| Hotline: 0983.970.780

Bảo tồn và phát triển rừng lùng

Thứ Ba 10/10/2017 , 15:05 (GMT+7)

Lùng là cây lâm nghiệp ngoài gỗ, thuộc họ cùng với tre, nứa, trúc, mai, vầu. Nhưng công dụng phục vụ đời sống dân sinh thì cây lùng đem tới hiệu quả lớn và rất đa dạng nhất.

Cả nước ta cây lùng chỉ thích nghi và phát triển mạnh ở miền núi cao thuộc ba tỉnh Sơn La, Thanh Hóa và Nghệ An. Riêng Nghệ An lùng chỉ phát triển ở hai huyện Quế Phong và Quỳ Châu.

14-12-57_thuc_trng_rung_lung_o_huyen_quy_chu_dng_dn_ngheo_kiet
Thực trạng rừng lùng ở Quỳ Châu đang dần nghèo kiệt

Theo số liệu của Đoàn Quy hoạch lâm nghiệp Nghệ An thì trên địa bàn hai huyện Quế Phong và Quỳ Châu có tới 9.540ha đất rừng có cây lùng sinh trưởng và phát tiển. Trong đó có 5.525ha rừng lùng phát tiển tập trung và hơn 4.000ha lùng phát triển hỗn giao cùng với các loài cây lâm nghiệp khác.

Trong những năm gần đây do ngành nghề mây tre đan và thủ công mỹ nghệ ở Nghệ An phát triển mạnh, cây lùng lại là nguyên liệu chính nên đã xẩy ra tình trạng khai thác ồ ạt.

Tại Quế Phong riêng hai cơ sở HTX SX tăm hương ở xã Quế Sơn và Cty Lâm nghiệp Khánh Tâm ở xã Đồng Văn mỗi tháng đã thu mua hàng nghìn tấn lùng để SX hàng hóa. Huyện Quỳ Châu, ngoài Cty Mây tre đan Đức Phong ra còn có hơn 10 cơ sở SX chân hương, bình quân mỗi ngày thu mua đến hơn 1.000 tấn lùng tươi. Tại các cửa rừng, tư thương các nơi còn tập trung lập chốt tranh mua để chở đi tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc. Vì vậy rừng lùng ngày càng thoái hóa và cạn kiệt.

Nằm trong chương trình bảo tồn và phát triển cây lùng của tỉnh, năm ngoái huyện Quế Phong đã mời các nhà khoa học lâm nghiệp đến địa phương để nghiên cứu, khảo sát thực trạng rừng lùng. Theo đó huyện đã tổ chức các cuộc hội thảo để tìm các giải pháp đồng bộ, khai thác, bảo vệ và phát triển rừng lùng.

Huyện Quỳ Châu còn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ; Tổ chức Oxfam Hồng Kông mở hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quản lý, SX lùng bền vững.

Đáng chú ý là mô hình trồng và chăm sóc rừng lùng do Trạm Khuyến nông Quỳ Châu thực hiện trình diễn đã thu hút được sự quan tâm của đồng bào.

Ông Hà Văn Khương, kỹ sư lâm nghiệp - Trạm phó Trạm KN Quỳ Châu cho biết: Mô hình trồng và chăm sóc rừng lùng do trạm thực hiện 1,5ha tại lâm phầm của bản Bận, xã Châu Thắng. Nguồn giống bản địa do trạm chọn lựa trong địa bàn và mua thêm của dân bản ở huyện Quế Phong. Với phương pháp thủ công tách gốc, trạm đã thực hiện trồng 550 gốc lùng/ha.

14-12-57_h_vn_khuong-_pho_trm_kn_quy_chu_cp_nht_su_sinh_truong_cu_mo_hinh_lung_du_vo_he_thong_dien_tu
Ông Hà Văn Khương, Phó trạm KN Quỳ Châu cập nhật sự sinh trưởng của mô hình lùng vào hệ thống điện tử

Đất rừng Quỳ Châu rất thích nghi với sự phát triển của cây lùng, do vậy sau một năm trồng, diện tích lùng mô hình đã sinh trưởng đồng đều, tỷ lệ sống đạt trên 90%. Cách thức chăm sóc đơn giản, sau khi đào hố, bón phân và giống xuống thì chỉ cần tấp tủ gốc sao cho cây có đủ độ ẩm. Gặp thời tiết hanh khô, mỗi tuần tưới đậm một lần.

