| Hotline: 0983.970.780

Bảo vệ con tránh cám dỗ xã hội

Thứ Năm 14/03/2013 , 09:29 (GMT+7)

Chị Dạ Hương kính mến!

Vợ chồng tôi là nông dân ở một huyện xa của thành phố Hải Phòng - độc giả thường xuyên của Nông nghiệp Việt Nam và đã đọc rất nhiều những chia sẻ của chị trong chuyên mục Tư vấn gia đình. Sau rất nhiều trăn trở, chúng tôi thống nhất muốn tham khảo những đường hướng xử lý của chị cho vấn đề của gia đình tôi hiện nay.

Con trai lớn của chúng tôi năm nay 20 tuổi, cháu đã học 3 học kỳ tại trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội (khoa Cầu đường bộ). Lúc đăng ký thi, cháu chọn khoa Kinh tế vận tải. Nhưng xét về đầu ra cũng như lo ngại về kỹ năng mềm của cháu, chúng tôi đã xin chuyển cháu sang khoa Cầu đường bộ. Cháu đã vui vẻ chấp thuận, và chúng tôi cũng đã tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để cháu yên tâm học tập. 

Nhưng mọi chuyện bắt đầu xấu đi từ học kỳ 2 năm thứ nhất, khi cháu thường xuyên nghỉ học và bắt đầu nợ môn, vì cháu cảm thấy chán ngành học, có những bạn bè mới, và từ trước đã rất  ham online. Chúng tôi biết và bằng mọi cách từ động viên đến răn đe để cháu tiếp tục học tốt. Cháu cũng đã hứa, nhưng tình hình qua một năm không có gì sáng sủa hơn. Đến dịp nghỉ tết vừa rồi, cháu mới hoàn thành được 24/51 tín chỉ theo chương trình và  quyết định bỏ trường GTVT, ôn và thi lại vào trường Thương mại, nhưng không ở nhà  mà vừa làm kiếm sống vừa ôn thi trên Hà Nội. Vợ chồng tôi không đồng ý, quyết chỉ nuôi ăn học tại Hải Phòng. Và cháu đã trốn đi. 

Ngoài chuyện ngành nghề, chúng tôi rất lo ngại về những cám dỗ, cạm bẫy cháu hoàn toàn có thể mắc phải khi một mình trên Hà Nội. Mặc dù có thông tin, biết cháu có ôn thi, có đi làm ở một gian hàng trên mạng, có một chỗ trọ yên ổn nhưng vẫn đầy ắp nỗi lo. Lo vì công việc tạm thời rất nhiều mạo hiểm, lo cả khi thi đỗ nhưng với nếp sống bê trễ có thể cháu vẫn tự do bỏ học rồi việc học chẳng đi đến đâu. Liệu chúng tôi có nên bắt cháu về không, hay có biện pháp nào để kiểm soát?

Rất mong nhận được lời khuyên của chị, chúc chị và tập thể tòa soạn mạnh khỏe, hạnh phúc.

Theo tôi được biết, đây là hiện tượng không hiếm hiện nay. Xin chị cho công khai địa chỉ e-mail để tôi có thể nhận được nhiều chia sẻ hơn từ các bạn đọc của quý báo, cũng là nông dân và người làm công tác nông nghiệp đang cố gắng cho con cái mình những điều kiện tốt nhất có thể. Xin trân trọng.

khacminh1969@gmail.com

Bạn thân mến!

Đúng như bạn nghĩ, đa số gia đình nông dân đều chỉ có một hoài bão quan trọng nhất: Con cái học hành tới nơi tới chốn, có bằng đại học và có một công việc tốt đẹp. Giấc mơ ấy không riêng của nông dân, càng không của người nước mình. Nhưng so với dân thành thị, với lên cao hơn, so với người các nước giàu, thực sự ước mơ ấy quá to tát, nó hút kiệt sức lực của một gia đình, vì vậy mà nó luôn căng thẳng, âm ỉ và khủng khiếp. Tôi biết có những gia đình ở miền Bắc hay ở miền Trung, bố mẹ quanh năm rau muống lạc rang để đám con được ăn và học đại học ở thành phố.

Tôi hình dung được tâm trạng của vợ chồng bạn khi con mình đỗ đại học. Cầm bằng như mình cũng được đổi đời, đúng không? Nhưng có lẽ bạn đã sai lầm ở chỗ ép nó chọn một ngành mà nó không thích. Có muôn vàn lý do vì sao nó thích công việc đó. Ví như có những em cứ thích đi học nhạc, hay học vẽ trong khi gia đình gò chúng vào kinh tế để có nhiều cơ hội và lương cao. Cũng ngược lại như vậy, có em chỉ có năng khiếu toán mà gia đình cứ muốn chúng học nhạc cho sang! Cái tôi của bọn trẻ giờ rất mạnh, thời buổi nó vậy, con người của toàn cầu hóa nó vậy. Cũng như cái tôi của mình đậm hơn cái tôi của ông cha mình, cái thời của nho giáo. Con bạn đã cãi bạn và nó đã chệch choạc, cũng tự nhiên của quy luật tâm lý mà thôi. Cũng có đứa không năng lực gì mà tinh tướng cái tôi, ở đây thì cái câu của người xưa lại đúng “cá không ăn muối cá ươn”. Bạn nên xem lại quãng này để mà còn cư xử tiếp với con: Con bạn là đứa ngoan chán học hay là hắn vốn là đứa bất trị.

Khi nó đã bỏ lên Hà Nội và quyết đi làm để học cái ngành nó thấy dễ chịu thì bạn có ra bao nhiêu lời tuyên bố nó vẫn không màng. Nó đã 20 tuổi, đã đủ lý để cãi mình. Nó sẽ thành công hoặc nó sẽ thất bại, mình hãy chờ xem. Một khi nó đã trốn đi là nó đã gửi lại cho mình một tuyên ngôn, một lời thề. Kinh nghiệm là đừng quá cứng, kẻo mất con, do nó “một đi không trở lại”. Nhưng cũng không nên theo đuôi nó. Có thể im lặng để xem nó xoay xở ra sao, nếu nó cầu viện thì xem xét giúp đỡ sao, còn như nó tự lo được thì hãy tin và động viên khẽ khàng.

Mỗi người đều có số phận. Học hành trúc trắc, âu đó cũng là cái số của nó, buồn vẫn buồn mà cấm vận hay từ mặt nó thì lòng mình cũng đau như cắt. Mong vợ chồng bạn bình tĩnh, hy vọng vào phúc đức và đừng quá rắn với con.

Dạ Hương

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất