| Hotline: 0983.970.780

Bảo vệ, phát triển vốn rừng ngày càng được củng cố

Thứ Hai 28/11/2011 , 09:43 (GMT+7)

Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngày càng được củng cố.

Lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp kiểm tra chất lượng rừng trồng ở Hà Tĩnh

Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngày càng được củng cố. Hiện độ che phủ rừng đã đạt khoảng 40%. Giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt hơn 116 nghìn tỷ đồng. Kim ngạch XK lâm sản ước thực hiện năm 2011 là 4,1 tỷ USD.

Dấu ấn “5 triệu ha rừng”

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), Việt Nam là nước có nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, nhu cầu sử dụng tài nguyên rừng và đất rừng rất lớn, do vậy tài nguyên rừng đã và đang bị suy giảm nhiều. Đứng trước thực trạng này, việc phát triển và bảo vệ rừng là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu.

Một trong những giải pháp được ngành lâm nghiệp chú trọng thực hiện là triển khai tốt dự án trồng mới 5 triệu ha rừng của Chính phủ, coi đây là nhiệm vụ xuyên suốt về phát triển rừng trong thập kỷ đầu của thế kỷ XXI. Theo đó, diện tích trồng rừng mới, nhất là rừng trồng sản xuất ngày một tăng và nay đã trở thành phong trào rộng lớn trong nhân dân ở những xã có đất để trồng rừng. Kết quả, diện tích trồng rừng đã đạt 2,45 triệu ha, trong đó trồng rừng phòng hộ, đặc dụng đạt 898 nghìn ha, trồng rừng sản xuất đạt 1,5 triệu ha…

Năm 2011, mặc dù rất khó khăn về vốn ngân sách nhưng với quyết tâm của toàn ngành, diện tích trồng rừng ước khoảng 198,5 nghìn ha, đạt 99,25% kế hoạch. “Có được kết quả trên là do các cơ chế, chính sách cho dự án nói chung và cho phát triển rừng nói riêng cũng ngày càng hoàn thiện, đã từng bước chuyển đầu tư theo “suất đầu tư” được ấn định sang đầu tư theo dự án và dự toán được duyệt. Các cơ chế hưởng lợi từ rừng cũng ngày một hoàn thiện”, ông Hà Công Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho hay.

Để diện tích rừng trồng đạt chất lượng, công tác quản lý giống cây lâm nghiệp được Bộ NN-PTNT quan tâm chỉ đạo sát sao. Hiện Quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp đã được ban hành, nguồn giống chất lượng cao cho phát triển rừng và trồng cây phân tán từng bước được chủ động.

Ngoài ra, các công trình và đề tài nghiên cứu khoa học về chọn tạo giống cây trồng lâm nghiệp trong nhiều năm qua đã đưa ra nhiều bộ giống cây trồng có năng suất và chất lượng cao, góp phần kích thích phong trào trồng rừng trong nhân dân.

Song song với việc quản lý và phát triển rừng, công tác bảo vệ cũng đã được tăng cường. Tổng cục Lâm nghiệp đã chuyển việc bảo vệ rừng chủ yếu thông qua việc kiểm tra, kiểm soát lâm sản trên đường vận chuyển đến việc bảo vệ rừng tận gốc, tại rừng và tại các cơ sở chế biến tiêu thụ. Lực lượng kiểm lâm cũng được tăng cường về cơ sở. Nhờ đó, số vụ vi phạm giảm theo từng năm.

Nếu như cách đây 10 năm, số vụ vi phạm lâm luật gần 60 nghìn vụ, năm 2005 là 39 nghìn vụ, thì đến năm 2010 giảm còn hơn 33 nghìn vụ và 10 tháng đầu năm 2011 là 24 nghìn vụ. Tuy diện tích rừng bị mất do các hành vi vi phạm các quy định nhà nước về bảo vệ rừng tuy vẫn còn lớn, nhưng cũng đã có xu hướng giảm mạnh, nếu năm 2001 là 22 nghìn ha, năm 2005 gần 14 nghìn ha thì đến năm 2010 chỉ còn 7 nghìn ha .

Nâng cao thu nhập cho dân vùng rừng

Xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) có tổng diện tích rừng tự nhiên hơn 8,5 nghìn ha, trong đó chủ yếu là rừng thứ sinh, nghèo kiệt, nên việc khôi phục, phát triển và giữ rừng là đòi hỏi cấp bách.

Trước tình hình đó, Bộ NN-PTNT đặt ra nhiệm vụ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật tốt nhất nhằm nâng cao các giá trị sinh thái và kinh tế. Trước mắt, cần nâng cao thu nhập của người dân địa phương bằng các loài cây lâm sản ngoài gỗ. Với mô hình thí điểm là 50 ha, 500 bụi tre, luồng và các loại cây cho gỗ quý khác đã được người dân trong vùng dự án đưa vào trồng, bước đầu cho hiệu quả kinh tế.