Về thu hoạch, theo ông Hà Văn Khương thì sau hơn 2 năm trồng, lùng có thể thu hoạch tỉa, sang năm thứ 4 lùng đã đến tuổi khai thác đều. Mỗi cây lùng khi khai thác cao tới 10 - 20m, trọng lượng 10 - 12kg/cây. Thành phẩm của lùng được cắt gọn từng lóng dài 50 - 80cm, chẻ ra 3 - 4 thanh bó lại, bán với giá 2.000 - 2.500 đ/kg. Mật độ khi sinh trưởng của lùng đạt tới 100 cây/khóm. Mỗi lần khai thác 1/4 sản lượng/khóm, thì mỗi năm thu nhập được 32 - 35 triệu đồng/ha. Chu kỳ sinh trưởng của lùng lên tới hơn 10 năm.

Cùng với việc thực hiện mô hình, Trạm KN Quỳ Châu còn tổ chức hội thảo đầu bờ để hướng dẫn cho dân biết rõ cách thức trồng và chăm sóc lùng trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Trạm còn tuyên tuyền cho dân hiểu quy cách khai thác lùng đúng hiệu quả, kể cả khai thác trong những cánh rừng nguyên sinh. Khi chặt hạ những cây lùng đã đến tuổi phải gọn gàng và phải kéo ra xa bụi lùng, để tránh tình trạng làm gãy đổ cây non. Không để mắt, ngọn và lá lùng rụng tấp vào gốc, đây cũng là biện pháp phòng cháy rừng trong mùa nắng nóng.

Phó Chủ tịch UBND xã Châu Thắng, ông Sầm Văn Hùng cho biết: "Lùng là cây mũi nhọn chủ lực của dân bản, trước đây mỗi lao động vào rừng khai thác lùng cũng được 200 - 250 ngàn đồng/ngày. Thế nhưng bây giờ rừng lùng tập trung chỉ còn khoảng 500ha, còn lùng mọc trong rừng hỗn giao thì có tới trên 3.000ha.

14-12-57_htx_dich_vu_nn__sx_che_bien_nu_lung_que_son_huyen_que_phong_thu_mu_hng_trm_tn_lung_moi_ngy_de_sx_chn_huong
HTX chế biến nứa, lùng Quế Sơn (huyện Quế Phong) thu mua hàng trăm tấn lùng mỗi ngày

Do nhu cầu mua bán nguyên liệu của tư thương và các Cty, HTX rất lớn, dân bản lại khai thác không đúng quy cách bài bản nên cây lùng ngày càng suy thoái và cạn kiệt. Do vậy khi Trạm KN Quỳ Châu xây dựng mô hình trồng và chăm sóc rừng lùng thì dân chúng tôi ai cũng phấn khởi".

"Hiện đất rừng đã giao đến tận từng hộ nên dân bản làm rất tốt công tác chăm sóc và bảo vệ. Mô hình trồng và chăm sóc rừng lùng do nguồn vốn của nhà nước hỗ trợ từ giống và phân bón. Còn kỹ thuật canh tác, chăm bón và thu hoạch đã được cán bộ khuyến nông hướng dẫn rất kỹ. Từ đó dân bản đã biết cách nhân rộng mô hình", ông Sầm Văn Hùng.

 

Xem thêm
Giá xăng dầu hôm nay 25/4/2024: Giảm tới 730 đồng/lít

Giá xăng dầu hôm nay 25/4/2024 đồng loạt giảm. Trong đó, giá xăng mất khoảng 300 đồng, còn giá dầu giảm tới 730 đồng.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

WinCommerce hướng đến mục tiêu 4.000 cửa hàng vào cuối 2024

Ngày 25/4/2024 tại TP.HCM, Công ty CP Tập đoàn Masan và hai công ty thành viên Masan Consumer, Masan MEATLife đồng tổ chức Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2024.

Bình luận mới nhất