Như một mối quan hệ tuần hoàn tất yếu, canh tác kết hợp lúa trên ruộng rươi đòi hỏi nông dân phải tạo ra môi trường sinh thái tốt nhất trên đồng ruộng để rươi phát triển. Đây đồng thời cũng là điều kiện hết sức thuận lợi để sản xuất lúa gạo hữa cơ.
Theo ông Cao Văn Hạnh, Giám đốc Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, Bộ NN-PTNT), rươi là đối tượng động vật không xương sống, có tập tính sống trong bùn ở những bãi triều vùng ven biển, vòng đời của rươi kéo dài 1 năm.
Từ năm 2015 đến 2021, Bộ NN-PTNT đã giao Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc nhiệm vụ nghiên cứu sản xuất giống nuôi thương phẩm con rươi. Qua những nghiên cứu cho thấy, rươi là đối tượng khá đặc biệt. TP Hải Phòng là nơi có nhiều điều kiện cho rươi phát triển. Thực tế đã cho thấy, mô hình canh tác lúa - rươi tại đây có tính chất hữu cơ cao hơn rất nhiều so với các mô hình canh tác kết hợp khác như tôm - lúa, tôm - vịt…
“Một trong những đặc tính sinh học của con rươi là chỉ sống được trong môi trường trong sạch. Do hiện nay quy trình sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều tàn dư của thuốc BVTV nên rươi chỉ sống được ở khu vực ngoài đê vì khu vực này tách biệt hẳn so với hệ thống thủy lợi nội đồng”, ông Cao Văn Hạnh phân tích.
Theo ông Hạnh, với những đầu tư của Bộ NN-PTNT, vừa qua, Trung tâm đã nghiên cứu, sản xuất thành công giống rươi, qua đó thay đổi tập tính, thói quen canh tác của bà con với việc chủ động được nguồn con giống rươi.
“Tuy nhiên từ việc thả giống đến việc thu được năng suất như thế nào lại là một câu chuyện dài. Việc sản xuất thành công con giống mới chỉ giúp nâng cao mật độ rươi trong bãi nuôi. Còn vấn đề con rươi sinh trưởng, phát triển như thế nào còn phụ thuộc nhiều vào môi trường, kỹ thuật canh tác, chăm sóc, quản lý”, ông Cao Văn Hạnh lưu ý.
Chia sẻ thêm về việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào mô hình nuôi rươi trong ruộng lúa, ông Hạnh thông tin, từ những kết quả nghiên cứu, năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt chương trình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để sản xuất giống và nuôi thương phẩm con rươi.
Theo đó, ngay tại TP Hải Phòng, Trung tâm Quốc gia Giống Hải sản miền Bắc đã xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm rươi. Từ đó, trong khoảng từ 1 - 2 năm triển khai chương trình của Bộ Khoa học và Công nghệ, các doanh nghiệp có thể chủ động hơn trong việc phát triển mô hình nuôi rươi. Từ những kinh nghiệm của các doanh nghiệp, sức lan tỏa về hiệu quả của mô hình canh tác lúa - rươi đến với bà con nông dân sẽ lớn hơn và bài bản hơn.
Ông Cao Văn Hạnh cho rằng, TP Hải Phòng được xem là địa phương có nhiều lợi thế nhất về nuôi rươi trên cả nước. Do đó, Hải Phòng cần có những quy hoạch tổng thể cho vùng nuôi rươi.
Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi, bà con nông dân cũng như các doanh nghiệp cần chú trọng, quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, hướng đến việc phát triển mô hình lúa - rươi nói riêng và nền nông nghiệp địa phương nói chung một cách bền vững.
Đặc biệt, ông Cao Văn Hạnh cũng đề xuất TP Hải Phòng có thể xây dựng những sản phẩm từ rươi thành sản phẩm đặc trưng của vùng. Để làm được điều đó, cần có những kế hoạch để thúc đẩy phát triển sản phẩm mang thương hiệu đất cảng trong thời gian tới, từ đó hi vọng các sản phẩm về rươi sẽ xuất hiện nhiều hơn trên các gian hàng tại các siêu thị, trung tâm thương mại…
TP Hải Phòng hiện có khoảng 2.000ha diện tích sản xuất lúa tại các vùng cửa sông, ven biển, rất thích hợp để phát triển hình thức canh tác lúa - rươi kết hợp. Những năm gần đây, nắm bắt được nguồn lợi lớn từ những cánh đồng rươi, nhiều doanh nghiệp ở TP Hải Phòng đã liên kết với nông dân để sản xuất các loại gạo đặc sản hữu cơ như gạo ruộng rươi, gạo Tiến Vua, ST 25…
Theo đó, ngoài thu được nguồn lợi từ rươi, những sản phẩm về gạo được trồng trên cánh đồng nuôi rươi của bà con nông dân cũng được thị trường ưa chuộng và có giá bán rất cao.