Cùng với đó, nhiều quy ước thôn bản về quản lý, bảo vệ rừng và chia sẻ lợi ích từ rừng cũng được xây dựng. Nhờ vậy, thu nhập của nông dân huyện Tân Sơn đã được nâng cao lên mức 7 triệu đồng/người/năm, tăng 30% so với trước.

Hưởng ứng Năm quốc tế về Rừng 2011 theo phát động của Liên hợp quốc, Việt Nam đã triển khai rất nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú ở cả trong nước và quốc tế. Cụ thể là tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Rừng, tổ chức các hoạt động tuyên truyền như mít tinh quốc gia kỷ niệm Ngày môi trường thế giới và Năm quốc tế về Rừng 2011, phát động phong trào và triển khai các dự án trồng rừng.

Đồng thời, Lễ hội lâm sản Việt Nam lần thứ nhất do Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, UBND tỉnh Bình Định, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đồng tổ chức mới đây tại Quy Nhơn cũng nằm trong khuôn khổ các hoạt động này.

Để công tác trồng và bảo vệ rừng đạt hiệu quả, việc gắn lợi ích của người dân bản địa với rừng luôn được ngành lâm nghiệp chú trọng. Hàng loạt các cơ chế quản lý khai thác gỗ và lâm sản đã tiếp tục được hoàn thiện theo hướng đơn giản hơn về thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ việc khai thác rừng, nhất là với rừng tự nhiên.

Trong thời gian qua, việc khai thác rừng trồng là rừng sản xuất do dân tự đầu tư đã rất dễ dàng. Sản lượng khai thác tăng từ 2,68 triệu m3 gỗ năm 2001 lên 4,95 triệu m3 gỗ năm 2010, trong đó sản lượng gỗ từ rừng trồng chiếm 90% đã làm giảm áp lực lên rừng tự nhiên.

Cùng với việc góp phần đáng kể vào công cuộc đổi mới cơ cấu kinh tế và xóa đói giảm nghèo ở miền núi, nhất là những vùng còn nhiều khó khăn, giá trị khai thác, chế biến và XK sản phẩm từ gỗ và lâm sản cũng không ngừng gia tăng.

Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, giá trị sản xuất của công nghiệp chế biến gỗ đã tăng 194%, từ 60 nghìn tỷ đồng năm 2005 lên 116,6 nghìn tỷ đồng năm 2009 (giá thực tế); giá trị XK các sản phẩm của ngành tăng từ 335 triệu USD năm 2001 lên 3,45 tỷ USD vào năm 2010 (tốc độ tăng trung bình 20%/ năm) và dự kiến năm 2011 kim ngạch XK lâm sản đạt 4,1 tỷ USD. Đồ gỗ Việt Nam đã XK tới gần 100 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Vinafor chuyển đổi mạnh theo hướng "Từ trồng rừng đến sản phẩm"

Nhân ngày Lâm nghiệp Việt Nam, đại diện cho DN với 20.000 cán bộ, công nhân viên, người lao động, ông Trần Đức Sinh, Chủ tịch HĐTV TCty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor), cho biết, TCty đang nỗ lực thực hiện phương châm "Từ trồng rừng đến sản phẩm" với mục tiêu kinh tế, xã hội - môi trường, trong đó lấy mục tiêu kinh tế làm trọng tâm. Đến nay, đơn vị này đã nâng diện tích rừng trồng từ 78 nghìn ha lên 130 nghìn ha, năng suất lâm sản tăng bình quân từ 50m3/ha/chu kỳ lên 120m3/ha/chu kỳ.

Có được như vậy là do thời gian qua, đơn vị đã đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, tạo giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô-hom và kỹ thuật lâm sinh tiên tiến để trồng rừng. Được biết, đến nay TCty đã thành lập được Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Vinafor trực thuộc gồm 3 cơ sở nuôi cấy mô tại Hòa Bình, Lạng Sơn, Gia Lai và mới tiếp nhận thêm 7 Cty CP giống cây trồng lâm nghiệp đại diện 7 vùng sinh thái trong cả nước. Về hoạt động kinh doanh, đến nay sản phẩm của DN đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các thị trường lớn như Mỹ, EU và Nhật Bản. Vốn chủ sở hữu của DN tăng từ 479 tỷ đồng (năm 2005) lên 1.500 tỷ đồng.

N.V

Xem thêm
Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Quảng Bình phạt 2,8 tỷ đồng từ các vụ vi phạm hành chính lĩnh vực lâm nghiệp

Trong quý I/2024, lực lượng kiểm lâm Quảng Bình dự kiến nộp 2,8 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước từ 272 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.