn Bá H. đột quỵ, phải vào cấp cứu ở bệnh viện. Ông chính là một trong những người của “đường dây đa cấp” gom tiền cho Mai - Bốn. Cặp vợ chồng này trốn đi, để lại cho ông món nợ 15 tỷ đồng, phần lớn là của bà con, anh em ruột thịt.

Đau xót nhất là nhiều người không buôn bán, cả đời chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, chắt chiu dành dụm được mấy chục triệu đồng, nay cũng bị “cuốn theo chiều gió”. Thậm chí bà cụ Q. không chồng không con, bán rau ở chợ, cũng bị “cơn bão vỡ nợ tín dụng đen” quét mất hơn 50 triệu đồng, là số tiền phòng thân lúc không còn làm gì được nữa.

- Năm 2011, trên cả nước đã xảy ra hàng trăm vụ vỡ nợ, cách huy động tiền của những kẻ vỡ nợ đó cũng hệt như ở đây, cũng hứa hẹn trả lãi suất cao, và trả rất đúng hẹn, rất sòng phẳng những tháng đầu, để rồi càng ngày càng hỏi vay với số tiền lớn hơn. Không mấy ngày tivi, và hàng trăm tờ báo khác không đưa tin về chuyện vỡ nợ, sao bà con không rút kinh nghiệm?

Trước câu hỏi đó của chúng tôi, hầu hết người được hỏi đều lắc đầu, nói họ chẳng bao giờ đọc báo, cũng chẳng mấy khi xem tivi, nên chẳng biết gì sất về những vụ vỡ nợ khác trên cả nước, thậm chí cả những vụ vỡ nợ ngay trong huyện đã nói ở trên, nhiều người cũng không biết, dù trong kinh doanh, họ là những người rất sành sỏi. Một số người biết được thì cũng không phải biết qua các kênh thông tin trên mà là do đi nơi này, nơi khác làm ăn rồi “nghe người nhà kể chuyện”.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất