| Hotline: 0983.970.780

Bảo vệ lợn cụ kỵ, ông bà để sẵn sàng tái đàn

Thứ Hai 03/06/2019 , 13:15 (GMT+7)

Dịch tả lợn Châu Phi đang lây lan rộng ra nhiều tỉnh, TP, gây thiệt hại ngày càng lớn cho ngành chăn nuôi lợn.

Bên cạnh việc quyết liệt phòng chống dịch, việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nhất là bảo vệ đàn cụ kỵ, ông bà cũng là yêu cầu rất quan trọng nhằm phục hồi chăn nuôi lợn ở các địa phương ngay sau khi dịch đi qua.

15-08-14_bo_ve_dn_ni
Một trang trại sản xuất lợn giống của C.P Việt Nam. Ảnh: NT.

Trong những doanh nghiệp chăn nuôi lớn, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (CPV) là đơn vị hàng đầu về sản xuất lợn nái. TS Kiều Minh Lực, Phó Tổng giám đốc CPV, cho biết, CPV có khả năng cung cấp 300 ngàn heo cái hậu bị bố mẹ mỗi năm (loại 100 kg/con, đã qua chọn lọc) phục vụ cho thay đàn và tái đàn trong hệ thống của công ty và của người dân. CPV không giảm đàn nái nên lượng lợn thịt của CPV trong năm 2019 và các năm tiếp theo sẽ không giảm.

Lượng lớn nái hậu bị mà CPV cung cấp hàng năm như trên là khá lớn. Bởi với quy mô tổng đàn khoảng 28 triệu con lợn thương phẩm/năm hiện nay, thì nếu sản xuất giống theo quy trình công nghiệp như CPV, nước ta cần khoảng 2 triệu con nái. Nếu mỗi năm khoảng 30-45% trong số đó phải loại ra do đã già, thì lượng nái hậu bị để thay thế vào khoảng từ 600-900 ngàn con.

Do đó, để giữ vững được số lượng nái hậu bị cung cấp trong năm 2019, CPV đã và đang thực hiện những giải pháp an toàn sinh học một cách nghiêm ngặt nhất nhằm bảo vệ đàn lợn cụ kỵ, ông bà trước hiểm họa từ dịch tả lợn Châu Phi. Theo TS Lực, việc bảo vệ các trang trại cụ kỵ, ông bà là rất vất vả, tốn nhiều công sức, nhưng CPV tự tin bảo vệ được tốt.

Không chỉ CPV, các doanh nghiệp đã gây dựng được đàn lợn cụ kỵ, ông bà đều đang thực hiện các giải pháp để bảo vệ đàn lợn giống quý giá này. Ông Bạch Đức Lữu, Phó Cục trưởng Cục Thú y, cho biết, đến thời điểm này, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đều đã tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn giống cụ kỵ, ông bà.

Một số chuyên gia ngành chăn nuôi cho rằng nếu các doanh nghiệp bảo vệ được đàn lợn cụ kỵ, ông bà, thì sau khi ASF đi qua, năng lực sản xuất giống của ngành chăn nuôi lợn nước ta không bị ảnh hưởng nhiều bởi sự thiệt hại của đàn nái do dân tự để nuôi từ lợn thương phẩm.

Tuy nhiên, khi ASF đang lây lan trên diện rộng, việc vận chuyển lợn hậu bị từ trang trại chuyên sản xuất nái sang trại hậu bị đang bị ngưng lại nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trước nguy cơ xâm nhập của ASF. Do đó, khi các trang trại loại thải con nái đã già, sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt con nái thay thế trong một thời gian. Điều đó, khiến cho sản lượng lợn của trại sẽ bị giảm ít nhiều.

Mặt khác, theo TS Kiều Minh Lực, khi trên địa bàn nào đó đã công bố hết dịch, việc tái đàn cũng cần được các trang trại, nông hộ cân nhắc thật thận trọng. Trước hết, phải đánh giá xem chuồng trại đã đảm bảo được các yêu cầu về an toàn sinh học hay chưa. Đồng thời phải tham khảo giá lợn giống ở thời điểm đó mà cân nhắc có nên tái đàn ngay hay chờ thêm một thời gian. Bởi một lượng lợn nái trong dân đã bị hao hụt do ASF, cộng với nhu cầu con giống tăng cao để tái đàn sau khi dịch đi qua, sẽ khiến cho giá lợn giống tăng lên cao. Điều này có thể ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả chăn nuôi của nhiều trang trại, nông hộ khi vội vàng tái đàn sau dịch.

Theo Cục Chăn nuôi, hiện nay, cả nước có 240 cơ sở nuôi giữ tổng số 59.280 con lợn nái giống cụ kỵ, ông bà (GP và GGP).

Trong đó, các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp trong nước có 71 cơ sở với tổng đàn nái 21.172 con, chiếm 29,6% tổng cơ sở giống và 35,7% tổng đàn nái GP, GGP trong cả nước; các doanh nghiệp FDI (như C.P Việt Nam, JAPFA…) có 79 cơ sở với tổng đàn nái 32.493 con, chiếm 32,9% tổng số cơ sở giống và 54,8% tổng đàn nái GP, GGP của cả nước; có 90 cơ sở không thuộc diện doanh nghiệp với tổng đàn nái 5.615 con, chiếm 37,5% tổng số cơ sở giống và 9,5% tổng đàn nái GP, GGP của cả nước.

Về năng lực, các cơ sở giống hiện nay có khả năng sản xuất được 230.000 đến 240.000 con nái/năm, đáp ứng khoảng 25-30% nhu cầu thay thế và phát triển đàn nái bố mẹ hàng năm. Còn 70-75% đàn nái bố mẹ phục cho việc thay đàn, tăng đàn và tái đàn hiện nay trong các hộ, không xuất xứ từ các cơ sở giống mà do dân tự để nuôi từ lợn thương phẩm.

Xem thêm
Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.