Cá Mỵ có tên khoa học là Golden Sinilabeo Graffeuilli, thuộc họ cá chép. Người Hà Giang vẫn quen gọi là cá Mỵ. Cá có thân lớn, mình dài, vảy tương đối lớn, điểm dễ nhận biết là cá có 2 đôi râu, vây ngực, vây bụng có góc xám, ngọn vàng sẫm. Các vây khác xám nhạt.
Cán bộ Trung tâm Thủy sản Hà Giang lấy trứng cá Mỵ nhân giống. |
Cách đây hơn 10 năm, người ta thấy loài cá này sinh sống nhiều ở sông Nho Quế và khu vực thuộc địa phận xã Hữu Vinh, xã Du Già thuộc huyện Yên Minh; khu vực suối Má, huyện Vị Xuyên; khu vực xã Việt Vinh, Tân Thành huyện Bắc Quang. Cá có kích thước lớn, cỡ lớn nhất có thể tới 6 đến 7kg, thường khai thác được cá cỡ 1 đến 2kg. Chất lượng thịt của loài cá Mỵ rất thơm, ngon. Tuy nhiên, hiện nay cá Mỵ ngày một khan hiếm trên các dòng sông.
Từ năm 1992 loài cá này đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam với mức độ đe doạ bậc V và danh sách các loài cần bảo vệ của ngành thủy sản từ năm 1996. Nhưng cho tới nay vẫn chưa có quy chế bảo vệ và khai thác hợp lý loài cá này.
Ông Phàn Văn Suẩn, thôn Lũng Dằm, xã Du Già, huyện Yên Minh gần nửa đời gắn bó với nghề chài lưới nên khá hiểu tập tính sinh sống, sinh sản của các loài cá. Ông Suẩn cho biết, trước đây đánh bắt thủy sản ông thấy cá Mỵ khá nhiều. Cá Mỵ lớn rất chậm. Cá thành thục sau 3 đến 4 năm tuổi. Mùa sinh sản của cá vào tháng 12 đến tháng 2 năm sau. Bãi đẻ của cá là nơi nước chảy mạnh, đáy có nhiều sỏi đá. Thức ăn chính của cá là các loài rong rêu, tảo bám, chất hữu cơ mục nát. Nhưng mấy năm nay ông ít gặp loài cá này.
Phải mất từ 3 đến 4 năm loài cá Mỵ mới thực sự trưởng thành, đạt khoảng 1kg/con. |
Để bảo tồn, tháng 9 năm 2018, Trung tâm Thủy sản tỉnh Hà Giang đã thực hiện đề tài khoa học nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen một số loài thủy sản trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Trong đó có loài cá Mỵ. Đề tài được thực hiện trong 36 tháng, từ năm 2018 đến năm 2021. Mục tiêu bước đầu của Trung tâm là lưu giữ nguồn gen quý. Nếu thành công sẽ tiến tới việc nhân giống đại trà.
Giai đoạn đầu khi thực hiện thuần hóa cá và thụ tinh nhân tạo loài cá này, Trung tâm gặp không ít khó khăn. Do chưa biết tập tính sống, liều lượng thuốc, cách thức sinh sản, nhiệt độ nên lần thực hiện nào cũng thất bại. Trung tâm đã nhờ các kỹ sư của Trung tâm Thủy sản tỉnh Tuyên Quang lên hướng dẫn các quy trình sinh sản. Bởi đơn vị này có kinh nghiệm trong việc nghiên cứu các loài cá bản địa có môi trường sống và đặc tính sinh sản tương đồng cá Mỵ.
Sau 1 năm nghiên cứu, đề tài bước đầu có kết quả. Hiện nay, Trung tâm Thủy sản tỉnh Hà Giang nuôi khoảng 220 con cá Mỵ bố mẹ, nghiên cứu, nhân giống. Con to nhất có trọng lượng trên 1kg và đang trong quá trình chuẩn bị cho sinh sản. Kết quả sinh sản cá Mỵ thu được 21.700 trứng; tỷ lệ giai đoạn từ hương lên giống đạt trên 50%; tỷ lệ cá giống sống khi thả trong môi trường tự nhiên đạt 50% so với tổng đàn.
Bước đầu Trung tâm Thủy sản Hà Giang nhân giống thành công giống cá Mỵ. |
Tuy có nhiều khởi sắc, song trên thực tế thì việc nhân giống chưa phải thành công. Bởi những loài khác sau khi đẻ xong trong bụng không còn trứng, nhưng giống cá này vẫn còn. Vì vậy, Trung tâm sẽ tiếp tục nghiên cứu nhằm tìm ra nguyên nhân để việc nhân giống thành công hơn. Đảm bảo quy trình chuẩn nhất.
Phó Giám đốc Trung tâm Thủy sản tỉnh Hà Giang Nguyễn Anh Tú cho biết, cá Mỵ là một loài cá có sản lượng tự nhiên rất ít, nơi sinh sống đã và đang bị thu hẹp, bị săn bắt nhiều. Vì thế cá Mỵ cùng với một số loài cá khác như cá Dầm Xanh, Anh Vũ, cá Chiên, cá Lăng Chấm, cá Chày đất được đưa vào Sách đỏ Việt Nam với mức độ nguy cấp, cần được bảo vệ.
Việc nghiên cứu và nhân giống cá Mỵ thành công sẽ giúp cho tỉnh Hà Giang lưu giữ được nguồn gen thủy sản quý hiếm. Đồng thời cũng giúp Trung tâm Thủy sản có khả năng chủ động trong công tác sản xuất giống, chủ động trong nguồn con giống phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu và nuôi thương phẩm.